• Zalo

GS Ngô Bảo Châu: Không nhất thiết ai cũng phải có bằng đại học

Kinh nghiệm sốngThứ Ba, 25/08/2015 06:08:00 +07:00Google News

GS Ngô Bảo Châu cho rằng mỗi bạn trẻ có một công việc có ý nghĩa mà không nhất thiết phải có bằng đại học.

(VTC News) – Trong buổi giao lưu ngày 24/8, GS Ngô Bảo Châu cho rằng mỗi bạn trẻ có một công việc có ý nghĩa, đem lại niềm tự hào cho bản thân và gia đình, có ích cho xã hội mà không nhất thiết phải có bằng đại học.

Tối 24/8, hàng trăm bạn trẻ Thủ đô đã có dịp giao lưu với GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villan - hai người cùng đạt giải thưởng Fiels 2010. Buổi giao lưu đã khiến nhiều bạn trẻ nhận được những bài học vô cùng giá trị.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với hàng trăm bạn trẻ Thủ đô tối 24/8 (Ảnh: Nguyễn Tâm)
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với hàng trăm bạn trẻ Thủ đô tối 24/8 (Ảnh: Nguyễn Tâm) 
Trong buổi giao lưu, nhiều câu hỏi được đặt ra về quan điểm của GS Ngô Bảo Châu khi nhiều bạn trẻ đã phải chịu thất bại đầu đời ở tuổi 18 khi không thể đỗ đại học. Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm phải có tấm bằng đại học.

Chia sẻ về điều này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng mỗi con người sinh ra có một khả năng khác nhau, có mối quan tâm khác nhau.

GS Châu nhận định mỗi bạn trẻ trong cuộc sống cần rất nhiều phẩm chất khác nhau. Đó không chỉ là việc các bạn giỏi toán hay giỏi văn, chứng minh được lý thuyết này hay lý thuyết kia mà cần có một năng lực tổng hợp.

Nền giáo dục Việt Nam cần hướng tới là một nền giáo dục đa dạng. Trong đó mỗi người trẻ nào cũng có phẩm chất của mình, cho phép phẩm chất đó được phát triển thể hiện.

Mỗi bạn trẻ khi lớn lên phẩm chất của đứa trẻ đó được thể hiện bằng một tác phẩm nào đó trong cuộc đời, không nhất thiết chỉ trên phương diện học vấn, nghiên cứu.

Tuy vậy, GS Ngô Bảo Châu cũng thừa nhận trong thực tế hiện nay ở Việt Nam còn rất nhiều người có tư tưởng mong muốn vào đại học và phải có bằng đại học.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng không nhất thiết ai cũng phải vào đại học và có tấm bằng đại học (Ảnh: Nguyễn Tâm)
GS Ngô Bảo Châu cho rằng không nhất thiết ai cũng phải vào đại học và có tấm bằng đại học (Ảnh: Nguyễn Tâm) 
GS Ngô Bảo Châu lại cho rằng mỗi bạn trẻ hoàn toàn có thể có một cuộc sống, công việc có ý nghĩa, đem lại cho bạn niềm vui, niềm tự hào cho bản thân và gia đình, có ích cho xã hội mà không nhất thiết phải có bằng đại học. Xã hội cũng không nhất thiết tất cả mọi người đều phải vào đại học và phải có bằng đại học.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng băn khoăn nhờ GS Ngô Bảo Châu tư vấn dù có đỗ đại học nhưng lại không đúng ngành nghề yêu thích.

GS Ngô Bảo Châu rất tiếc khi các bạn trẻ không lựa chọn được ngành học yêu thích. Ở trường đại học, ngành học rất quan trọng.

Vì vậy, vị giáo sư này cũng bày tỏ mong muốn chương trình ở các trường đại học Việt Nam có thể cải tiến theo hướng mềm dẻo để sinh viên có thể chuyển đổi những ngành học yêu thích một cách linh hoạt khi đủ điều kiện.

