• Zalo

Hà Nội đưa vào danh mục chỉnh trang bảo tồn 92 biệt thự xây trước năm 1954

Tin nhanh 24hThứ Năm, 11/08/2022 12:15:38 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo làm xuống cấp hoặc biến dạng công trình biệt thự.

Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn theo mục tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954”. Các đơn vị chức năng cũng lập kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác; lập hồ sơ quản lý biệt thự cũ; khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự cũ để trình UBND thành phố Hà Nội.

Hà Nội đưa vào danh mục chỉnh trang bảo tồn 92 biệt thự xây trước năm 1954 - 1

Công trình biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được khởi công chỉnh trang, bảo tồn tháng 4/2021.

Thành phố cũng tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các quận bảo trì, cải tạo, sửa chữa các biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 tại các số nhà: 72 Lý Thường Kiệt, 28A Điện Biên Phủ, 51 Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo, số 45 Quang Trung, 2 - số 4 Lê Phụng Hiểu; xem xét việc cải tạo, chỉnh trang các biệt thự 59 Hai Bà Trưng, 46 Phan Bội Châu, 51 Hàng Chuối, 12 Lê Quý Đôn, 22 Tăng Bạt Hổ, số 8 Nguyễn Biểu, 12 Cao Bá Quát, 46 Trần Hưng Đạo, 20 Hai Bà Trưng và 68 Thợ Nhuộm.

Theo danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 do UBND thành phố ban hành tháng 6/2022, Hà Nội có 1.216 nhà biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự. Các biệt thự này thuộc đối tượng quản lý theo quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Phân loại theo hình thức sở hữu và quản lý, có 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp (Nhà nước, hộ dân) và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. 

Trong quá trình sử dụng, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo gây ra tình trạng xuống cấp hoặc biến dạng công trình. Nhiều nhà biệt thự không có hồ sơ quản lý, không cập nhật về tình trạng biến động, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn. Các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước. Tiền thuê nhà do Nhà nước thu được không đủ để sửa sữa, bảo trì biệt thự. Việc quản lý, khai thác, cho thuê biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chưa hiệu quả.

H.La(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn