• Zalo

Hà Nội cấm bán tại chỗ theo quận: 'Mất khách, tôi biết kinh doanh thế nào?'

Thị trườngThứ Tư, 05/01/2022 09:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Quy định cấm bán hàng ăn uống tại chỗ tùy quận ở Hà Nội khiến nơi thì tấp nập, nơi lại ế ẩm, nhiều chủ quán xót xa nhìn cảnh khách kéo sang nơi khác.

Sau thời gian dài Hà Nội giãn cách xã hội, với rất nhiều đợt điều chỉnh về quy định kinh doanh để phòng chống COVID-19, ngành ăn uống bắt đầu gắng gượng hồi phục. Nhưng nay, các hàng quán lại liêu xiêu trước quy định cấm bán hàng tại chỗ của các quận trên địa bàn trung tâm Hà Nội.

Bắt đầu là Quận Đống Đa (từ 12h trưa ngày 13/12/2021) và tiếp sau là các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàng Mai đã cấm hoạt động ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về do cấp độ phòng chống dịch tăng lên cấp độ 3 (nguy cơ cao - màu cam). Nhiều chủ quán bày tỏ sự khó hiểu, thậm chí là bức xúc về những quy định này: "Mất hết khách rồi, chúng tôi biết kinh doanh thế nào?".

Sát cạnh nhau, quán thì được bán, quán lại không

Chia sẻ với VTC News, chủ một quán phở bò nằm trên phố Trương Định thuộc quận Hai Bà Trưng bày tỏ sự bất bình cho biết, cách đây khoảng một tuần, quán của bà chỉ được bán mang về trong khi ngó sang bên phải một đoạn chừng 10m, những cửa hàng ăn khác thuộc quận Hoàng Mai vẫn hoạt động bình thường.

“Thà cấm phục vụ tại chỗ đồng loạt như trước đây chúng tôi còn dễ sống. Chứ bên này thì bán mang về, bên kia lại được phục vụ tại chỗ, chúng tôi mất hết khách”, chủ quán nói.

Theo chủ quán, khi chưa có quy định phân vùng vàng, cam, đỏ, hàng quán đồng loạt chỉ được bán mang về, dù có khó khăn nhưng là khó khăn chung nên lượng khách cũng phân bố đều ở các hàng quán. Nhưng hiện giờ, khách của những quán bị cấm phục vụ tại chỗ lại đổ xô đến những quán không bị cấm. Vậy là không chỉ hàng quán bị mất khách mà cấm như thế cũng không thể phòng được dịch.

Hà Nội cấm bán tại chỗ theo quận: 'Mất khách, tôi biết kinh doanh thế nào?' - 1

Hàng quán bán mang về vắng khách.

Ngày 31/12/2021, quận Hoàng Mai sau đó cũng đã siết chặt phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu dừng bán hàng ăn uống tại chỗ, đóng cửa trước 21h hàng ngày, do cấp độ dịch tăng lên. Nhiều người đặt câu hỏi: Đây có phải là hậu quả của quy định phân vùng chống dịch tưởng nghiêm ngặt nhưng thực tế là nửa vời, bất cập và thiếu hiệu quả? 

"Cấm quận này bán thì khách từ quận đó sẽ đổ dồn sang quận kế cận để ăn. Như vậy là đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch sang vùng đó. Thực sự không hiểu nổi quy định cấm như thế có tác dụng gì?", một chủ quán đặt nghi vấn.

Phần lớn giới kinh doanh hàng ăn uống đều cho rằng việc phân vùng chống dịch theo cấp độ đang tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các hộ kinh doanh vùng giáp ranh.

"Đây là thời điểm cuối năm cận Tết, chúng tôi cố gắng bán hàng để gỡ lại một năm kinh doanh ảm đạm thì nay lại bị cấm bán tại chỗ. Đáng nói hơn là chúng tôi bị mất khách với quy định mới này. Bao nhiêu tháng cầm cự, tìm mọi cách giữ chân khách hàng, mong sau này hết dịch sẽ vẫn có lượng khách hàng ổn định thì nay mọi chuyện nguy cơ đổ sông bể", anh Dũng, chủ một quán phở trên phố Minh Khai nói.

