Với Pep Guardiola, chiến thắng là một thứ gây nghiện. Và càng dùng, thì liều càng cao hơn. Thất bại trước Wigan ở Cúp FA thật sự là một chén đắng. Nếu không, Guardiola đã chẳng vứt đi hình ảnh hiệp sĩ thường thấy để đôi co với HLV đối thủ dù mọi người đã đi vào đường hầm. Rõ ràng, Man City sẽ dồn sự tức giận lên Arsenal. Đấy là cơ hội để họ quên ngay thất bại tủi hổ trước đối thủ hạng dưới, đồng thời là cơ hội để Guardiola đoạt danh hiệu đầu tiên trên đất Anh.
Guardiola chưa có chiếc Cup nào, bất chấp Man City của ông đang nhận được vô vàn lời khen. Năm ngoái, Man City đã trắng tay trên mọi mặt trận. Và không ai khác, chính Arsenal đã loại họ ở bán kết Cúp FA. Wenger có thể bị dán cái mác lỗi thời, nhưng ông vẫn giữ được niềm kiêu hãnh của một quý tộc, dù đã sa cơ. Mười cuộc chạm trán gần nhất trên mọi đấu trường, Man City chỉ thắng Arsenal vỏn vẹn hai lần.
Guardiola và Wenger, đấy là cuộc đối đầu của quá khứ và hiện tại, được kết nối với không ít những điểm chung. Họ đều ám ảnh bởi bóng đá, đều tôn sùng bóng đá đẹp, đều mạnh dạn thực hiện những cải cách, đều có tâm với việc phát triển những tài năng trẻ và đều đề cao vai trò của cầu thủ hơn chính bản thân mỗi người.
Vì sao có sự giống nhau ấy? Vì Guardiola kỳ thực là một người đi theo trường phái của Wenger. Isaac Newton, một trong những thiên tài khoa học của nhân loại, từng nói: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn, đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Guardiola của hôm nay được ca ngợi như một triết gia bóng đá cũng nhờ đôi vai của những người khổng lồ. Họ là ai? Johan Cruyff, Marcelo Bielsa, Louis van Gaal và tất nhiên, Arsene Wenger.
Khi Wenger cùng với Sir Alex Ferguson chính thức vẽ lại bản đồ bóng đá Anh và bóng đá châu Âu, Guardiola hãy còn là một cầu thủ. Những mỹ từ mà hôm nay người ta dùng cho Pep thực chất đã dùng cả cho Wenger những năm chuyển giao thế kỷ. Và trong những năm ấy, Guardiola quả thực đã có nguyện vọng được làm học trò của Wenger.
Câu chuyện này do… chính Wenger vừa kể lại, trước cuộc chạm trán giữa họ tại chung kết Cup Liên đoàn hôm nay. Wenger nói: “Năm 2001, Pep đến nhà tôi và xin về Arsenal. Tôi thích lối chơi của cậu ấy, rất phù hợp với DNA của chúng tôi. Nhưng ở tuổi 30, tôi nghĩ Pep đã qua thời đỉnh cao. Hơn nữa, Arsenal lúc đó đã có nhiều tiền vệ đẳng cấp thế giới. Cho nên, tôi đành từ chối”.
Thế là Guardiola đành gia nhập Brescia trước khi chuyển sang AS Roma, rồi lang bạt qua Qatar và kết thúc sự nghiệp tại Mexico, trong một chuyến tầm sư học đạo với Juanma Lillo. Mười bảy năm sau cái lắc đầu từ chối của Wenger, Guardiola đã kết thúc hành trình du học và trở thành một nhà cầm quân xuất sắc. Và kể từ khi khởi nghiệp năm 2008 ở Barca, Guardiola đã giành mọi danh hiệu có thể: ba chức vô địch La Liga, hai chức vô địch Champions League với Barca, ba chức vô địch Bundesliga cùng Bayern, chưa kể một cơ số những chiếc Cup Quốc gia khác.
Trong cùng thời gian, Arsenal không vô địch Ngoại hạng Anh lần nào và trở thành những kẻ học việc ở châu Âu. Thế nên hôm nay Guardiola gặp lại Wenger, đấy là cuộc đấu giữa một người đương thời và một kẻ lạc hậu.
