Chợ Hà Nội: Ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ cao
Dạo qua một vòng các khu chợ tại Hà Nội, không khó để tìm ra những ngôi chợ liêu xiêu, ngập mình trong rác thải và nước bẩn lênh láng. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, những khu chợ này còn ẩn giấu hiểm họa cháy nổ bất kỳ lúc nào.
Vừa qua, vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu chợ Quang, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội chiều 31/3 khiến nhiều người hoảng sợ, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Nguyên nhân là do một cửa hàng bị cháy rồi lan sang các kiot khác. Với những khu chợ lụp xụp, các gian hàng mọc lên san sát như hiện nay, chỉ cần một mồi lửa là có thể thiêu rụi toàn bộ khu chợ, trong khi chính những người buôn bán, sinh sống tại đây thì không có biện pháp nào để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ rình rập.
Những khu chợ truyền thống lớn như chợ đầu mối Long Biên, chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy)… luôn tấp nập người ra vào. Hình ảnh chung của những khu chợ này đó là con đường lúc nào cũng ướt át, bẩn thỉu. Vào những ngày mưa, đường gập ghềnh nước đọng lại thành từng vũng, mỗi gian hàng chỉ kịp căng chiếc bạt để che chắn, từng phản thịt bày la liệt, ruồi muỗi bay đầy.
Tại các ki ốt bán đồ hải sản, nước chảy lênh láng, vô cùng mất vệ sinh, mùi tanh bốc lên nồng nặc. Mặc dù vậy, những khu chợ truyền thống này vẫn tấp nập người ra vào.
Tại đường Trần Cung, chợ “cóc” họp ngay cạnh một con mương nước thải đen xì, nồng nặc mùi hôi thối. Chợ này đã tồn tại nhiều năm. Ban đầu, người bán hàng tự kê gạch lấn chiếm rồi ngồi buôn bán, lâu dần thành chợ. Ngoài con mương hôi thối, cạnh chợ còn là nơi tập kết của nhiều xe chứa rác hàng ngày tập trung về đây rất mất vệ sinh.
Các khu chợ này phát triển rất nhanh và ngày càng có nhiều kiot được mở ra, kinh doanh các mặt hàng, kéo theo đó là sự xuống cấp trầm trọng của cơ sở hạ tầng. Các kiot mọc lên nhan nhản, không theo đường lối nào. Ở một số chợ, người đến trước bày sạp hàng cao ngồi ở trên, người đến sau rải bạt ngồi ngay… dưới chân, buôn bán chồng lên nhau nhìn rất mất mỹ quan. Chưa kể, nhiều người còn bày hàng ngồi la liệt ngay giữa lối đi.
Tại chợ Xanh (Cầu Giấy) khu chợ nổi tiếng gần với các trường đại học như Đại học Quốc Gia, Đại học Sư phạm… lúc nào cũng tấp nập khách ra vào từ sáng tới tối, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Bên trong chợ là chi chít các gian hàng bán quần áo, giày dép, mỹ phẩm…, chỉ chừa đúng một lối đi bé xíu cho khách chui vào trong xem đồ, trên đầu quần áo chăng đầy như mạng nhện. Giả dụ như có cháy xảy ra, thì người bán hàng và khách mua cũng khó lòng chạy thoát khỏi “mê cung” này.
Một vấn đề khác còn tồn tại ở các khu chợ truyền thống đó là hạ tầng yếu kém, nhiều nơi không có cống thoát, nước chảy tràn lan giữa chợ do ai cũng đổ nước xuống đường, đặc biệt là ở các khu bán thực phẩm. Rác rưởi không được thu gom thường xuyên, nào là túi nylon, giấy báo, thực phẩm bỏ đi, chai lon… bừa bãi trên đường khiến cảnh tượng càng trở nên kinh hoàng hơn.
Đau đầu bài toán vấn đề PCCC ở chợ Hà Nội
Thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Thống kê cho thấy, Hà Nội có khoảng 450 chợ, trong đó chủ yếu là các chợ truyền thống, chợ tạm. Trong số đó, có khoảng 67 chợ được xây dựng kiên cố, còn lại đều là những chợ tạm, chợ cũ đã có tuổi thọ đến 20-30 năm.
