• Zalo

Gửi tấm thân tàn nơi rừng thiêng nước độc

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 13/10/2012 06:28:00 +07:00Google News

Dọc các triền núi, khe suối, không chỉ có những cánh rừng, ngọn núi bị xé toạc, cảnh tượng hoang tàn mà còn biết bao oan hồn ẩn ức nằm sâu trong núi độc.

Phước Sơn (Quảng Nam) được xem là “vùng đất hứa” cho những người đi tìm giấc mơ... vàng!

Vào những lúc cao điểm, núi rừng nơi đây phải gồng mình chịu đựng sự giày xéo của hơn một vạn phu vàng trên khắp mọi miền đổ về. Đa số họ, vì “ma lực” của vàng đã kéo nhau về đây với cùng một thân phận phu phen! Để rồi, chỉ có rất ít người trong số họ gặp may mắn, và cũng có nhiều người gửi lại cả tấm thân tàn mãi mãi nơi rừng thiêng nước độc này...

Cho đến bây giờ, đa số người dân nơi đây vẫn thuộc nằm lòng hai câu thơ “chế”: “Phước Sơn gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó không mong ngày về”... Đất vàng Phước Sơn ngày ấy, mấy người đi mà ngày về được nguyên vẹn, đặc biệt là các phu vàng.

Họ không thương tật, nghiện ngập thì cũng mang mầm bệnh trong người, thậm chí chết tại đất vàng. Có những cái chết tức tưởi vì sập hầm, sốc vì tiêm chích ma túy và cũng có cả những cái “chết mòn” theo ngày tháng vì sốt rét, bệnh tật...
Mồ Ba Mũ được người dân lập nên để tưởng nhớ 3 phu vàng xấu số. 
Ông Hồ Văn Chiến - nguyên Trưởng CAX Phước Thành cho hay: Từ những năm 1985-1995, ở các bãi vàng xã Phước Thành và vùng lân cận, phu làm vàng chết nhiều vô kể... Đa số họ, có người tìm được xác thì được bạn bè đắp cho nấm mồ bên bìa rừng hay gần các bãi vàng như bãi Gió, bãi Gõ, bãi Phước Thành, suối K7, suối 45, bãi Đồi Chim hay bãi Ma..., có người hiện đang chôn vùi đâu đó trong lòng đất.

Theo chỉ dẫn của ông Chiến và nhờ sự giúp đỡ của tay xe ôm, chúng tôi tìm đường vượt rừng núi đến một số địa danh có mộ của phu vàng mà nhiều người hay gọi là nghĩa địa của phu vàng.

Trên đường đi, người lái xe ôm với thái độ thản nhiên cho biết: “Phu trong này chết nhiều biết mấy mà kể. Mạng phu vàng ở đây rẻ lắm, chết đủ mọi kiểu, đủ cách, chết mà biết được danh tính, toàn thây là mừng rồi. Dù sao cũng có nấm mồ, ai thương thì ghé ngang thắp cho nén nhang chứ có biết tên tuổi chi mô”.

Nơi tôi đến như nghĩa trang Khâm Đức (TT Khâm Đức), bãi Gió, bãi Gõ (Phước Đức), suối K7, suối 45 (Phước Hiệp). Những nơi này bây giờ chỉ còn rải rác mộ các phu vàng một thời nằm lại.
Nhiều phu vàng thiệt mạng vì sập hầm, bệnh tật, để lại nỗi đau cho người thân ở quê nhà 
Nếu không có anh xe ôm dẫn đường, chắc tôi không đủ can đảm để đi bộ băng qua những con đường hoang vắng dường như đã lâu lắm không có người đặt chân đến. Người lái xe ôm bảo, người dân ở đây rất sợ người chết nên nơi nào có mồ mả là họ tránh xa không dám vào.

Những nấm mộ lấp vội, sơ sài cỏ mọc dày đặc, cái thấp cái cao rất khó phát hiện. Tôi và anh xe ôm chia đều hương ra thắp cho từng nấm mộ. Lặng lẽ vạch từng đám cỏ, anh lần lượt thắp nhang cho các nấm mộ và nghẹn ngào: Phận bạc phu vàng một đời lam lũ, sống chui lủi, rúc trong hầm, trong rừng núi, nếm chịu biết bao khổ cực, vàng đâu không thấy, giờ đây phải nằm lại núi rừng hiu quạnh này.

