• Zalo

Hà Nội: Đất đang tranh chấp với chùa Tứ Liên, vì sao vẫn được cấp sổ đỏ?

Bất động sảnThứ Ba, 21/08/2018 16:02:00 +07:00Google News

Mặc dù đất đang tranh chấp với chùa Tứ Liên (Hà Nội), nhưng hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng vẫn được cấp sổ, điều lạ là trong biên bản năm 1995, phần đất nhà ông Lượng được xác nhận là đất nội tự của chùa Tứ Liên.

Theo biên bản về việc xác định đất nội tự của chùa Tứ Liên năm 1995 giữa UBND xã Tứ Liên (Hà Nội), chùa Tứ Liên và 6 hộ dân có đất giáp nhà chùa gồm: ông Nguyễn Tiến Lượng, ông Lý Duy Dần, bà Lê Thị Len, bà Bạch Thị Tuất, bà Trần Thị Thược và bà Thêu đã xác định rõ phần đất của 6 hộ dân này là thuộc về đất chùa. Riêng trường hợp đất nhà bà Lê Thị Len, theo bản đồ gốc năm 1960 có số ô thửa là 119 nhưng hiện trạng nhà bây giờ thuộc về đất của nhà chùa.

39525978_283258339151353_6721291048468873216_n

 Chùa Tứ Liên. (Ảnh: Châu Anh).

Biên bản có đủ chữ ký của UBND xã, nhà chùa và cả 6 hộ gia đình trên.

Điều đáng nói, từ năm 1984 Chùa Tứ Liên liên tục có đơn đề nghị chính quyền xã Tứ Liên giải quyết tranh chấp đất đai giữa nhà chùa với 6 hộ dân lấn chiếm đất chùa. Năm 1995, UBND xã đã có biên bản xác nhận phần đất của 6 gia đình này là đất nội tự của chùa, nhưng không hiểu vì lý do gì, suốt nhiều năm qua, các hộ gia đình này vẫn không trả lại đất cho nhà chùa.

Điều lạ là vào năm 2015, nhà ông Nguyễn Tiến Lượng được UBND quận Tây Hồ cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 186449 do Phó Chủ Tịch Quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn ký.

Ông Lượng sau đó đã bán lại lô đất này cho vợ chồng ông Ngô Văn Hưng và bà Phạm Thị Kiều Hạnh, rồi tách thửa mang tên Ngô Thế Duy.

Tiếp đó, đến ngày 24/3/2016, UBND quận Tây Hồ tiếp tục cấp giấy phép xây dựng tạm cho gia đình ông Ngô Thế Duy trên lô đất được xác định năm 1995 là đất nội tự chùa Tứ Liên.

39515536_454527678376378_4164862647725981696_n

 Nhà ông Lượng được cấp sổ đỏ năm 2015. (Ảnh: Châu Anh).

Điều đáng nói, dù việc 6 hộ dân này lấn đất chùa đã diễn ra nhiều năm và nhà chùa liên tục có các văn bản gửi đi các nơi đề nghị giải quyết, nhưng nhà ô Lượng vẫn được cấp sổ đỏ và bán lại cho gia đình ông Hưng, bà Hạnh.

Tại biên bản họp ngày 28/7/2016, sư thầy Thích Đàm Đoan khẳng định: Gia đình ông Lượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không hề có chữ ký xác nhận của liền kề và không công khai trên loa đài.

"UBND xã Tứ Liên nói đã công khai trên loa đài, nhưng chúng tôi không hề biết và chỉ biết khi họ động thổ khởi công xây dựng", sư thầy Thích Đàm Đoan cho biết.

Liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng, trả lời báo điện tử VTC News, UBND quận Tây Hồ cho rằng, đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố và các quy định.

Cụ thể, ngày 30/10/2014, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 8403/UBND-TNMT về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại số 173 đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Trong đó, giao nhiệm vụ cho UBND quận Tây Hồ hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục xét cấp GCN cho gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng theo quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND thành phố.

Theo văn bản số 664 của UBND quận Tây Hồ gửi Văn phòng thành ủy Hà Nội cho rằng, tài liệu để khẳng định đất nhà ông Lượng không liên quan đến đất nội tự chùa Tứ Liên là hệ thống bản đồ, sổ mục kê lập năm 1960, tờ bản số 3 thể hiện chủ sử dụng chùa Tứ Liên gồm 2 thửa: thửa sổ 189 có diện tích 70352 m, thửa 190 có diện tích 2.280m2 và 1 thửa 187 723m2 (là đất ao). Tổng 3 thửa trên là 10.038m2 trùng khớp với diện tích được nêu tại Biên bản lập ngày 17/5/1995 về việc xác định đất nội tự của chùa Tứ Liên.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề khiến tranh chấp chùa Tứ Liên kéo dài suốt thời gian qua là do cách đo đạc hiện trạng sử dụng đất hiện nay. Năm 1995 khi đo đạc đã thống nhất phần diện tích nhà ông Lượng là đất nội tự của chùa và tổng diện tích chùa là 10.038m2. Khi xác định ranh giới đất để cấp sổ đỏ cho nhà ông Lượng năm 2015, theo quận Tây Hồ tổng diện tích chùa vẫn là 10.038m2 nhưng lại không có đất nhà ông Lượng.

Một điểm cần phải làm rõ là suốt từ năm 1984, chùa Tứ Liên đã liên tục có văn bản kiến nghị giải quyết tranh chấp đất đai với 6 hộ liền kề, thể hiện bằng hàng loạt văn bản và đơn tiếp nhận của các đơn vị. Khu vực đất này rõ ràng là đất đang tranh chấp, vì thế không hiểu vì lý do gì, đất này vẫn được cấp sổ đỏ vào năm 2015.

Ngoài ra, vụ việc đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều đời chủ tịch quận Tây Hồ, nhưng câu trả lời vẫn là: Chúng tôi đang thống nhất cách đo. Phải chăng, một sự việc nhỏ như vậy, cần phải qua nhiều đời chủ tịch Quận Tây Hồ nữa mới có thể được làm rõ và giải quyết dứt điểm?

VTC News sẽ tiếp tục làm rõ.

>>> Đọc thêm: Đất chùa Tứ Liên - Hà Nội đang tranh chấp, sổ đỏ vẫn được cấp cho hộ liền kề

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn