Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 12 – 18/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc bệnh sởi. Số ca mắc sởi trong tuần đã tăng vọt so với những tuần trước đó (chỉ ghi nhận 3 - 6 ca/tuần).
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 38 trường hợp mắc sởi. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc tay chân miệng, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 59 trường hợp sốt xuất huyết, 31 trường hợp tay chân miệng.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết giao mùa xuân - hè là điều kiện thuận lợi phát sinh tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh sởi. Để phòng chống các dịch bệnh này, cần tăng cường sức đề kháng và chủ động tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Virus gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.
Hiện nay, tiêm vắcxin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắcxin dạng đơn hoặc dạng phối hợp sởi-quai bị-rubella hoặc sởi-rubella) để phòng bệnh sởi. Do đó, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Khi thấy triệu chứng của các bệnh này, bệnh nhân cần được đưa đi khám sớm, theo dõi cẩn thận.
Để tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám.
Khi trẻ mắc sởi, người dân hãy đưa con em đến các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Những cơ sở này đủ khả năng khám, điều trị cho bệnh nhân sởi. Nếu bệnh nhẹ mà đổ dồn lên tuyến trên thì sẽ gây quá tải bệnh viện, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Video: Cháy chung cư Carina ở TP.HCM: Các nạn nhân đều bị bỏng hô hấp
Bình luận