Ngày 25/2, Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo được quyết định thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Báo điện tử VTC News xin giới thiệu bài viết của GS Võ Tòng Xuân góp ý về đổi mới giáo dục.
Trong bài diễn văn khai giảng năm học các vị lãnh đạo đều nói lên quyết tâm và kêu gọi thực hiện “cải tiến cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam…” Đó là một chuyển biến mới, nhắc nhở Bộ GDĐT phải có hành động cụ thể, không thể bỏ qua như trong nhiệm kỳ hai Đại hội trước.
Nhưng tôi khá thất vọng khi đọc xong Đề án. Đề án chưa xác định rõ thế là là “căn bản” và thế nào là “toàn diện” mà Nghị Quyết đã nêu lên.
Đề án còn có vẻ như sửa sang lại một số mặt của vấn đề, như thiết kế lại phần cuối của bậc GD Phổ Thông (GDPT), giới thiệu cách dạy chương trình GDPT theo tích hợp và phân hóa, đổi mới thi, phân công lại cơ quan quản lý GD-ĐT-Dạy nghề và KHCN. Một công cuộc đổi mới nào cũng phải thiết kế theo hệ thống biện pháp đồng bộ, không thể chắp vá.
Thế nào là “Cơ bản và Toàn diện”: Giáo dục của ta đã có những thay đổi đáng ghi nhận, song còn có những vấn đề bức xúc đặt ra.
Thế nào là cải tiến giáo dục một cách cơ bản như Nghị quyết Đảng đã nêu? Một trong các vấn đề cơ bản nhất trong giáo dục quốc dân là giáo dục phổ thông bắt đầu từ 3 tuổi lên đến lớp 12.
Đây là cấp học quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người, nhưng tại nước ta, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông rồi vẫn chưa hòa nhập vào xã hội được.
Các em phải học một chương trình quá nặng với một phương pháp nhồi nhét chủ yếu để đi thi hơn là để hiểu biết. Các em là sản phẩm của sự học bằng cách đọc chép, theo đúng một loại sách giáo khoa, không được suy nghĩ hoặc có sáng kiến gì ngoài các trang sách giáo khoa.
Cách dạy và cách học này đã làm hư cả nhiều thế hệ, chỉ biết một cách làm theo sách giáo khoa, triệt tiêu những sáng kiến của giáo viên, tư duy sáng tạo và tư duy phê phán của học sinh.
Rất tiếc vừa qua Bộ GDĐT lại xây dựng thêm đề án bảy mươi ngàn tỉ đồng để…. cải tiến sách giáo khoa và đưa kế hoạch đó vào Đề án!
Hiện nay bậc học phổ thông còn nhiều vấn đề phải quan tâm, chương trình học quá nặng trong khi trình độ của các em còn thấp, nhất là trình độ Ngoại ngữ (Anh văn) rất hạn chế.
Giáo viên cần “bộ chuẩn kiến thức” hơn là cần sách giáo khoa: Thay vì lo độc quyền bán sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT cần phải hoàn chỉnh bộ chuẩn kiến thức từng môn học của từng cấp học, kèm theo bộ tiêu chí để kiểm tra mức độ đạt chuẩn kiến thức đó.
Ví dụ như môn Toán lớp 1, chuẩn kiến thức các em học tới đâu, kèm theo đó có bộ tiêu chí đánh giá chuẩn kiến thức lớp 1; và tương tự như thế cho đến chuẩn kiến thức lớp 12 cho tất cả các môn học.
Nắm rõ bộ chuẩn này giáo viên linh động, sáng kiến soạn giáo án để dạy học sinh thế nào cho đạt chuẩn kiến thức đó, và cuối tiết học sẽ đánh giá học sinh có đạt chuẩn kiến thức đó chưa.
Trong khi đó, một số thầy cô giàu kinh nghiệm, dạy giỏi môn học sẽ đua nhau soạn sách giáo khoa cho các thầy cô giáo đứng lớp tham khảo để soạn giáo án. Học sinh cũng sẽ nghe theo thầy cô mình để mua sách giáo khoa nào hay nhất.
Làm như vậy chương trình không nặng, phát huy trí sáng tạo, thông minh của giáo viên và học sinh. Và quan trọng nữa là ngân sách quốc gia sẽ không lãng phí chi cho hết đợt thay sách giáo khoa này đến đợt thay sách giáo khoa kia.
Thông thường nói tới cải tiến GD thì người ta nói tới cải tiến giáo dục đại học, nhưng thực chất cái gốc là cấp học phổ thông.
Khi chúng ta nâng cao chất lượng cấp học phổ thông- cấp học nền tảng, hoặc căn bản, thì có trò giỏi; khi trò giỏi được học sư phạm đàng hoàng thì sẽ trở nên thầy/cô giỏi; có cô, thầy giỏi mới có trò giỏi sau này.
Đổi mới và nâng cao chất lượng GD một cách cơ bản nhất phải bắt đầu từ bậc phổ thông, lần lên đến bậc ĐH, trong đó sự đổi mới phương pháp đào tạo tại trường ĐH sư phạm đóng vai trò then chốt.
