Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang thảo luận để thông qua Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đang cố gắng rất lớn để trở thành những doanh nghiệp toàn cầu. Việc cập nhật, thích ứng và triển khai những mô hình kinh doanh đột phá là điều kiện cần thiết để tạo đà cho tăng trưởng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên 4.0, tri thức và KHCN.
“Với vị thế là Thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục lớn của cả nước, nơi tập trung nhiều các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo, TP. Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước”, ông nhận định.
Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục lớn mạnh với gần 22 nghìn doanh nghiệp được khởi nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2018, tăng 5% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký là 234 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố hiện nay lên 252 nghìn doanh nghiệp, phấn đầu đến hết năm 2020 có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp.
Việc kết hợp giữa tri thức, sáng tạo, vận dụng các sáng chế, ý tưởng khởi nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và triển khai thực hiện trong đội ngũ cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô là thuận lợi cơ bản, giúp phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội.
Chính quyền Thành phố cũng đặt trọng tâm nội dung khởi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong giai đoạn 2018 – 2020.
“Từ năm 2016, hưởng ứng tích cực tinh thần quốc gia khởi nghiệp, chính quyền TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền tảng hành chính hiện đại, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh để hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo”, ông dẫn chứng.
Cùng với việc sử dụng hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, Thành phố đã và đang xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn. Thành phố cũng đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp và triển khai xây dựng Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp thủ đô, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Riêng năm 2018, Thành phố đã hỗ trợ 20 tỷ đồng để thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Thành phố tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung - cầu, liên kết với các vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để giới thiệu các sản phẩm tại những hội chợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối của nước ngoài.
“Tôi tin tưởng rằng với khả năng sáng tạo của cộng đồng startup, sự hỗ trợ của chính quyền Thành phố và các tổ chức, đơn vị, đối tác trong nước và quốc tế, thời gian tới sẽ có nhiều ý tưởng, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo triển khai hiệu quả, thành công tại Hà Nội”.
Bình luận