Thủ tướng vừa ký Nghị quyết về gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Gói cứu trợ này trước đó cũng được Thường vụ Quốc hội đồng ý. Khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau sẽ được hỗ trợ trong khoảng thời gian 3 tháng.
Trả lời VTC News ngày 10/4, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng đây là quyết định chưa từng có tiền lệ, nhằm giúp các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
“Tiền tươi thóc thật” song tiến độ phải nhanh
Theo ông Long, quyết định hình thành gói hỗ trợ an sinh xã hội là cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, hàng ngàn doanh nghiệp dừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc. Việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cũng giúp ích cho người lao động có thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình trong thời gian chờ dịch bệnh qua đi.
“Người lao động mất việc đang cần thu nhập để bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Do đó cách hỗ trợ tốt nhất là trực tiếp bằng tiền. Trong điều kiện nguồn lực có hạn thì đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, thể hiện quyết tâm không để người yếu thế bị “lọt lưới” an sinh xã hội giữa đại dịch”, ông Long nói.
Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng tiến độ giải ngân phải đẩy nhanh hơn nữa, do những tác động tiêu cực của dịch bệnh đang lan rộng ra toàn xã hội. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, nhiều lao động mưu sinh khó nhọc nay càng lâm vào cảnh khó khăn.
“Vấn đề quan trọng không kém là tiến độ. Chậm trễ ngày nào thiệt hại ngày đó. Bằng mọi giá phải giúp doanh nghiệp củng cố nguồn lực, giữ chân người lao động. Đồng thời hỗ trợ các nhóm người yếu thế trong xã hội cầm cự, vượt qua được đại dịch và giữ ổn định trật tự xã hội”, ông Long nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý thị trường giá cả cho rằng Chính phủ cần rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ trước đây như hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, từ khi có chính sách hỗ trợ cả năm sau người dân mới nhận được.
Tương tự, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng gói hỗ trợ an sinh xã hội cần nhanh chóng triển khai để chia sẻ khó khăn với người lao động và giúp doanh nghiệp chiến đấu với COVID-19.
“Gói hỗ trợ phải nhanh chóng triển khai để giúp doanh nghiệp sớm lấy lại phong độ, người lao động có thu nhập trang trải cuộc sống. Như thế mục tiêu “an sinh” cho cho mọi thành viên trong xã hội mới được đảm bảo”, ông Lợi nói.
Là sao tránh trục lợi?
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng bản chất an sinh xã hội là góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho người dân khi họ không may gặp phải những rủi ro dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập. Vì vậy, trong bối cảnh lúc này thì “an sinh” cho dân là vấn đề cấp bách nhất.
Video: Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng giải nguy các doanh nghiệp
Tuy nhiên việc tổ chức triển khai gói hỗ trợ phải đúng người, đúng đối tượng. Làm sao vừa đạt được mục tiêu an sinh nhưng đồng thời cũng đảm bảo được an toàn trật tự xã hội, tránh chuyện thắc mắc, lợi dụng chính sách. “Cần phải có tiêu chí cụ thể để phổ biến cho các địa phương, chính quyền cơ sở để họ nắm được, từ đó tổng hợp, theo dõi, lập danh sách để hỗ trợ kịp thời đời sống cho người dân”, ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, nhằm đảm bảo chính sách ban hành kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cần nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương: “Phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ cho đối tượng bị giảm thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch COVID-19”.
Đặc biệt, ông Lợi cho rằng phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng không để trục lợi, lạm dụng chính sách và xử lý nghiêm các sai phạm. “Bên cạnh đó cần phát huy vai trò giám sát của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội để bảo đảm ổn định xã hội”, ông Lợi nói.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc thực hiện gói chính sách cần có sự đánh giá, phân loại, cũng như tiêu chí cụ thể về mặt dân sinh, kinh tế, xã hội để phân loại đối tượng thụ hưởng.
“Các cơ quan chức năng phải cụ thể các tiêu chí cho từng nhóm đối tượng, xây dựng văn bản hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện khoa học, chặt chẽ, phù hợp với xã hội Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Đặc biệt, ông Hiếu lưu ý phải có biện pháp phòng chống những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, lạm dụng chính sách…“Ngay cả những người tham gia thực hiện gói hỗ trợ có thể lợi dụng tình hình để cấp dưỡng cho chính họ, hoặc theo cơ chế xin cho. Vì cần cơ chế kiểm tra, giám sát để cho việc thực hiện được bình đẳng hiệu quả”, Tiến sĩ nói.
Do đó khi gói cứu trợ được giải ngân, các đơn vị cần thống kê chặt chẽ, công khai, minh bạch những đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực được hỗ trợ để tránh khả năng khai khống để hưởng lợi.
Theo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nguyên tắc thực hiện chính sách là phải kịp thời, minh bạch, các tiêu chí phải hết sức rõ ràng cụ thể, dễ thực hiện. Các đối tượng thụ hưởng phải đúng, phải trúng, ưu tiên những tiêu chí về duy trì cuộc sống, tiếp đó là các tiêu chí tuổi tác, thu nhập, người phụ thuộc, kinh tế…“Tiêu chí càng rõ ràng, thông tin càng công khai, trình tự càng đơn giản bao nhiêu thì càng giảm tiêu cực, làm sai bấy nhiêu”, ông Ngân khẳng định.
Bình luận