Hiện nay một số trường sư phạm đã bắt đầu cải tiến trong cách đào tạo, cố gắng thay đổi cách dạy, giảm đọc chép, lấy người học làm trung tâm. Nhưng chương trình đào tạo sư phạm cần được tinh gọn, dành nhiều thời gian cho các môn phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.
Chúng ta có thể đến một lớp học sư phạm, rất có thể sẽ thấy cách thầy cô giáo sử dụng bảng đen ra sao thì biết họ đã được dạy phương pháp sư phạm có đúng không.
Tôi quan sát nhiều nơi, thấy rất nhiều cô thầy không sử dụng bảng đen đúng phương pháp, từ đây biết được rằng lúc họ còn là giáo sinh trong trường sư phạm đã không được dạy kỹ từ thao tác căn bản nhất của nghề dạy học này.
Dạy học là một nghề, thầy/cô vào lớp không chỉ là một người chuyên môn dạy học, mà cũng là một diễn viên hay, người viết đẹp, người quản lý, người sáng tác, người bán hàng, và là chuyên gia môn học.
Cứ lên lớp lấy bài ra đọc cho giáo sinh chép thì sẽ không tạo ra những giáo viên dạy hiệu quả. Sinh viên sư phạm phải được trang bị kiến thức sâu về môn mình sẽ dạy sau này.
Vì vậy họ phải được hướng dẫn nghiên cứu nhiều tài liệu về môn học, do đó trường sư phạm phải có thư viện tốt và giáo sinh cần có thời gian vào thư viện thường xuyên.
Trường sư phạm phải có những giáo viên có phương pháp đào tạo mới, thay cách đọc chép bằng cách hướng dẫn sinh viên, sau đó sinh viên tự vào thư viện để nghiên cứu sâu thêm về kiến thức ấy.
Được như vậy kiến thức mới thâm nhập vào người thầy/cô tương lai. Khi sinh viên Sư phạm được vững chuyên môn, có phương pháp dạy, học và tiếp thu cái mới hiệu quả hơn, thì họ sẽ có một tầm nhìn rộng mở, thấy được những cái mới hơn, lúc đó chúng ta sẽ có thầy/cô giỏi, và nhờ đó sẽ có học trò giỏi.
Khoa Sư phạm của Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo sư phạm bắt đầu từ những cử nhân chuyên ngành toán, lý, hóa, sinh, văn, sử địa…
Đây chính là cách đào tạo sư phạm rất hiện đại và rất hiệu quả vì các thầy, cô là những nhà chuyên môn sâu về môn học đồng thời được trang bị phương pháp sư phạm và thời gian thực hành sư phạm hữu hiệu.
Xác định dạy học là một nghề, thì chương trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế sao cho giáo sinh được rèn luyện cách dạy học cho hữu hiệu. Chương trình của các trường sư phạm hiện nay không dành thời gian đủ cho các giáo sinh luyện tập phương pháp dạy, mà lại đưa vào nhiều môn học không quan trọng cho rèn nghề.
Nhất là khi phương pháp tích hợp và phân hóa được đưa vào, thầy cô đang dạy các giáo sinh và cả chương trình đào tào sư phạm đều phải đổi mới.
Nguồn tri thức là vô biên, đòi hỏi người thầy/cô có nhiều sáng kiến, mỗi ngày mỗi có cái mới, dám nghĩ, dám làm. Sinh viên sư phạm ngày nay cần phải có chương trình đào tạo đổi mới để tự bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, để có thể vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập, vừa phục vụ chuyên môn như việc đọc tài liệu nhất là tài liệu trên Internet, không ngừng nâng cao kiến thức.
Có ngoại ngữ rồi thì như cánh tay nối dài của chuyện nâng cao kiến thức, nhiều giáo viên kinh nghiệm ở nước ngoài, họ gửi bài, trình bày giáo án các môn học, kinh nghiệm dạy học lên các trang web, từ đây sinh viên và giảng viên khác có thể tham khảo và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay.
Điều cần phải xác định là mục tiêu của những giảng viên là làm sao để sinh viên ra trường khá hơn mình, từ phương pháp đó, kiến thức đó sẽ truyền lửa cho các em học tiếp lên và luôn có khát vọng tìm tòi học hỏi.
Cơ cấu Hệ thống GD Quốc Dân: tôi nhất trí hệ thống GDQD bắt đầu từ nhà trẻ. Đến cuối THCS, ta nên phân làm hai luồng rõ rệt: trung học PT (hàn lâm) và THCN (học nghề). Phần CĐCN (CĐ Nghề) phải được xếp ngang với ĐH bên hàn lâm.
Từ đó, chương trình đào tạo từ Mẫu giáo đến lớp 9 cần được thiết kế lại cho gọn hơn nhưng đủ kiến thức và kỹ năng để khi học xong học sinh có thể hội nhập vào xã hội chung quanh, thay vì ngơ ngơ ngác ngác như hiện nay với khối lượng quá lớn những bài học thi xong rồi quên hết.
Khi phân luồng học sinh sẽ theo lên Phổ thông hàn lâm nghiên cứu đến Tiến sĩ, hoặc theo năng khiếu nghề nghiệp.
Tuy nhiên, tôi đề nghị không nên duy trì “Giáo dục thường xuyên” như cách làm hiện nay, vì đây là hình thức đào tạo kém chất lượng nhất, cho ra những bằng cấp chỉ để nộp vào hồ sơ cán bộ nhà nước lấy lệ mà thực chất không làm được gì.
Bậc ĐH chúng ta phát triển mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên việc đào tạo cũng còn nhiều vấn đề vì điều kiện cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất khác nhau.
Mặc dù trường nào cũng đều xác định đào tạo những gì xã hội cần, tuy nhiên trong thực tế thì phần đông đào tạo theo những gì mà họ có, và tự xây dựng chuẩn đầu ra theo những gì họ dạy.
Do đó chất lượng đầu ra nhiều khi không đáp ứng yêu cầu nơi sử dụng. Đây là nhược điểm của cách quản lý của Bộ GD-ĐT hiện nay, chỉ tập trung quản lý đầu vào (từ các quy định về điều kiện mở trường hoặc mở ngành quá khắc khe, nhiêu khê, không trường nào có thể đáp ứng hoàn toàn (nhưng vẫn mở được nhờ ngoại giao!), cho đến thi tuyển đầu vào đại học hoặc cao đẳng khiến cả nước phải căng thẳng trong mỗi kỳ thi.
Đến đầu ra thì hầu như Bộ thả lỏng, bằng cấp thật nhưng học giả cũng chả sao, hoàn toàn không có cách nào kiểm định bằng cấp ấy giá trị thế nào. Đây là tệ trạng, quy định được đặt ra chỉ khuyến khích tham nhũng chứ không bảo đảm chất lượng đào tạo.
Vì vậy chúng ta mới có hiện trạng nguồn nhân lực yếu kém như hiện nay. Trong hệ thống giáo dục tiên tiến, ngoài việc kiểm định chất lượng đào tạo bởi một cơ quan độc lập, các trường còn phải chịu sự kiểm tra trình độ kiến thức và kỹ năng của sinh viên mình sau khi tốt nghiệp bởi một kỳ thi quốc gia (bar exam) do ngành giáo dục quốc gia phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp tổ chức.
Thí dụ điển hình nhất là các sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp Bác sĩ Y khoa, Luật sư, Kỹ sư cơ khí, v.v. chỉ được nhà nước cho phép hành nghề khi đã đậu kỳ thi quốc gia về nghề của mình.
Do đó, nhà nước không bày ra những điều kiện khắc khe để giới hạn thành lập các trường đại học, nhất là đại học tư thục, hoặc mở ngành đào tạo mới, không quản lý trường từng li từng tí, mà chủ yếu là quản lý chất lượng đầu ra như thế.
Trong khi đó ở nước ta, Bộ GD-ĐT xiết chặt ở đầu vào, từ tuyển sinh đến chương trình đào tạo, nhưng lại thả lỏng đầu ra mặc tình cho các bằng cấp dõm và giả được lưu hành. Đề án đổi mới hoàn toàn không dám đá động gì đến khâu mấu chốt này, cũng có nghĩa là chưa đổi mới toàn diện được.
Đào tạo nghề: Trong hoàn cảnh nguồn nhân lực của nước ta hiện nay, các tỉnh, nhất là ở vùng sâu vùng xa, có quá nhiều lao động không biết nghề (lao động phổ thông), khó tìm việc làm trong nước và khó cạnh tranh được với lao động nhiều nước khác khi tìm việc làm ở nước ngoài.
Các trường hệ phổ thông thì chất lượng thấp; các trường nghề vừa bị quản lý phân tán bởi nhiều cơ quan chủ quản vừa không được trang bị đầy đủ trang thiết bị và không có đủ chuyên viên dạy nghề nên chất lượng đào tạo nghề phần lớn không cao, do đó xã hội khó chấp nhận, hoặc thu nhận với mức lương quá thấp.
Vì vậy tôi đề nghị nên gom các trường dạy nghề lại dưới sự quản lý thống nhất của Bộ GD-ĐT.
Tại mỗi tỉnh, không nhất thiết mỗi tỉnh phải có 1 trường ĐH mà sự đầu tư cho nó thì không tới nơi tới chốn như hiện nay – không đủ giảng viên cơ hữu có chất lượng và điều kiện cơ sở vật chất rất sơ sài.
Hợp lý nhất là các tỉnh nên mạnh dạn chuyển trường đại học của mình thành trường Cao Đẳng Cộng Đồng, hoặc Trung Tâm Giáo Dục Cộng Đồng, quy tụ về đây các trường nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong tỉnh và huyện, rồi đầu tư kinh phí đích đáng cho lực lượng giảng dạy và trang thiết bị để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho các tầng lớp lao động trong tỉnh, xóa dần tình trạng lao động phổ thông.
Chương trình của các trường cao đẳng cộng đồng có thể được thiết kế sao cho có thể liên thông với một trường đại học để những người tốt nghiệp loại giỏi có thể tiếp tục học lên đại học nếu muốn.
Bình luận