Theo sư thầy Thích Đàm Đoan, trụ trì chùa Tứ Liên, từ năm 1984 đến nay, Nhà Chùa liên tục có đơn đề nghị chính quyền xã Tứ Liên giải quyết tranh chấp đất đai giữa nhà chùa với 6 hộ dân lấn chiếm đất chùa.
UBND xã Tứ Liên chủ trì cuộc họp giữa sư Trụ trì chùa Tứ Liên với các hộ dân có liên quan đến việc xác định đất nội tự của chùa.
Theo đó, biên bản họp xác định rõ có 6 hộ dân đang sử dụng đất thuộc phần nội tự của nhà chùa Tứ Liên là ông Nguyễn Tiến Lượng, bà Lê Thị Len, bà Bạch Thị Tuất, bà Trần Thị Thược và bà Thêu.
Trong đó, hộ bà Lê Thị Len đang sử dụng thửa đất có diện tích 148m2. Sau đó, đến năm 1995, nhà nước thu hồi đất để làm đường bảo vệ chân đê, do đó khu đất của bà Lê Thị Len sử dụng giảm từ 148m2 xuống còn 75m2 như trong bản đồ địa chính.
Tiếp đến, ngày 31/8/2003, ông Nguyễn Tiến Mạnh là con trai của bà Lê Thị Len đã ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên cho ông Ngô Văn Hưng và bà Phạm Thị Kiều Hạnh.
Sau đó, ông Hưng, bà Hạnh tiếp tục mua mảnh đất của ông Nguyễn Tiến Lượng - là một trong 6 hộ dân đang sử dụng đất thuộc phần nội tư của nhà chùa tại địa chỉ 173 Âu Cơ, rồi tách thửa mang tên Ngô Thế Duy.
Điều đáng nói là suốt từ năm 1984, sư thầy Thích Đàm Đoan đã có đơn kêu cứu khắp nơi về vấn đề tranh chấp đất đai tại chùa, cơ quan chính quyền cũng đã xác nhận đó là phần đất của chùa, nhưng không hiểu vì lý do gì, mảnh đất nhà ông Nguyễn Tiến Lượng lại được cấp sổ đỏ.
"Chúng tôi đã gửi đơn đi khắp nơi từ năm 1984, sự việc vẫn đang được chính quyền giải quyết, thì năm 2015 UBND quận Tây Hồ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng là một trong 6 hộ có tranh chấp đất nội tự chùa.
Video: Những lưu ý khi mua nhà đất
Nhà Chùa thắc mắc việc gia đình ông Lượng được cấp GCN quyền sử dụng đất ở trên đất nội tự của chùa nhưng phía Nhà Chùa không được thông báo (không có chữ ký xác nhận liền kề của Nhà Chùa, không dán thông báo tại địa chỉ cấp sổ đỏ, không công khai thông báo trên loa đài) có đúng quy trình thiết lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu?", sư thầy Thích Đàm Đoan thắc mắc.
Thực tế, việc lấn chiếm đất của chùa Tứ Liên, đã được nhiều cơ quan chức năng vào cuộc. Cụ thể, năm 2012, UBND phường Tứ Liên có văn bản số 44/TTr-UBND về việc thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình quy hoạch tổng mặt bằng, GPMB di chuyển hộ dân ra khỏi khuôn viên và chỉnh trang, tôn tạo, tường rào, nhà phụ trợ chùa Tứ Liên do Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký.
Ngày 31/5/2012, UBND phường Tứ Liên có văn bản 94/UBND – ĐT gửi UBND quận Tây Hồ; Phòng Tài chính – Kế hoạch quận Tây Hồ và Phòng Văn hoá Thông tin quận Tây Hồ về việc thực hiện dự án quy hoạch tổng mặt bằng chỉnh trang tôn tạo chùa Tứ Liên được Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký gửi đến các cơ quan liên quan trên.
Ngày 12/8/2011, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang ký văn bản 897/UBND-TCKH với nội dung chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án Quy hoạch tổng mặt bằng, GPMB di chuyển các hộ dân ra khỏi khuôn viên và chỉnh trang tôn tạo tường rào, nhà phụ trợ chùa Tứ Liên, phường Tứ Liên.
Ngày 10/1/2011, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản số 86/TN&MT – KHTH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc giao đất ở tái định cư cho 2 hộ gia đình tại khu 18,6 ha phường Phú Thượng, Tây Hồ.
Tất cả các văn bản này cho thấy, việc lấn chiếm đất của 6 hộ dân trên là có căn cứ và đã nhiều lần bị đề nghị di dời. Nhưng không hiểu vì sao nhà ông Lượng lại được cấp sổ đỏ, trong khi khu đất nhà ông Lượng là đất đang tranh chấp và bị di dời, trả lại đất cho nhà chùa?
Điều lạ hơn là, ngày 24/3/2016, UBND quận Tây Hồ cấp Giấy phép xây dựng tạm số 47/GPXDT cho ông Ngô Thế Duy, có vị trí xây dựng thửa đất số 44-2; tờ bản đồ số 08 có diện tích đất sử dụng riêng là 42m2, xây 4 tầng, chiều cao 12,70m do Phó Chủ tịch Nguyễn Lê Hoàng ký.
Sau khi nhà chùa có đơn yêu cầu dừng xây dựng, thì ngày 21/4/2016, gia đình ông Ngô Thế Duy đã đồng ý dừng thi công công trình. Nhưng đến ngày 14/7/2016, ông Duy tiếp tục thi công công trình “bất chấp” quyết định đình chỉ của UBND phường Tứ Liên.
Đến nay công trình dù bị yêu cầu tháo dỡ, nhưng phần vi phạm vẫn nguyên hiện trạng, các cơ quan chức năng cũng chưa thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ.
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Bài tiếp: Hai nhiệm kỳ chủ tịch quận Tây Hồ vẫn chưa xác định được ranh giới đất chùa
>>> Đọc thêm: Yêu cầu công ty Hùng Thanh phải tiếp tục hỗ trợ cư dân Carina
Bình luận