Qua theo dõi tình hình triển khai chọn sách giáo khoa lớp 1 ở các địa phương, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chỉ ra một số điểm cần đặc biệt chú ý để lựa chọn sách phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT. VTC News xin trích bài viết của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết về vấn đề này:
Cơ sở pháp lý để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2019-2020 là Thông tư số 01/2020 ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT.
Thứ nhất, cán bộ quản lý và giáo viên cần có đủ thông tin, đủ sách giáo khoa để nghiên cứu. Tại Điều 10, Thông tư 01 quy định ba trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, trong đó có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí để các trường tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều địa phương chưa tổ chức được cho cán bộ, giáo viên tiếp nhận thông tin về các bộ sách giáo khoa mới, kể cả qua hình thức trực tuyến.
Qua phản ánh của cán bộ, giáo viên trên báo chí, có thể thấy các cơ sở giáo dục ở nhiều địa phương chưa có đủ 5 bộ sách giáo khoa (in giấy) để nghiên cứu, trong đó có những quyển sách mới chỉ được Bộ phê duyệt vào tháng 2, tháng 3 này.
Hiện nay, toàn bộ sách giáo khoa cũng như nhiều tài liệu kèm theo đã được các nhà xuất bản đưa lên mạng. Trong khi Nhà nước có kinh phí chi cho việc này thì cán bộ, giáo viên vẫn không có sách để nghiên cứu, đến mức có câu chuyện “mua chịu, bán chịu sách giáo khoa” thì đó là một việc phải khắc phục ngay.
Thứ hai, cần quan tâm là bảo đảm thẩm quyền của cơ sở giáo dục (các trường) trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Thông tư 01 giao thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên và nhà trường trên cơ sở bỏ phiếu kín.
Tuy nhiên, theo tôi được biết, đến nay, ở nhiều địa phương, trường vẫn đang chờ cấp trên chỉ đạo, chưa dám thực hiện quy trình lựa chọn sách theo Thông tư. Cũng có không ít xì xào về những chỉ đạo ngầm.
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 01 thì các trường phải niêm yết công khai kết quả lựa chọn sách trước khi bắt đầu năm học mới 4 tháng. Nếu không chỉ đạo làm khẩn trương thì không kịp. Nhưng điều quan trọng nhất là phải bảo đảm lựa chọn sách giáo khoa dân chủ, minh bạch, như quy định của Thông tư 01.
Thứ ba, cần quan tâm là hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân. Báo chí vài tháng trước có phản ánh biểu hiện “bắt tay” giữa một cơ quan quản lý giáo dục địa phương với một nhà xuất bản. UBND địa phương cấp tỉnh hứa họp báo trả lời. Nhưng cho đến bây giờ dư luận vẫn chưa biết câu trả lời ra sao, công việc sẽ được chấn chỉnh thế nào.
Là một cử tri, tôi mong cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và nhân dân thực hiện giám sát ngay từ bây giờ để công việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Video: Bộ GD&ĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa.
Bình luận