Trong 6 tháng năm 2024, toàn TP ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. TP ghi nhận 11 ổ dịch, hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại huyện Đan Phượng và Quận Hai Bà Trưng.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, lưu ý, đối với dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện một số ổ dịch phức tạp, kéo dài, kết quả giám sát tại các ổ dịch cũ vẫn ghi nhận chỉ số nguy cơ, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa rào là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh.
Vì vậy, các địa phương tăng cường giám sát dịch, thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.
Nhấn mạnh về sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư - cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3,9 tỷ người ở 129 quốc gia có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết Dengue, chiếm hơn một nửa dân số thế giới.
Ước tính thế giới có 390 triệu ca sốt xuất huyết Dengue xảy ra hàng năm, 96 triệu ca trong số đó có biểu hiện lâm sàng.
Các trường hợp nặng xảy ra ở khoảng 500.000 người mỗi năm, với tỷ lệ tử vong là 10% ở những bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong này có thể giảm xuống dưới 1% nếu được phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm dựa trên các dấu hiệu cảnh báo.
Bác sĩ Trần Văn Bắc cảnh báo, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thể nặng, sốt trên 5 ngày có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc (kháng kháng sinh Meticillin) gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
Ngoài ra, các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân nếu có sốt cấp tính trong mùa dịch sốt xuất huyết Dengue nên đi khám và quản lý tại cơ sở y tế, không nên tự truyền dịch tại nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Bình luận