Theo số liệu các năm, tình trạng cháy nổ xảy ra ở các chợ lớn ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống hạ tầng xuống cấp, ý thức người dân chưa cao, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại chợ không có. Theo khảo sát tại nhiều chợ, các phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy CO2, cuộn vòi phun chữa cháy, hệ thống chữa cháy đã cũ và chỉ chống đối, không có chú ý bảo dưỡng đúng cách.
Một số chợ “cóc” tự phát thì hoàn toàn không có gì để phòng chống cháy nổ xảy ra. Các vách ngăn chợ vẫn chỉ các vách xốp hoặc gỗ, mỗi gian hàng nhỏ tý xíu và không hề có hệ thống cảnh báo cháy tự động.
Chợ là nơi dễ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhất bởi đây là nơi tích trữ nhiều mặt hàng như đồ điện, đồ gia dụng, quần áo, cồn… Nhiều người thường xuyên đốt vàng mã, nấu ăn… dễ gây nguồn lửa tiềm ẩn bén cháy. Hệ thống điện không đảm bảo, nguy cơ quá tải điện do người dân lạm dụng xảy ra thường trực, chập điện, nổ điện diễn ra liên tục, các vật liệu che chắn gian hàng đều tạm bợ, dễ bắt lửa, có thể xảy cháy bất cứ lúc nào.
Một khi xảy cháy hoặc sự cố, xe cứu hỏa cũng không thể tiếp cận được khu vực chợ bởi đường hẹp lại có quá nhiều vật cản trên đường.
Tại nhiều khu chợ lớn, hệ thống PCCC được trang bị khá đầy đủ, khoa học nhưng người dân hầu như không biết sử dụng. Nhiều hệ thống PCCC do lâu ngày không được sử dụng nên các trụ bơm nước đều đã hoen gỉ, không thể dùng. Biển nội quy phòng cháy chữa cháy đặt trên cao, sát với trần nhà và chữ rất nhỏ khiến người dân khó tiếp cận.
Giả sử như có cháy xảy ra thì nhiều người cũng không biết làm thế nào để dập tắt đám cháy mà chỉ hoang mang, lo lắng, hoảng sợ, cuống cuồng thu dọn hàng hóa, đồ đạc… khiến cho ngọn lửa càng dễ bùng phát hơn, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Video: Cháy chợ Quang (Hà Nội) - Có thể do thắp hương ngày Rằm
Cấp thiết phương án cải tạo, xây mới chợ truyền thống để đảm bảo an toàn
Từ những vấn đề trên, việc cải tạo, xây mới các chợ cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện chất lượng sinh hoạt, đảm bảo an toàn cháy nổ, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại là vô cùng cấp thiết.
Vụ cháy ở chợ Quang thiêu rụi hàng nghìn tỷ đồng là bài học xương máu cho các tiểu thương về vấn đề cần phải có một môi trường làm việc, sinh sống an toàn và đảm bảo.
Theo chủ trương của Nhà nước và thành phố, việc cải tạo, nâng cấp chợ phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, động lực phát triển, do vậy cần phải có cơ chế công khai, tìm kiếm các nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực, tạo cơ hội tốt nhất cho tiểu thương, doanh nghiệp buôn bán tại chợ có thể đóng góp xây dựng, cải tạo chợ và cơ hội làm ăn, buôn bán sau này.
Dựa trên kết quả khảo sát thực tế các mô hình, phương thức tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống trên thế giới, Thành phố đang đưa ra rất nhiều nhóm giải pháp nhằm giải quyết vấn đề cải tạo chợ cũ ở Hà Nội, đảm bảo hệ thống chợ sau khi được xây mới, cải tạo nâng cấp sẽ là điểm giao thương kinh tế phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đảm bảo văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Đồng thời, đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm văn hóa địa phương với nhiều điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa…
Với công nghệ xây dựng chợ mới, việc cải tạo, nâng cấp, xây mới các khu chợ dự đoán sẽ được tiến hành rất nhanh, trong thời gian ngắn để không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các tiểu thương tại chợ. Việc tổ chức lại không gian trong chợ cũng sẽ được áp dụng phong cách thiết kế hiện đại, bảo đảm an toàn, phù hợp cảnh quan và đặc biệt không làm xáo trộn tập quán kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương cũng như thói quen mua sắm hàng hóa của người dân.
Bình luận