Dọc khắp các triền núi, khe suối, không chỉ có những cánh rừng, ngọn núi bị xé toạc, cảnh tượng hoang tàn mà còn biết bao oan hồn đang ẩn ức nằm sâu trong núi đá. Ngoài những chân nhang vàng bệch được cắm trên những nấm mồ vô danh, còn những miếu thờ khuất dưới rừng cây.
Hầm vàng được chống đỡ sơ sài, chỉ cần một rung lắc nhẹ có thể sập bất cứ lúc nào 
Những miếu thờ được lập nên để tưởng niệm những người đã chết, thân xác bị đất đá vùi lấp không thể tìm thấy. Người đi nằm lại bơ vơ, lạnh lẽo, không người hương khói. Người ở nhà khắc khoải chờ đợi, trông ngóng hy vọng mong manh rồi họ sẽ đem vàng trở về. Nhưng tất cả đều chìm trong vô vọng...

Ngày nay, một số mộ may mắn đã được người thân tìm được và âm thầm bốc về quê, số còn lại vẫn nằm tại núi rừng này. Nghĩa địa TT Khâm Đức là một trong những nơi gửi gắm thân phận hẩm hiu của một số phu vàng vô danh.

Theo như lời của người quản trang ở đây cho biết: Những nấm mộ này được đắp lên cho người chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau như sập hầm, nghiện ngập, bệnh tật..., tất cả đều không có người thân thích. Họ được chủ các bãi vàng hay chính quyền địa phương phát hiện và gửi lại nghĩa trang để đỡ hiu quạnh...

Theo chân người quản trang, chúng tôi cuốc bộ băng qua những đám cỏ xanh mọc um tùm quá gối. Càng vào sâu, không khí càng trở nên nặng nề, u tịch. Dừng lại trước một mô đất nhỏ, xung quanh cây cỏ mọc um tùm, nếu không có những chân nhang ố mốc cắm từ lâu, chắc hẳn tôi không thể nhận biết được đó là một nấm mồ.

Người quản trang cho hay, đây chính là ngôi mộ của một người làm vàng bị nghiện nặng quê ở Nghệ An. “Nó chết vì dính ma túy. Bao nhiêu tiền của làm ra đều đổ vào ma túy, khi sức làm không đủ tiền hút nó trở thành nô lệ làm suốt ngày đêm. Một thời gian sau thân tàn ma dại, lở loét đầy mình, mọi người thấy tội quá đưa ra bệnh viện nhưng đã quá muộn. Thi thể được mọi người chôn ở nghĩa địa phu vàng tại TT Khâm Đức!” - người quản trang cho biết.

Trên đường đi vào khe 45 (xã Phước Xuân) tìm đến “mồ Ba Mũ”, chúng tôi được người lái xe ôm kể về cái chết tức tưởi của 3 phu vàng cách đây chừng 3 năm. Rải rác trên đường đi, một số hầm vàng đã ngừng hoạt động, cạnh đó là những bàn thờ nhỏ lạnh tanh.

“Mồ Ba Mũ” là căn chòi nhỏ phủ bạt, bên trong có một bàn thờ lớn đặt sát vách núi nằm cạnh miệng hầm vàng ngừng khai thác lâu ngày. Trên bàn thờ có 3 lư hương, 3 mũ bảo hộ màu vàng treo đối xứng với 3 lư hương cắm đầy gốc nhang lạnh ngắt. Tên tuổi, quê quán, ngày mất... không hề có. “Gọi là mồ Ba Mũ vì chỉ có 3 chiếc mũ tượng trưng cho 3 người đã khuất” - người lái xe ôm lý giải.

“Hôm đó, vừa nổ mìn xong, 3 phu vàng ngồi đánh bài để đợi cho khí mìn bay hết mới vào khuân đá, tuy nhiên, do gặp phải ông chủ lúc đó đang say rượu nên đã quát tháo, bắt họ phải xuống hầm làm việc. Cả 3 người kéo nhau xuống hầm, mãi lúc sau không thấy chuyển đá lên nên chủ hầm mới cho người kiểm tra, ai dè cả ba đã chết ngạt tự lúc nào...

Thi thể 3 người ngay sau đó được bạn phu đưa lên chôn cạnh miệng hầm. Để tưởng nhớ 3 nạn nhân xấu số, người dân đã lập nên ngôi mộ này để thỉnh thoảng đến thắp hương cho họ đỡ cô quạnh. Mới đây người nhà của họ đã tìm đến bốc mộ mang về, chẳng ai biết chính xác tên tuổi họ là ai” - người lái xe ôm cho biết.

Còn rất nhiều câu chuyện thương tâm, ai oán xung quanh những nấm mộ phu vàng nằm rải rác khắp miền tây xứ Quảng. Điều đó cho thấy, người tìm được vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi rất nhiều người đã phải “chôn vùi” giấc mơ của mình cùng với mạng sống ở nơi núi rừng hoang lạnh...

Còn nữa…

Theo Công an Đà Nẵng

Bình luận
vtcnews.vn