Đoàn Văn Hậu chỉ có bốn phút ra sân cho SC Heerenveen ở một trận đấu chính thức, thay vì 20% số trận trong mùa giải như điều khoản trong hợp đồng mà Hà Nội FC đã công bố. Sau những ấn tượng đầy hi vọng ban đầu, đội bóng Thủ đô đã không thể biến thương vụ này trở thành một bước đột phá để gạt bỏ định kiến về việc đưa cầu thủ ra nước ngoài theo kiểu "hợp đồng thương mại".
Đối với Hà Nội FC, bản hợp đồng với SC Heerenveen có lẽ không phải một thương vụ thành công, ít nhất là về mặt hình ảnh. Sai số giữa mục tiêu 20% số trận thi đấu và 4 phút trên thực tế có thể coi là một thất bại.
Hà Nội FC tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ SC Heerenveen về mặt tài chính để Đoàn Văn Hậu được ở lại. Điều này tạo ra cảm giác rằng họ đã "xuống nước" trên bàn đàm phán, nhưng rõ ràng CLB chủ quản của Văn Hậu cũng có những yếu tố cần phải cân nhắc.
Khi đội bóng của bầu Hiển chấp nhận trả thay SC Heeerenveen một phần hoặc toàn bộ tiền lương cho Đoàn Văn Hậu, họ chắc chắn không muốn đổi lấy vài phút thi đấu, thậm chí 20% số trận chưa chắc đã đủ. Mức lương 12 tỷ đồng/năm của Văn Hậu đủ để nuôi một đội trẻ, hoặc một CLB hạng dưới ở Việt Nam.
SC Heerenveen vì những ưu tiên khác mà không tiếp tục mượn Đoàn Văn Hậu. Hà Nội FC khi quyết định gọi anh trở về cũng có những vấn đề khác đặt lên trên cá nhân một cầu thủ trẻ. Đội bóng Thủ đô sẽ không thể chi thêm cả chục tỷ đồng mà không được đảm bảo lợi ích khi cho một cầu thủ ra đi, trong khi về mặt chuyên môn, CLB đang khủng hoảng vì thiếu người.
Khi mà khủng hoảng truyền thông của Quang Hải chưa được giải quyết, Hà Nội FC sẽ nhận thêm một "bàn thua" nếu mang tiếng trả tiền cho Văn Hậu đi nước ngoài chỉ để lấy cái danh. Trong khi đó, thành tích của đội bóng đi xuống cũng là mối đe dọa lớn đến hình ảnh CLB.
"Hà Nội FC gọi Văn Hậu trở về là tự cứu lấy chính mình", nhận định của BLV Quang Huy có lẽ không chỉ ứng vào khía cạnh chuyên môn.
Việc gọi Văn Hậu trở về cho thấy Hà Nội FC đã thua trong thương vụ lần này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bóng đá Việt Nam nên dừng giấc mơ xuất khẩu cầu thủ sang những nền bóng đá phát triển. Được ăn tập ở một đội bóng thuộc hạng chuyên nghiệp cao nhất của một nền bóng đá phát triển hơn luôn là điều tốt cho bất cứ cầu thủ trẻ nào của Việt Nam chứ không riêng Đoàn Văn Hậu.
Đối với cá nhân Đoàn Văn Hậu, hành trình ở SC Heerenveen không hẳn là một thất bại, dù có chút tiếc nuối khi anh chưa để lại dấu ấn lịch sử như mơ ước của người hâm mộ. Một năm ăn tập ở châu Âu mang đến cho anh những tích lũy quý giá.
Tuyển thủ sinh năm 1999 là bên được hưởng lợi rõ ràng nhất từ chuyến đi này. Thân hình vạm vỡ chỉ là biểu hiện về mặt hình ảnh cho sự cứng cáp, trưởng thành của Văn Hậu mà anh đã thể hiện phần nào trong những lần trở về phục vụ đội tuyển quốc gia ở vòng loại World Cup và SEA Games 30. Chưa kể đến lợi ích về mặt kinh tế, với mức lương mà không cầu thủ Việt Nam nào có thể nghĩ đến nếu thi đấu trong nước.
Từ chuyến đi Hà Lan của Đoàn Văn Hậu, những người làm bóng đá được bài học về chuyên môn trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài. Các cầu thủ trẻ có thể chấp nhận một năm ngồi dự bị, nhưng lâu hơn thì việc ra sân thi đấu phải là mục tiêu bắt buộc. Châu Âu là bến đỗ mà cầu thủ và CLB Việt Nam chưa đáp ứng được.
"Nếu cầu thủ Việt Nam muốn vươn tới sân chơi cao hơn thì không nhất thiết phải là châu Âu. Cứ vững vàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc là tốt rồi. Chúng ta không biết mọi chuyện sẽ tiến triển thế nào trong tương lai nhưng hãy đặt mục tiêu được như Chanathip Songkrasin đi rồi tính tiếp", BLV Quang Huy nhận định.
Bình luận