Từ khi bão Yagi quét qua Hà Nội, cuộc sống sinh viên của Nguyễn Hoài Thương (SN 2005, Quảng Ninh) rơi vào bế tắc. "Lần đầu tiên em thấy mì tôm ngon đến vậy. Trước đây em là người rất sợ ăn mì tôm, gần như không ăn bao giờ nhưng từ khi bão, mì tôm trở thành bữa ăn chính mỗi ngày", Thương kể, nhà hàng của bố mẹ ở quê bị bão quật sập, đứng trước cảnh phá sản, nữ sinh hết tiền nhưng không dám xin thêm.
"Gọi điện về bố mẹ bảo em yên tâm, không cần về, bố mẹ vẫn lo được, hãy yên tâm ở Hà Nội học hành", suốt 1 tuần nay, ngày nào Thương cũng dậy từ sớm để cập nhật lịch học.
Phải lội qua những đoạn đường ngập để tới trường, có đoạn sâu khó đi nữ sinh phải xuống dắt bộ 1km, trong lòng nơm nớp sợ xe bị chết máy giữa đường không biết xoay sở thế nào.
Mấy ngày đội mưa, nước thấm vào quần áo khiến Thương ốm sốt nhưng đến tiền ăn còn không đủ nên đành để cho "bệnh tự khỏi".
Sáng nay, nhà trường thông báo tổ chức dạy online từ 11/9 khiến cô gái 19 tuổi thở phào nhưng trong lập vẫn ngổn ngang nhiều cảm xúc.
Lo Hà Nội bị ngập sâu, Thương chỉ mua tích trữ vài chai nước ngọt để cầm cự qua giai đoạn này. Một thân một mình ở Hà Nội không có ai nương tựa, Thương buồn tủi, lo nếu tình hình thời tiết xấu hơn sẽ không chống chọi nổi.
Đã 1 tuần kể từ khi nghe tin cơn bão Yagi đổ bộ vào Hà Nội đến nay, không ngày nào Đặng Hoàng Nhật Minh (SN 2006, Tuyên Quang) ngủ được yên giấc.
"Em nhớ như in buổi tối 7/9, gió quật bay một phần mái nhà trọ, nước mưa xối dội vào đầu giường. Em không nghĩ được nhiều, chỉ vơ vội chiếc laptop mẹ mới mua cho trước khi lên Hà Nội nhập học rồi chạy sang trú nhờ bác chủ nhà. Đêm đó em gần như thức trắng...", Minh kể.
Nhà trọ không thể ở do chủ nhà chưa thể sửa chữa, 3 ngày nay, Minh qua nhà bạn ở Yên Xá nhờ tá túc. Khu vực này do ảnh hưởng của bão, mưa lớn nhiều ngày nên ngập sâu, gần như bị cô lập, Minh không còn cách nào ngoài ở yên trong nhà, cầm cự với những gói mì tôm để qua ngày.
"Chân ướt chân ráo mới về Hà Nội, không có người thân, bạn bè ít rất ít, cả ngày em chỉ ở phòng trọ theo dõi tin tức mưa lũ ở quê mà lòng bồn chồn. Cùng đó nước quanh khu trọ cũng dâng cao, chúng em ngập, mất điện mất nước, không biết sống kiểu gì", Minh nói.
Khó khăn chồng chất khó khăn, Minh chưa từng nghĩ tuần đầu tiên trở thành sinh viên lại là tuần khủng khiếp đến vậy.
Đêm qua cũng là đêm Minh thức trắng. Khoảng 23h30, Minh nhận được điện thoại từ bố: "Đê gần nhà vỡ, ngập hết rồi con ơi". Nghe vậy Minh trực trào như muốn khóc, nam sinh bất lực vì thương bố mẹ ở quê nhà Tuyên Quang đã có tuổi rồi vẫn phải oằn mình lên chống chọi với bão lũ.
"Từ qua đến nay em như ngồi trên đống lửa, sau cuộc gọi nửa đêm đó em không liên lạc được với gia đình nữa. Em chỉ mong hôm nay nước rút để di chuyển ra bến xe, về quê xem tình hình thế nào", Minh nói.
Ứng phó với tình hình mưa bão, từ 9/9, nhiều trường đại học chuyển sinh viên học trực tuyến vì chưa khắc phục xong hậu quả của bão Yagi. Tính đến hết ngày hôm qua, khoảng 50 trường đại học cho sinh viên nghỉ hoặc học trực tuyến. Một số trường phải đổi lịch nhập học như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Giao thông vận tải...
Yagi là cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam năm nay. Với mức gió giật mạnh nhất lên 201 km/h, đạt cấp 16 siêu bão, đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua.
Từ ngày 7/9 đến nay, nhiều tỉnh, thành miền Bắc trong tình trạng ngập lụt, sạt lở hây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, mọi hoạt động trường học (ở Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Hà Nội, Nam Định...) đều ngưng chệ.
Hàng triệu đồng bào miền Bắc đang phải chống chọi với mưa lụt, thiên tai khủng khiếp chưa từng có. Công cuộc cứu trợ đồng bào vùng lũ lúc này rất cần sự chung tay của người dân cả nước. Sự chia sẻ, giúp đỡ sẽ giúp vơi bớt những đau thương, mất mát, giúp đồng bào vùng lũ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả xin gửi về Báo điện tử VTC News, số tài khoản 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội. Nội dung xin ghi rõ: Ung ho 24055. Hoặc quý độc giả có thể quét mã QR code.
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến những địa chỉ cần giúp đỡ trong thời gian sớm nhất.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận