Bộ Quốc phòng Hà Lan tuyên bố nước này sớm triển khai một đơn vị phòng không Patriot tới đồng minh Litva, nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận phòng không chung của khối vào mùa hè năm nay.
Tuyên bố của Hà Lan có đoạn, cuộc tập trận kéo dài vài tuần nên việc tăng cường năng lực phòng không ở sườn phía đông của liên minh là cần thiết. Mục tiêu của cuộc tập trận là kiểm tra khả năng của quân đội NATO trong việc nhanh chóng vận chuyển và triển khai hệ thống phòng không đến khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tuyên bố, quyết định triển khai hệ thống do Mỹ sản xuất gần biên giới Nga “góp phần nâng cao tính sẵn sàng của phòng không NATO” .
Về phần Litva, nước này hoan nghênh cuộc tập trận này, đồng thời cho biết Hà Lan sẽ huấn luyện cách tái triển khai các đơn vị phòng không cùng với quân đội Litva.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas cho biết, lực lượng phản ứng nhanh của NATO “rất quan trọng đối với an ninh của các nước vùng Baltic”, đồng thời kêu gọi triển khai và tập trận nhiều hơn của khối trong khu vực.
Hiện chưa rõ việc triển khai Patriot của Hà Lan ở Litva sẽ kéo dài đến bao lâu. Một khẩu đội của hệ thống phòng không Patriot gồm nhiều thành phần chiến đấu, gồm radar, ăng-ten, điều khiển hỏa lực và các phương tiện hỗ trợ khác, cũng như 8 bệ phóng di động.
Hà Lan là một trong số ít quốc gia cung cấp hai bệ phóng Patriot cho Ukraine, cùng với Mỹ và Đức, mỗi nước gửi đầy đủ một tiểu đoàn tên lửa.
Việc triển khai sẽ diễn ra sau cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO sau nhiều thập kỷ - Steadfast Defender 2024, với sự tham gia của khoảng 90.000 quân, hơn 1.000 phương tiện chiến đấu, hơn 50 tàu hải quân, 80 máy bay trực thăng, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu từ tất cả 32 quốc gia thành viên.
Nga tuyên bố việc khối quân sự do Mỹ đứng đầu tăng cường chi tiêu quân sự và tăng cường các cuộc tập trận thể hiện “chính sách gây hấn” của khối này. Hồi đầu tháng 3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev cho biết cuộc tập trận đang diễn ra “kịch bản đối đầu vũ trang với Nga”, làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn tình hình thế giới.
Ông Patrushev mô tả NATO là “công cụ quan trọng để Washington gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác”.
Bình luận