Trong chương trình tọa đàm "Phát triển bền vững ngành tiêu dùng nhanh" do Báo điện tử VTC News tổ chức, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các khách mời đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tiềm năng và thách thức của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam hiện nay.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam hiện là một trong số những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 180 tỷ USD năm 2023, phần lớn trong đó là hàng tiêu dùng nhanh.
Hiện, Việt Nam là một trong những thị trường lớn cho các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh cùng các tác nhân trong ngành này.
Tuy nhiên doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh đứng trước rất nhiều thách thức như: Phải luôn tự đổi mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp và hiệu quả; cạnh tranh với mặt hàng từ nhà nhập khẩu, thị trường nước ngoài; xu hướng quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong sản phẩm, từ đó đòi hỏi những mặt hàng thân thiện môi trường, có tiêu chuẩn về mặt sản xuất…
Để giữ vững được thị trường, phát triển bền vững trong tương lai, các doanh nghiệp Việt bắt buộc phải thay đổi. Với góc nhìn của một chuyên gia, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, dù nửa cuối năm 2023 đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực về triển vọng kinh tế tốt hơn cho năm 2024, mức tiêu dùng vẫn chưa thực sự hồi phục, dẫn đến khó khăn vẫn còn chồng chất cho doanh nghiệp sản xuất.
Giáo sư Hồng cho rằng, thách thức đầu tiên của các DN Việt là thượng tầng cơ sở, tức là luật pháp và những quy định của nhà nước đang thay đổi nhanh quá. Tôi dẫn chứng Luật Bảo vệ môi trường liên tục thay đổi trong mấy năm nay.
Năm 2020 đã thay đổi, đến nay, năm 2024 lại thay đổi thì làm sao các doanh nghiệp theo kịp. Bởi vì, trong đó có những quy định rất chặt, vừa làm xong lại thay đổi thì khó mà kịp được. Còn về hạ tầng cơ sở, chưa đáp ứng nổi sự phát triển của doanh nghiệp.
Ví dụ như đường bộ là tuyến đường vận tải chính thì bây giờ còn đang ngổn ngang làm cao tốc. Nhưng bên cạnh đó, có một ngành vận tải rất rẻ và nhanh là ngành đường sắt thì lại không phát triển được nhiều, vẫn là cái “xe cũ kỹ”. Những phương tiện khác là máy bay, hàng không thì giá lại đắt. Hạ tầng cơ sở thực sự chưa đáp ứng được. Hàng tiêu dùng nhanh phát triển sẽ rất tốt cho phát triển của ngành du lịch.
Chính vì điều đó nên giá vận tải cứ tăng nhanh dần đều. Ngoài vận tải thì các hạ tầng khác cũng đều chưa đáp ứng được với sự phát triển của ngành hàng này Cho nên theo tôi, các cấp quản lý phải có biện pháp để thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở phải cố gắng hỗ trợ để ngành hàng tiêu dùng nhanh phát triển theo quy luật kinh tế.
Chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có yếu tố “xanh”, lựa chọn các phương thức tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường, sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có yếu tố “bền vững”… đang là những thay đổi tích cực của xu hướng tiêu dùng được nhiều doanh nghiệp nắm bắt.
Tiêu dùng bền vững là xu hướng mà các doanh nghiệp Việt buộc phải nắm bắt để phát triển, tuy nhiên nghịch lý là sự chuyển đổi để phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành tiêu dùng Việt chưa thực sự nhanh và quyết liệt.
Về vấn đề rào cản khiến doanh nghiệp còn ngần ngại và khó thực hiện triệt để các biện pháp phát triển bền vững, GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ thêm rằng, các doanh nghiệp của Việt Nam rất cố gắng để phát triển, nhưng nguồn lực chưa được mạnh.
Rào cản lớn nhất là nguồn vốn, rào cản thứ hai là nếu muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải tăng cường logistic, tức là cơ sở hạ tầng, cái này nước nào cũng làm rất nhiều. Nào là cảng, nhà kho, máy móc vận chuyển hàng hóa,... Nhưng nhìn lại, tôi xuống các vùng ở Việt Nam thì phần đó gần như chững lại, không phát triển lắm.
Trên thực tế muốn trang bị những cái đó cần nguồn vốn rất lớn và phải có điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển. Vì thế tôi cho rằng, ngành hàng nhanh nên đặt trọng tâm vào vấn đề logistics. Những hàng ăn nhanh của mình chưa đặt ra vấn đề về logistic mà chúng ta chưa có.
Thứ 3, ông cho rằng chúng ta nói về thị hiếu của dân. Người dân lấy tin tức ở đâu, chủ yếu trên mạng. Nhưng trên mạng thì thông tin những tin tức thật giả khó lường, cứ theo những thông tin đó thì khó phát triển được.
Chính vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, phải có những nguồn tin chính thống chuyển cho người dân để người ta nắm được. Tôi cho rằng việc phát triển này phải toàn diện từ nhận thức con người, nền kinh tế, công nghệ, cuối cùng là nhu cầu người dân, chúng ta đi đồng bộ như vậy mới phát triển được.
Cốt lõi nhất của phát triển bền vững trong ngành tiêu dùng nhanh liên quan đến việc xử lý xả thải. Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận định rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh có thể phát triển bền vững - Cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đóng vai trò rất quan trọng.
Hiện tại ở Việt Nam đã có những hành lang pháp lý để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề, cụ thể, về luật pháp mà nói thì hành lang pháp lý chúng ta đang làm rất chặt, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp làm đúng, chuẩn. Ví dụ về việc phân loại rác thải, tất cả các loại rác thải người ta phân làm mấy loại, thứ nhất là chất thải rắn, lỏng rồi khí và nguy hại… 4 loại này trong luật Bảo vệ môi trường người ta xử lý rất tốt.
Các doanh nghiệp muốn đăng ký thì phải làm hồ sơ xét duyệt và qua rất nhiều bước thì mới được duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế thì các doanh nghiệp rất khó để mà đáp ứng được hết các tiêu chuẩn này.
Tôi vẫn cho rằng hiện tại muốn phát triển nhanh, bền vững mà lại xanh thì rất là khó. Bởi muốn làm được điều này Doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều tiền để xử lý, phải có cơ sở hạ tầng. Với cơ sở vật chất của doanh nghiêp và hạ tầng hiện nay, các doanh nghiệp đứng trước bài toán nan giải.
Hiện đúng là DN tiêu dùng nhanh vất vả vì họ không phải DN sản xuất, vì công nghệ chúng ta không đủ, về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa đáp ứng được để giúp cho ngành hàng nhanh.
Có thể thấy con người đang phải đối mặt với một mâu thuẫn lớn: nhu cầu tiêu dùng thì càng tăng trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Điều này gây ra rất nhiều bất ổn như: khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn; chất lượng môi trường đi xuống đồng nghĩa với chất lượng sống suy giảm; diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân,…
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho rằng trong bối cảnh đó, phương án tối ưu nhất để giải quyết những bất ổn này là tiêu dùng bền vững. 'Tiêu dùng bền vững' là xu hướng cần được doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh nắm bắt để phát triển bền vững trong tương lai.
Tiêu dùng bền vững được hiểu là việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại; đồng thời hạn chế phát thải các chất ô nhiễm trong suốt vòng đời của sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai.
Bình luận