GS Châu cho rằng làm những vấn đề mình thực sự yêu thích và nỗ lực hết mình, bởi những gì tốt đẹp đều không dễ dàng đạt được.

Về việc dạy và học Toán hiện nay trong nhà trường, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, có những sai lầm khi quan trọng hóa lý thuyết mà quên đi việc thảo luận những ưu việt, lý giải sự giúp ích của Toán học.

GS Châu lấy ví dụ qua việc từng là giám khảo một cuộc thi Toán học: "Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn kết quả của những học sinh cực kỳ giỏi Toán, nhưng chỉ chú ý đến khía cạnh của môn này mà không quan tâm vấn đề đặt ra ở đề bài”.

Ví dụ, với bài toán làm thế nào để tưới cây, học sinh không giỏi Toán sẽ tiếp cận dưới góc nhìn đơn giản và hay, đó là phải tiết kiệm nước.

Cần thời gian để đánh giá kỳ thi THPT quốc gia

Trước đó, chiều 23/8, trên trang Facebook cá nhân của mình, GS Ngô Bảo Châu đã nêu quan điểm về đợt xét tuyển NV1 vừa qua đang khiến dư luận xôn xao.

GS Châu cho rằng, sau khi tuyển sinh đại học đợt một thực hiện không suôn sẻ, Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ trưởng Luận đang bị dự luận phê bình nặng nề.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần có cái nhìn khách quan về kỳ thi THPT và đợt xét tuyển vừa qua
GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần có cái nhìn khách quan về kỳ thi THPT và đợt xét tuyển vừa qua 
“Tôi nghĩ rằng cần thêm thời gian để có thể đánh giá khách quan và về sự thành công hay thất bại của kỳ thi quốc gia năm nay cũng như quá trình tuyển sinh. Không công bằng nếu đánh giá một việc ở tầm quốc gia, liên quan đến triệu con người, dựa trên một sự kiện mang tính cá nhân, như việc một phụ huynh thuê xe cứu thương để kịp rút (hay nộp) hồ sơ cho con”, GS Ngô Bảo Châu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, GS Châu cho rằng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, bản thân GS Châu  đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế.

“Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn. Tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể”, GS Ngô Bảo Châu nhận xét.

Việc thông báo điểm, phương cách chọn trường của các thí sinh, tuyển sinh của các trường đại học, gặp một số trục trặc gây ra nhiều mệt mỏi thậm chí tâm lý hoảng loạn ở một số thí sinh và phụ huynh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm về bất cập trong xét tuyển ĐH (Clip: VTV)


Từ đó, GS Châu cho rằng chắc chắn những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia cho việc tuyển sinh đại học.

“Bộ trưởng Luận có một vài phát biểu thiếu khôn ngoan, gây phản ứng trong dư luận, mà tiêu biểu là những ẩn dụ mang màu sắc súng đạn, nhưng không thể không ghi nhận những cải cách tích cực của ông.

Tôi không nắm được hết mọi cộng việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng tôi tán thành những quyết định như đóng cửa bớt những khoá đào tạo tại chức kém chất lượng, cơ bản là bán bằng, lập lại việc tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học ở các ngành học tương ứng và cơ bản hơn, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học đang được triển khai từng bước”, GS Châu nhận xét.

GS Ngô Bảo Châu cũng thể hiện cái nhìn khách quan: “Về phía dư luận, tôi nghĩ rằng trước khi phê bình chính quyền cũng nên đặt mình vào ví trí của họ xem mình thực sự có thể làm tốt hơn hay không. Khi phê bình những gì chính quyền làm chưa tốt, cũng nên ghi nhận những gì họ làm tốt, hoặc làm tốt hơn trước.

Ví dụ nếu so sánh với đề án biên soạn sách giáo khoa mà năm ngoái đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận, năm nay Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đã được chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng”.

Những ý chính được chia sẻ trên trang facebook cá nhân cũng là những điều GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh khi nói về kỳ thi THPT quốc gia và việc xét tuyển đại học vừa qua.

Phạm Thịnh – Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn