(VTC News) – Nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo về "thảm họa không khí" sắp xảy ra nếu chất lượng không khí Hà Nội vẫn tiếp tục xấu đi.
Phó giáo sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, thuộc Bộ Xây dựng Hà Nội cho biết: “Nếu bạn tới thành phố vào ban ngày, bạn sẽ thấy tất cả mọi người đều đeo khẩu trang và bạn cũng sẽ tìm cách nào đó để bảo vệ khuôn mặt, cơ thể khỏi môi trường”.
Hiếm khi nào bạn nhìn thấy bầu trời trong xanh ở Hà Nội. Ảnh Channelnewsasia |
Anh Thành Nguyễn, một chủ tiệm áo cưới nói: “Hiếm khi nào bạn nhìn thấy bầu trời trong xanh. Hằng ngày, trên facebook mọi người đăng tải chỉ số ô nhiễm không khí từ Đại sứ quán Mỹ cho thấy bầu không khí ở Hà Nội đang rất xấu”.
Chất lượng không khí ở mức độc hại
Tháng trước, vào lúc 9 giờ sáng ngày 1/3, lần đầu tiên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ghi lại chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 388 - mức độ nguy hại.
Anh Mai Hoàng Nam, một nhân viên Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết: "Nhưng tại Hà Nội, mọi người vẫn đi lại trên đường ngay cả khi không mang khẩu trang".
Giao thông ở Hà Nội trong giờ cao điểm vào buổi sáng. Ảnh channelnewsasia |
Vào năm 2012,công ty phân tích ô nhiễm ARIA Technologies của Pháp đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á và là một trong những nơi có chất lượng không khí tệ nhất Châu Á. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng giám đốc Cục Quản lý môi trường Việt Nam nói rằng: "Thật không chính xác khi nói Hà Nội bị ô nhiễm nặng như Bắc Kinh mặc dù đó là một vấn đề rất đáng lo ngại".
Phương tiện giao thông là thủ phạm lớn nhất
Theo thông tin từ trung tâm quan trắc môi trường của Việt Nam cho thấy 70% ô nhiễm không khí ở Hà Nội một phần là do dòng phương tiện lưu thông không ngừng nghỉ trên đường phố. Đây cũng là vấn đề gây nhức nhối suốt 20 năm qua.
Tính đến giữa năm 1990, xe đạp là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam. Tuy nhiên, xe đạp gần như hoàn toàn nhường chỗ cho xe máy khi nền kinh tế mở rộng với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Xe đạp gần như hoàn toàn nhường chỗ cho xe máy. Ảnh channelnewsasia |
Số liệu chính thức cho thấy rằng hiện nay có 5.3 triệu xe máy và 560.000 xe ô tô tại Hà Nội. Mỗi năm, con số này tăng 11 % đối với xe máy và 17 % đối với xe ô tô.
Ông Tùng nói: "Hầu hết ai cũng có xe máy riêng cho mình, trong khi phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế, không phổ biến. Mọi người không có thói quen đi bộ, họ sử dụng xe máy ngay cả với những khoảng cách rất ngắn".
Đến năm 2020, sẽ có gần 1 triệu xe ô tô và 7 triệu xe gắn máy lưu thông trên đường phố.
Đe dọa sức khỏe con người
Theo trích dẫn số liệu thống kê từ các cơ quan y tế, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết mỗi năm ô nhiễm không khí giết chết khoảng 44.000 người dân ở Việt Nam. Vấn đề ô nhiễm không khí ở thủ đô Hà Nội có lẽ còn nghiêm trọng hơn ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) - thành phố lớn nhất của Việt Nam.
Bầu trời bụi mù che mắt người đi đường |
Theo thống kê từ đơn vị y tế của Bộ giao thông vận tải, Hà Nội gặp vấn đề bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng hơn và người dân chi tiền để chữa trị bệnh đường hô hấp nhiều hơn so với các thành phố phía Nam.
Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết: "Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên và kéo dài sẽ khiến mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng".
Tình trạng tắc nghẽn đáng báo động
Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng xe vượt xa những nỗ lực của chính phủ nhằm mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông ở Hà Nội. Kết quả là đã tắc càng thêm tắc. Một vấn đề nữa là ở Hà Nội có nhiều con đường nhỏ, ngõ hẻm mà ô tô khó lòng qua được.
Ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm ở Hà Nội |
Khi giải thích về làn đường "cấm xe ô tô", anh Thanh, một cựu kế hoạch đô thị cho biết: "Sự phát triển này xảy ra trong một thời gian dài trước đây. Các tuyến đường chỉ thiết kế cho hai làn xe. Trong khi đó lại có rất nhiều người và xe cộ, do đó, mở rộng đường là cần thiết nhưng trong thành phố không thể cung cấp không gian rộng như vậy và chi phí bồi thường để làm đường là rất đắt".
Ngay cả những con đường mới đưa vào sử dụng cũng trở nên chật chội chỉ sau vài năm. Để bắt kịp với nhịp độ phát triển của xe, ước tính rằng Hà Nội sẽ cần phải đầu tư khoảng 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để tiếp tục mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ.
Ngoài ra còn có những giải pháp khác để cải thiện chất lượng không khí bao gồm cả việc thực hiện các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn cho cả ô tô và xe máy cũng như sử dụng nhiên liệu sạch hơn.
Tình trạng xe tư nhân
Một biện pháp khác đã được thông qua trong tháng giêng năm nay là: Đánh thuế 200% khi mua ô tô. Trớ trêu thay, giá xe càng tăng càng khiến cho nhiều người muốn sở hữu nó.
Tại Hà Nội hầu như mọi người đều có xe máy cho riêng mình |
Anh Thành nói: "Trong những năm 1990, chiếc xe máy được coi là một tài sản quý giá rồi. Bạn có thể có một căn hộ với khoảng 30 - 40 triệu đồng, còn chi phí để mua xe máy chỉ ít hơn một chút. Tuy nhiên, bây giờ, giá một chiếc xe ô tô là 500 - 600 triệu đồng nhưng mọi người vẫn đổ xô đi mua xe mới".
Giải pháp: Giao thông công cộng
Theo Phó giáo sư Loan, giải pháp mở rộng làn đường giao thông hay ưu tiên cho xe nào cũng không mấy khả thi. Thay vào đó, các nhà chức trách nên tập trung phát triển giao thông công cộng.
Đầu tiên có thể là xe bus - xe bus nhanh, sau đó là xe điện, tàu điện ngầm hoặc xe điện ngầm. Tính đến nay có 8 con đường dành cho tàu điện ngầm được quy hoạch ở thủ đô.
Tuy nhiên, bây giờ, xe bus là hình thức giao thông công cộng duy nhất ở Hà Nội, phục vụ 3 - 10% dân số, số còn lại sử dụng phương tiện tư nhân gây ra sự tắc nghẽn giao thông.
Hà Phương: nguồn Channelnewsasia
Bình luận