Thời gian đã khiến mọi thứ thay đổi như thế đó. Wenger là biểu trưng cho những giá trị truyền thống của bóng đá Anh. Ông đã sống và làm việc ở đây xuyên qua ba thập kỷ, tận hưởng những vinh quang lẫn cay đắng nhất của một nhà cầm quân. Nhưng niềm kiêu hãnh và tinh thần quý tộc là điều Wenger chưa bao giờ mất.
Ta không nghe ông phàn nàn về việc trọng tài không phạt nặng hơn những kẻ đã đốn gãy giò cầu thủ của ông. Ông đã chứng kiến những ca gãy chân ghê rợn của Eduardo da Silva, Aaron Ramsey, Jack Wilshere. Wenger chứng kiến học trò ngã xuống như mít rụng sau những đòn thù của đối thủ, khiến Arsenal bao nhiêu năm hiếm khi nào có được đội hình tối ưu. Nhưng ông tin tưởng vào luật lệ và không bao giờ đi quá giới hạn. Wenger tập trung vào công việc, không gọi Tottenham là “đội bóng của Harry Kane” dù thâm tâm có ghét đối thủ cùng thành phố này đến đâu đi nữa.
Wenger cũng chấp nhận việc ông không còn nhiều tiền để đua tranh với các đối thủ. Khi được hỏi về Man City của mùa này và Arsenal mùa bóng bất bại năm xưa, Wenger đã nói: "Arsenal của chúng tôi có sức mạnh, nhưng Man City có cả sức mạnh lẫn nhiên liệu".
Nhiên liệu đó là gì? Là tiền của các tỷ phú dầu mỏ. Guardiola mới đến đây chưa được hai năm, ông chuẩn bị tiêu tiền nhiều hơn cả sự nghiệp của Wenger hay Sir Alex Ferguson. Guardiola mua những hậu vệ với giá của tiền đạo, chi vài chục triệu đôla cho một cầu thủ dự bị. Và Guardiola cũng nói thẳng lối chơi của ông cần những cầu thủ hàng đầu.
Wenger có bao giờ nói thế với CLB của ông? Nếu cảm thấy một cầu thủ không đúng với giá trị thực tế, ông không mua. Sự thận trọng ấy khiến ông cô đơn giữa một Ngoại hạng Anh đang được vận hành bởi tiền. Nhưng nếu Wenger cũng chạy theo tiền, liệu những người quý ông có thay đổi cách nhìn về ông? Liệu chúng ta có còn yêu mến một diễn viên ăn Oscar như Tom Hanks nếu ông lao vào đóng phim siêu anh hùng, trèo lên truyền hình làm giám khảo hay xuất hiện trên một mẩu quảng cáo thức ăn nhanh nào đó?
Rốt cục điều gì tạo ra giá trị của một người đàn ông? Với những ai đang cố dìm Wenger mà đề cao Guardiola, xin hãy nhớ điều này. Barca đã vô địch Champions League cùng Frank Rijkaard trước khi Guardiola tới. Họ tiếp tục vô địch Champions League cùng Luis Enrique sau khi Guardiola đi. Guardiola thành công ở Bayern Munich, nhưng Jupp Heynckes còn thành công hơn và được yêu mến hơn bội phần. Những đội bóng vĩ đại ấy cho Guardiola cơ hội thành công, chứ không phải Guardiola mang đến sự vĩ đại cho họ.
Còn lịch sử của Arsenal và Ngoại hạng Anh đã khác nếu Wenger không xuất hiện. Đúng là hôm nay, Wenger đã già. Những trận thua xuất hiện nhiều hơn, những bất ổn dày đặc hơn. Nhưng đừng nghĩ là hậu bối như Guardiola có thể dễ dàng đẩy Wenger vào bóng tối, nhất là khi từng cầu cạnh để được làm học trò của Wenger ngày trước.
Ai đó đã nói: Bắn quá khứ bằng súng lục, bạn sẽ nhận đạn đại bác từ tương lai. Nếu giành Cup hôm nay, Wenger sẽ trở thành HLV thứ 8 trong lịch sử giành mọi danh hiệu tại nước Anh. Bảy người trước đó là Sir Alex Ferguson, George Graham, Joe Mercer, Jose Mourinho, Don Revie, Bill Nicholson và Kenny Dalglish. Còn nếu Wenger thất bại, cũng không ai lấy đi sự tôn nghiêm của một vị nhất đại tôn sư ở nước Anh.
"Giáo sư" vẫn sẽ sống, làm việc và tin ở ngày mai dù tương lai của ông có lẽ không thể dài như Guardiola.
Bình luận