• Zalo

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Làm gì để cứu những đại ngàn đang hấp hối?

Tin tức Đại hội ĐảngThứ Hai, 09/11/2020 11:40:00 +07:00Google News
(VTC News) -

GS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia hàng đầu về rừng chia sẻ góp ý cho Văn kiện Đại hội XIII xung quanh vấn đề phát triển rừng, bảo vệ những đại ngàn đang hấp hối.

Trong rất nhiều nội dung được đưa vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, vấn đề phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai là nội dung rất quan trọng. Trong đó, Dự thảo Văn kiện nhấn mạnh "Triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chủ động cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đến năm 2025, giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%".

VTC News có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để nghe những đóng góp của ông cho Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII trong việc bảo tồn rừng và phát triển bền vững.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Làm gì để cứu những đại ngàn đang hấp hối? - 1

Những cánh rừng tự nhiên bị đốt phá trắng trợn, lấn chiếm đất khu vực giáp ranh huyện Ea Kar với huyện Krông Bông và huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

- Ban Chấp hành Trung ương vừa công bố Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân. Là chuyên gia hàng đầu đã dành 60 năm để nghiên cứu về rừng, theo ông, cần bổ sung vấn đề này thế nào trong Dự thảo Văn kiện?

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã gửi rộng rãi tới các nhà khoa học để lấy ý kiến đóng góp, bản thân tôi cũng đang nghiên cứu và sẽ thông qua tổ chức Đảng đang sinh hoạt để đóng góp ý kiến vào văn kiện.

Có thể thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vì vậy vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biển đối khí hậu để phát triển bền vững được đặc biệt quan tâm.

- So sánh ảnh vệ tinh ở khu vực ngã ba Đông Dương, có thể thấy rõ trong khi Lào, Campuchia vẫn một màu xanh bạt ngàn thì ở Việt Nam chỉ còn lại màu bạc của đất trống đồi trọc, thưa ông?

Với công nghệ hiện đại hiện nay, việc sử dụng ảnh vệ tinh để quan sát mức độ che phủ rừng là điều rất thực tế và dễ dàng. Tuy nhiên không thể hoàn toàn căn cứ vào đó để nhận xét toàn bộ.

Biên giới Việt – Lào nhiều nơi là đỉnh của các dãy núi, do vậy, ở mỗi bên sườn núi sẽ tồn tại một kiểu khí hậu khác nhau. Từ đó có thể dẫn đến thảm thực vật khác nhau.

Chỉ căn cứ vào ảnh vệ tinh ở 1 khu vực cũng chưa thể kết luận rừng của chúng ta bị tàn phá nhiều hơn.

- Có ý kiến cho rằng “Tây Nguyên cơ bản phá xong rừng, làm gì còn rừng để gọi là 'đại ngàn Tây Nguyên', 'đại ngàn Trường Sơn' nữa”?

Tôi cho rằng, nhận xét này đúng một phần. Hiện nay, rừng ở Tây Nguyên đã suy giảm khá nhiều so với trước do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân đầu tiên, trực tiếp nhất là mức độ gia tăng dân số ở Tây Nguyên. Nếu như trước đây, 5 tỉnh Tây Nguyên dân số chưa đến 1 triệu người thì giờ đây con số đó đã gần gấp 5 lần.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Làm gì để cứu những đại ngàn đang hấp hối? - 2

gs nguyen ngoc lung 2.jpg

Rừng ở Tây Nguyên đã suy giảm khá nhiều cả về số lượng và chất lượng.

GS Nguyễn Ngọc Lung

Sự gia tăng dân số ảnh hưởng rất lớn đến việc mất rừng, đặc biệt ở Tây Nguyên hiện nay có rất nhiều người từ miền Bắc di chuyển vào mang theo tập quán canh tác đốt rừng làm nương rẫy. Chính điều này khiến rừng mất đi nhanh chóng.

Bên cạnh chặt phá, việc quy hoạch trồng cây rừng không phù hợp cũng khiến cho chất lượng rừng suy giảm đáng kể.

Thực ra nếu nói đến “đại ngàn” thì ở khu vực miền Bắc lớn hơn. Tuy nhiên, đúng là hiện nay rừng ở Tây Nguyên đã suy giảm cả về số lượng và chất lượng so với trước đây.

- Nhìn rộng ra, phải chăng đợt thiên tai lịch sử vừa qua ở miền Trung đã cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khi hậu tới nước ta?

Trước tiên cần phải nói rằng, tình trạng thiên tai, bão lũ kéo dài thời gian qua ở miền Trung do rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan, chúng ta đang chịu tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Việt Nam, xin nhấn mạnh là một trong sáu nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, bởi vì vị trí địa lý và kiểu địa hình của nước ta.

Trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thì miền Trung lại chính là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Việt Nam. Có thể nói miền Trung chính là nơi chịu tác động “nặng nề nhất của nặng nề”.

Về chủ quan, tác động trực tiếp của con người cũng khiến tình trạng này càng trầm trọng thêm.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Làm gì để cứu những đại ngàn đang hấp hối? - 3

Những cánh rừng ở tỉnh Đắk Lắk bị tàn phá nghiêm trọng.

- Đó chính là việc xây dựng thuỷ điện nhỏ thiếu quy hoạch, chặt phá rừng bừa bãi, thưa ông?

Hiện chúng ta chia làm hai cấp quản lý thủy điện. Nhà máy nào có công suất trên 10 MW thuộc nhà nước do Bộ TN-MT thẩm định phê duyệt. Nhà máy công suất dưới 10 MW do cấp tỉnh phê duyệt. Việc này dẫn đến không thể quản lý thống nhất được. 

Chẳng hạn, có 5 thủy điện lớn do Nhà nước quy hoạch, xây dựng thì quản lý được 5 nhà máy đó, còn thêm 20 nhà máy nhỏ hơn xen kẽ lại không được quản lý thống nhất, như vậy việc điều tiết nước bị phá vỡ.

Thực ra ở đây, chủ trương xã hội hoá để tư nhân xây dựng các nhà máy thuỷ điện nhỏ cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhiều tỉnh miền Trung còn nghèo, không đóng góp được cho ngân sách Nhà nước mà thậm chí còn phải xin thêm. Nay nhờ xã hội hoá có thể thu hút số tiền lớn để đầu tư cho những việc khác. Tuy nhiên, việc phát triển thuỷ điện phải quy hoạch hợp lý.

Có thể nói, lỗi không ở thủy điện mà lỗi ở cách sử dụng, cách thức quản lý, điều tiết điều phối. Quản lý, điều tiết phải vì lợi ích chung, quy định chung, không vì buôn bán, kinh doanh, kiếm lợi bằng được mà sẵn sàng đánh đổi với thiên nhiên. 

Một vấn đề nữa là khi làm thuỷ điện, bao giờ cũng phải có hồ và rừng phòng hộ để đảm bảo điều tiết. Tuy nhiên vấn đề ở đây là lại không giao quản lý, phát triển đồng bộ rừng phòng hộ.

Nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng nhưng ngân sách lại bỏ tiền phát triển rừng phòng hộ. Việc này không khác gì Nhà nước trồng rừng phòng hộ cho doanh nghiệp làm thủy điện hưởng. Chính vì lợi ích chưa gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp nên dẫn tới việc vận hành tích - xả nước, bảo vệ, phát triển rừng không gắn liền với nhau. 

Thực tế là khi xây dựng nhà máy thủy điện, rất ít chủ đầu tư có phương án trồng rừng thay thế khi rừng tự nhiên bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Hậu quả là rừng tự nhiên mất đi, rừng trồng không bù nổi diện tích đã mất. Về chất lượng, rừng phòng hộ không thể nào so sánh được với rừng tự nhiên.

- Ông có thể nêu cụ thể sự khác biệt của rừng tự nhiên và rừng trồng thế nào, vì sao việc giữ rừng tự nhiên là rất quan trọng?

Năm 1945, khi chúng ta giành được chính quyền, độ che phủ rừng tự nhiên ở nước ta lên tới 43%. Sau đó do tác động của chiến tranh cùng với trình độ quản lý kém, do đói nghèo buộc phải chặt phá rừng nên đến những năm 1990, độ che phủ của rừng đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 27%. 

Hiện nay, nhờ các chương trình phát triển rừng, thành công nhất là chương trình 327, diện tích che phủ cũng đã được tăng lên, gần tương đương với trước đây. Tuy nhiên, đó là rừng trồng nên khả năng tích trữ, chống lũ, sụt lún cũng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên. 

Các chuyên gia quốc tế đều khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10 ha rừng trồng.

Vì vậy, thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5-10ha rừng rồng vì nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…

Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét.

Rừng tự nhiên có khả năng chống lũ, giữ nước tốt như vậy là vì rừng có nhiều tầng, tán, nhiều loại cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu 20-30m, chiều cao cây như thế nào rễ sâu như thế.

Ở Tây Nguyên nếu vẽ hệ thống nước ngầm sẽ thấy rất chằng chịt, đào giếng bất kỳ chỗ nào cũng có nước, chứng tỏ là hệ thống nước ngầm rất đều. Dù hết mưa, nắng tháng này qua tháng khác thì hệ thống nước ngầm vẫn đủ cung cấp.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn