Trên mạng xã hội tối 19/8 đang lan truyền 1 chiếc Honda SH bị cháy và đang được dập lửa (không rõ đời xe, nhưng nhiều khả năng là dòng xe cũ nhập khẩu). Theo chủ nhân của đoạn video, hai cô gái đang đi trên đường thì chiếc xe SH bốc khói và phát lửa ở phần bánh sau.
Rất may, do được phát hiện kịp thời nên chiếc xe chỉ bị cháy nhẹ và người điều khiển cũng không bị thương.
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, anh Tống Đức Tuân, một thơ sửa xe có tiếng tại Hà Nội nhận định việc xe máy bốc cháy không phải là "đột nhiên" hay "bỗng nhiên" mà đây là điều tất nhiên nếu xe không được kiểm tra thường xuyên.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "bốc hỏa" trên xe máy, trong đó nguyên nhân dễ xảy ra nhất là do chập điện (đoản mạnh).
Anh Tuân cho biết một số nguyên nhân gây chập điện, như: Bu-gi lỏng chụp gây phóng điện; các đầu cắm, nối điện bị lỏng, tiếp xúc kém sẽ đánh lửa khi dòng điện chạy qua, đặc biệt là những dây dẫn có dòng điện lớn như dây motor đề, đèn pha, đầu cực ắc - quy...
Anh Tuân cũng lưu ý, nguyên nhân gây cháy xe còn có thể do các ống thở của bình ắc - quy bị bít kín, gây nổ rồi dẫn đến cháy hoặc các đường dây điện bị rò rỉ do bị chuột cắn.
Trong khi đó, theo thông tin trên VNexpress, xe không nổ máy mà bốc cháy nhiều khả năng do chập điện (đoản mạch). Đoản mạch là hiện tượng hai cực âm, dương của nguồn điện tiếp xúc trực tiếp với nhau mà không đi qua một vật tiêu thụ điện (điện trở). Dây dương của ắc-quy tiếp xúc với khung xe làm nóng dây và tiếp điểm, từ đó dẫn đến cháy vỏ dây điện, lan vào phần nhựa.
Hiện tượng này thường xảy ra với những chiếc xe đời cũ, trong quá trình sửa chữa không được lắp lại cẩn thận dẫn đến hở dây. Hoặc vỏ dây sau khi sử dụng thời gian dài có thể xuống cấp, bị mủn, từ đó dễ tiếp xúc với khung xe gây đoản mạch và phát hỏa. Bộ phận bị cháy đầu tiên là dây và phải mất khá nhiều thời gian mới cháy đến phần vỏ.
Video: Honda SH bốc cháy ở Hà Nội
Không chỉ do chập điện, hiện tượng "bốc hỏa" trên xe máy có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác như va chạm mạnh, nổ bình xăng,...
"Ống dẫn xăng chất lượng kém, kẹp khóa kém, gây rò rỉ xăng, bình xăng hở thủng, gioăng, van phao chế hòa khí hở gây rò xăng,... cũng có thể khiến xe cháy", anh Tuân nói.
Tất cả các nguyên nhân dẫn đến cháy xe có thể khác phục được nếu chủ nhân của xe biết cách kiểm tra hoặc chí ít là đi bảo dưỡng định kỳ: "Tôi cho rằng ý thức kém của chủ xe mới gây nên hiện tượng cháy xe, phát nổ xe. Nếu ai cũng có ý thức đi kiểm tra xe thường xuyên chắc chắn sẽ không có chuyện này. Các nguyên nhân gây cháy xe đều có thể khắc phục được", anh Tuân nói.
Các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên, người sử dụng nên bảo dưỡng xe tại các đại lý chính hãng, có uy tín. Bởi các đại lý lớn có sự kiểm soát kỹ hơn về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo sự an toàn cao hơn. Thời hạn đi bảo dưỡng xe có thể từ 3.000 - 5.000 km/lần hoặc bảo dưỡng định kỳ 3 tháng/lần.
Bình luận