Đau đầu vì quy định thay đổi liên xoành xoạch

Ông Vũ Đức Thắng, chủ một nhà hàng bia tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ với VTC News, khoảng thời gian dài đóng băng hoạt động vì giãn cách toàn xã hội, tình hình lún sâu trong thua lỗ của nhà hàng này đã được cứu vãn khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, cho mở bán mang về và tiếp tục được phục vụ tại chỗ.

“Đó là thời điểm sau đợt dịch thứ tư, ấy cũng là lúc tôi cho rằng như vậy là đã có thể yên tâm làm ăn đến Tết. Do đó, tôi đã gọi nhân viên đi làm lại, khôi phục hoạt động kinh doanh và chuẩn bị chu toàn cho dịp Tết. Khách khứa đông trở lại, dù không được như kỳ vọng, song với khoảng 15-20 bàn/ngày nhà hàng tôi đã kiếm đủ số tiền để chi trả tiền mặt bằng và các chi phí, chỉ còn khoản lương của nhân viên là vẫn phải trích ra từ tiết kiệm, vẫn có thể gắng gượng được”, ông Thắng nói.

Hà Nội cấm bán tại chỗ theo quận: 'Mất khách, tôi biết kinh doanh thế nào?' - 2

Phải ngừng phục vụ tại chỗ, ông Thắng trăn trở suy tính tương lai của nhà hàng.

Năm hết, Tết đến được ví như “mùa kiếm ăn” của những nhà hàng lớn, bởi lượng khách hàng tổ chức gặp mặt, liên hoan cuối năm, đặt tiệc tăng lên đáng kể. Vốn đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, tiềm lực kinh tế cho dịp này và hy vọng  thu về được một khoản đủ để lo một cái Tết cho gia đình, nhân công.

Thế nhưng, từ ngày 26/12/2022, những nhà hàng, quán ăn tại Nam Từ Liêm này lại phải dừng phục vụ tại chỗ theo cấp độ phòng dịch 3. Lại một lần nữa, nhà hàng của ông Thắng lâm vào khó khăn.

“Bán mang về thì cũng chỉ được 1-2 bàn mỗi ngày. Doanh thu còn không đủ trả tiền điện. Nhân viên mới gọi lên làm được khoảng một tháng rưỡi cũng đành cho nghỉ. Sau đợt này chắc họ cũng chán nhà hàng lắm rồi, sau này có gọi đi làm cũng khó. Rồi không biết phải tuyển nhân viên thế nào nữa”, ông Thắng nói thêm.

Việc thay đổi cấp độ chống dịch, lúc thì tạm đóng cửa, lúc thì chỉ được bán mang về khiến nhà hàng của ông Thắng gặp muôn vàn khó khăn trong công việc kinh doanh. “Vẫn biết là chống dịch như chống giặc, nhưng dù sao thì cũng đã 2 năm rồi, đến giai đoạn thích ứng an toàn với dịch rồi mà cứ thay đổi liên xoành xoạch thế này thì kinh doanh dịch vụ như chúng tôi sống sao nổi. Bao nhiêu năm làm ăn, tích lũy, bây giờ phải mang ra mà lấy vốn tồn tại. Coi như là năm nay không có Tết”.

Ngay sau 1/1/2022, thời điểm mà phường Mộ Lao, quận Hà Đông nâng cấp độ phòng dịch lên cấp độ 3, anh Trần Trọng Tráng - chủ quán trà chanh trên đường Vũ Trọng Khánh đã buộc phải cho nhân viên cuối cùng của mình nghỉ việc.

“Trong suốt khoảng thời gian dịch bệnh, khi thì phải tạm đóng cửa, khi thì chỉ được bán mang về, thời gian phục vụ tại chỗ cũng chẳng kéo dài được quá 2 tháng. Tôi cũng đã phải luân chuyển nhân viên từ cơ sở này, đến cơ sở khác (vùng không phải ngừng phục vụ tại chỗ) để đảm bảo cuộc sống cho họ. Sau 2 năm dịch bệnh, nhân viên cũng "rơi rụng" gần hết theo đà kinh doanh giảm sút. Chỉ còn lại một nhân viên duy nhất tôi cũng mới cho nghỉ sau khi cơ sở chính bị dừng phục vụ tại chỗ”, anh Tráng chia sẻ với VTC News.

Hà Nội cấm bán tại chỗ theo quận: 'Mất khách, tôi biết kinh doanh thế nào?' - 3

Nhân viên đã nghỉ việc, anh Tráng phải tự tay làm mọi công việc trong quán.

“Tôi vẫn nhớ vào khoảng cuối tháng 9/2021, khi mà hàng quán ở Hà Nội được phục vụ tại chỗ. Tôi đã học thêm các món đồ uống cho mùa đông, cơ cấu lại cửa hàng, tìm mọi cách đẩy mạnh doanh số để thúc tiến việc kinh doanh. Ấy vậy mà chưa kịp bù lỗ thì lại thêm quy định mới. Thú thực là chả dám nghĩ đến Tết nữa, mà tôi còn đang lo không biết phải làm thế nào tiếp theo. Không lẽ lại từ bỏ việc kinh doanh”, anh Tráng buồn bã nói.

Được mở cửa bán hàng vẫn nơm nớp lo

Quận Cầu Giấy hiện là một trong những quận còn được bán tại chỗ. Ở một số hàng quán chuyên phục vụ giới trẻ, dường như lượng khách đổ về đông hơn do hệ luỵ của việc nhiều quận huyện khác đang bị dừng phục vụ tại chỗ.

Dù vậy, các tiểu thương trong khu vực vẫn không khỏi lo lắng khi có nhiều khách từ vùng khác đến, gây nguy cơ mất an toàn phòng dịch. “Ngày nào tôi cũng nghe thông báo trên loa phường, lo nhất là đến một ngày khu tôi lại ngừng phục vụ tại chỗ”, một tiểu thương lo lắng.

Còn tại các nhà hàng lớn, lượng khách không những không tăng mà còn có chiều hướng giảm đi. Ông Nguyễn Hồng Thái, chủ nhà hàng Ngư quán tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy cho biết, dưới tác động ròng rã kéo dài 2 năm của đại dịch COVID-19 lượng khách ngày càng giảm bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Hà Nội cấm bán tại chỗ theo quận: 'Mất khách, tôi biết kinh doanh thế nào?' - 4

Một góc nhà hàng Ngư quán vắng vẻ trong những ngày cuối năm Tân Sửu.

Với ông Thái, lượng khách hàng giảm xuống là một vấn đề đáng quan ngại với công việc kinh doanh, nhưng cũng không đáng lo bằng việc dịch bệnh lại bùng phát và nhà hàng phải đóng cửa: “Tôi lo nhất là bây giờ nhà hàng phải đóng cửa. Mặc dù lượng khách đang giảm nhưng mà nếu vẫn được tiếp tục duy trì mở cửa bán tại chỗ thì việc lo cái Tết cho bản thân gia đình tôi cũng như cho nhân viên là vẫn còn có thể được. Chứ nếu mà phải đóng cửa hoặc bán mang về thì cũng chưa biết phải xoay thế nào”.

Ông Thái cho biết thêm, trong suốt khoảng thời gian 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các khoản chi phí mặt bằng, nhân công…của ba cơ sở thuộc hệ thống nhà hàng này dần trở nên “nặng” hơn trước. Nếu dịch bệnh vẫn còn diễn biến căng thẳng trong khoảng 1 năm nữa thì Ngư quán cũng khó lòng cầm cự.

Đi hơn 10km để được ăn uống tại chỗ

Để chọn được địa điểm có thể ngồi ăn tại chỗ cùng bạn gái, Văn Giang (26 tuổi) không ngần ngại đi từ Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng sang Tô Hiệu, quận Cầu Giấy để dùng bữa tối.

Do không thường xuyên tới khu vực này, nên hai bạn trẻ mất khoảng 15 phút mới tìm được quán bán đồ ăn vặt ưng ý dù đã tra cứu địa chỉ từ trước đó. “Tôi sống ở quận Hai Bà Trưng, bạn gái tôi ở quận Hoàng Mai nên hiếm khi tôi đến khu vực này. Hiện giờ những quận trung tâm đã dừng phục vụ tại chỗ nên chúng tôi mới lặn lội đến đây ăn tối, sau đó uống cà phê”, Giang nói.

Dù phải chạy xe hơn 10km để được ăn uống tại chỗ, nhưng đôi bạn trẻ cũng không ngần ngại ngần ngại bởi hàng quán nơi này nhộn nhịp hơn. “Ở khu này có nhiều sự lựa chọn ăn uống hơn thay vì cảnh chỉ mở bán mang về ở khu tôi sống”, Giang chia sẻ với VTC News.

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn