• Zalo

Gọi vốn được 30 triệu USD, vì sao Propzy dừng hoạt động tại Việt Nam?

Đầu TưThứ Năm, 15/09/2022 09:47:00 +07:00Google News

Dù nhận về số vốn đầu tư lớn nhất nhì thị trường công nghệ bất động sản (proptech) Việt Nam, startup Propzy vẫn tổn thất nặng nề và khó gọi thêm vốn để phục hồi.

Một trong những startup tiên phong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam, Propzy, vừa công bố bắt đầu quá trình cắt giảm các hoạt động kinh doanh từ ngày 12/9.

Điều tiếc nuối nhất lúc này là cái tên đi đầu dưới sự điều hành của một gương mặt kỳ cựu trong giới khởi nghiệp Mỹ, đồng thời nhận tổng cộng 30 triệu USD suốt những năm qua, lại trở nên đuối sức trong một thị trường còn rất sơ khai.

Cuộc "đại phẫu" trước khi "ngã ngựa"

Thực tế, thông tin chính thức dừng kinh doanh của Propzy thời điểm hiện tại không quá bất ngờ, bởi cách đây một năm doanh nghiệp đã sa thải 50% nhân viên, sau đó giải thể Công ty TNHH Dịch vụ Propzy hồi tháng 6 và đóng cửa tất cả trung tâm giao dịch.

Khi đó, trước những nghi ngờ của thị trường, nhà sáng lập kiêm CEO John Lê khẳng định không có chuyện doanh nghiệp này phải đóng cửa. Tất cả những thay đổi nói trên nhằm phù hợp với mô hình và chiến lược kinh doanh mới.

Theo đó, Propzy sẽ chia nhỏ các mảng dịch vụ để quản lý, gồm sàn giao dịch kết nối mọi nhu cầu bất động sản, dịch vụ hỗ trợ giao dịch bất động sản Propzy, giải pháp tài chính bất động sản đem đến giá trị tối ưu Propzy Stay và dòng sản phẩm mới Propzy Home.

Gọi vốn được 30 triệu USD, vì sao Propzy dừng hoạt động tại Việt Nam? - 1

Ông John Lê, nhà sáng lập kiêm CEO Propzy. Ảnh: Propzy.

Tuy nhiên, trong bức thư gửi nhân viên thông báo dừng hoạt động mới đây, chính vị CEO thừa nhận những nỗ lực phát triển kinh doanh trong giai đoạn này đã phát sinh những tổn thất đáng kể.

"Chúng ta không thể hồi phục hay quay trở lại như trước do phải liên tục đóng cửa bởi các đợt cao trào Covid-19. Việc không thể huy động được nguồn vốn trong bối cảnh môi trường toàn cầu khá rối ren, gần như là 'nhát dao' cuối cùng kết liễu công ty khởi nghiệp non trẻ của chúng ta", ông John Lê thừa nhận.

Vì đâu nên nỗi?

Là một trong những người theo sát và hỗ trợ Propzy từ ngày đầu thành lập, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, coi cái "chết" của Propzy là "uổng phí".

Ông cho rằng dù xét về ý tưởng, mô hình kinh doanh hay đội ngũ nhân sự thì startup này cũng rất "chất". Thời điểm ban đầu, ông John Lê phụ trách tài chính, còn công nghệ và bất động sản có dàn riêng.

Thực tế, ông John Lê là tên tuổi lớn trong giới startup fintech Mỹ những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 với tổng cộng hơn 35 triệu USD huy động được cho các công ty của mình. Trong đó, một số startup nổi bật là LoanTrader và Portellus có sự tham gia đầu tư của Goldman Sachs, Citigroup, GE Capital, Zurich, FBR Capital và IAC.

Năm 2009, ông thành lập TransUnion Việt Nam - công ty thông tin tín dụng quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, liên danh giữa Mozaik và TransUnion. Ba năm sau, khi dự án này hoàn thành, ông tiếp tục cùng một số bên liên quan tham gia hỗ trợ thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) khi nợ xấu trở nên nhức nhối ở Việt Nam.

Chia sẻ với báo giới trước đây, ông cho biết chính quãng thời gian di chuyển liên tục giữa Việt Nam và Mỹ, gặp nhiều khó khăn khi tìm thuê nhà đã mang đến ý tưởng thành lập Propzy.

Với mục tiêu đơn giản hóa các giao dịch bất động sản trọn gói từ đầu đến cuối, Propzy ra đời từ tháng 7/2015, chính thức đưa John Lê từ một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và công nghệ lấn sân sang bất động sản.

"Những người giỏi từ ngành khác nhảy qua chưa chắc đã làm tốt, vì bất động sản Việt Nam khá phân mảnh và phức tạp. Chỉ có ‘cày sấp mặt’ với thực tế một thời gian thì mới hiểu hết ngành", ông Trần Khánh Quang đánh giá và cho rằng một trong những lý do dẫn đến thất bại của Propzy là sự tự quyết quá nhiều trong khi thiếu kinh nghiệm thị trường của ông John Lê sau này.

Vì thiếu kinh nghiệm nên dù là dân tài chính sành sỏi, vị CEO này vẫn bị nhìn nhận là không chi tiêu hiệu quả nguồn vốn, đặc biệt khi mở quá nhiều chi nhánh và tuyển dụng quá nhiều nhân viên.

"Theo tôi, không phải khi nào có tiền nhiều cũng tốt. Có nhiều tiền mà không biết cách chi tiêu cũng không thể đi đến cuối cùng. Hiện tại, không ít doanh nghiệp làm bất động sản thích gắn công nghệ vào các dịch vụ, sản phẩm của mình, nếu không cẩn thận sẽ dễ ‘đốt tiền’ vô ích”, ông Trần Khánh Quang nhấn mạnh.

Gọi vốn được 30 triệu USD, vì sao Propzy dừng hoạt động tại Việt Nam? - 2

Propzy liên tục mở rộng quy mô hoạt động và nhân sự những năm qua. Ảnh: Propzy.

Nhìn lại lịch sử "đốt tiền" của Propzy, tính đến cuối 2017, doanh nghiệp này đã ngốn 1 triệu USD của nhà sáng lập John Lê và 2 triệu USD của quỹ Frontier Digital Ventures (Malaysia). Khi đó, Propzy đã phục vụ lũy kế hàng nghìn yêu cầu giao dịch với tổng giá trị tài sản hơn 600 triệu USD.

Tháng 6/2020, startup này tiếp tục công bố gọi vốn thành công 25 triệu USD ở vòng Series A từ quỹ đầu tư Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia. Ngoài ra, Propzy còn nhận được hậu thuẫn lớn từ các quỹ đầu tư khác như: Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare and Insignia.

Theo Tech in Asia, trong suốt quá trình hoạt động, Propzy đã kêu gọi thành công 30 triệu USD vốn đầu tư. Đây được coi là tổng số vốn đầu tư lớn nhất nhì thị trường proptech Việt Nam từ trước đến nay.

Gọi vốn được 30 triệu USD, vì sao Propzy dừng hoạt động tại Việt Nam? - 3

Propzy huy động được tổng số vốn đầu tư lớn nhất nhì thị trường proptech Việt Nam. Ảnh: Propzy.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Đức - nhà sáng lập kiêm CEO Remaps, một startup proptech khác, 30 triệu USD trong lĩnh vực này không phải con số quá lớn. Cùng với nguồn thu duy nhất là hoa hồng nhỏ giọt trên mỗi giao dịch thành công, startup này rất khó sống sót khi bộ máy nhân sự trở nên cồng kềnh.

"Là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào bất động sản nhưng hàm lượng công nghệ ở Propzy không nhiều, để hạn chế rủi ro nhân viên kinh doanh tự làm việc riêng với khách, Propzy buộc phải đưa nhiều người tham gia vào cùng một giao dịch. Do đó Propzy hoạt động không thể hiệu quả bằng các sàn môi giới truyền thống", ông Lê Minh Đức nhìn nhận.

Thực tế, thống kê chính thức gần nhất của Propzy năm 2020 cho thấy doanh nghiệp có đến 1.200 nhân sự và hơn 30 trung tâm giao dịch. Dù sau đó sa thải một nửa nhân viên nhưng CEO John Lê cho biết đã tuyển dụng thêm ở một số mảng dịch vụ mới.

Giờ đây, toàn bộ nhân viên của Propzy sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động. Vị CEO khẳng định tiền lương, tiền nghỉ phép tích lũy sẽ được thanh toán đầy đủ, đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng có một khoản trợ cấp thôi việc tương xứng với thời gian và đóng góp của mỗi cá nhân.

Còn về phía các nhà đầu tư, Zing đã liên hệ một nhà đầu tư lớn của Propzy nhưng đơn vị này từ chối cung cấp thêm thông tin.

Cách đây một tuần, Tech in Asia đưa tin nền tảng bất động sản có trụ sở tại Singapore - 99 Group - đang tìm hiểu các lựa chọn để mua lại Propzy Việt Nam. Theo đó, 99 Group có ý định mở rộng hoạt động sau khi huy động thành công 37 triệu USD trong một vòng gọi vốn do Gaw Capital dẫn đầu. Tuy nhiên, thỏa thuận đang ở "giai đoạn rất sớm" và còn "nhiều điều không chắc chắn", Tech in Asia dẫn lời một nguồn tin nội bộ.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn