• Zalo

Góc nhìn Milan-Arsenal: Anh hùng hay kẻ ngốc?

Thể thaoThứ Tư, 15/02/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Đứng trước mỗi lựa chọn, người ta cần phải tỉnh táo. Bởi lằn ranh "đáng hay không đáng" đôi khi mỏng manh vô cùng.

(VTC News)- Đứng trước mỗi lựa chọn, người ta cần phải tỉnh táo. Bởi lằn ranh "đáng hay không đáng" đôi khi mỏng manh vô cùng.

1. Theo ngoại truyện Tam quốc, Tào Tháo sau khi đánh hạ thành Từ Châu có ý định chiêu hàng Lữ Bố và bộ tướng Trương Liêu. Đến lúc hành quyết, họ Lữ chấp nhận lột bỏ sĩ diện quỳ gối xin tha còn họ Trương luôn miệng chửi thề thà chết không chịu hàng. Triết lý ‘sĩ khả sát bất khả nhục’ được Liêu thể hiện qua câu mắng: “Đồ hèn, Lữ Bố kia, chết thì chết, sợ gì!”.

Lưu Bị khi ấy đóng vai trò tham mưu cho Tháo khuyên rằng: “Phụng Tiên là kẻ phản phúc, không nên lưu lại. Còn Văn Viễn tuổi trẻ, có chí khí, là người trung nghĩa có thể dùng được”. Tháo nghe lời, lệnh chém đầu Bố và cử Bị tới thu phục Liêu.
Nhiều năm về sau, Trương Liêu trở thành công thần Ngụy quốc và được phong hầu. Ông nổi tiếng với trận Hợp Phì dùng 800 binh đẩy lui 10 vạn quân địch làm kinh động người Đông Ngô. La Quán Trung từng viết: “Trẻ con ở Đông Ngô nghe nhắc tên Trương Liêu ban đêm không dám khóc”.

Wilshere, bây giờ hoặc không bao giờ !

2. Ở Arsenal, Wilshere được coi là thế hệ thủ lĩnh tiếp theo của CLB. Là người đi đầu, tất nhiên phải gương mẫu, phải hết mình cho danh xưng Pháo thủ. Ai cũng biết anh miệt mài chữa trị chấn thương thế nào hòng kịp tái xuất trong trận đấu với AC Milan.

Thậm chí, khát khao chơi bóng còn theo tiền vệ này lên cả những sẻ chia trên mạng xã hội. Từ Twitter, lời thủ thỉ với cái máy trị thương đặc biệt lan khắp thế giới: “Máy yêu, chữa cho ta chóng lành vết thương đi nhá”.

Song ở đời, thường thì nhân tính đâu bằng trời tính.
Cái mắt cá chân bị vỡ từ tháng 8 chưa bao giờ dứt hẳn những cơn đau. Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hồi phục, giờ đây hóa ra lại đang phản tác dụng. Không San Siro, không Ba Lan-Ukraine và có thể là không bóng đá!

Lần đầu tiên Jack buộc phải dừng sự vội vã của mình lại. Lần đầu tiên anh chấp nhận quẳng đi cái hối hả đã mang trên người suốt nửa năm trời nay. Để nghĩ suy. Để nhớ và nuốt lấy từng lời thầy Capello chê trách công tác y tế tại Emirates.

Để lần đầu tiên anh dám nói với các bác sĩ tại CLB
: “Đừng gấp gáp, hãy để tôi tự hồi phục”.

3. Wilshere không phải là trường hợp cầu thủ đầu tiên của Arsenal nén đau ra sân rồi không hẹn ngày trở lại. Nhưng anh là kẻ tiên phong cho suy nghĩ và hành động đầy mới mẻ tại Emirates: đội bóng cần nhiều hơn nữa sự chín chắn thay vì sốc nổi, sự toan tính thay vì vô tư và cả một chút vị kỷ thay vì cống hiến mù quáng.

Có ai đó đã ví Arsenal giống như một con thiêu thân. Họ áp dụng lối chơi giống hệt nhau với mọi địch thủ và nhận lấy cùng một kết cục như nhau trong suốt những mùa giải tay trắng.

Song nên nhớ rằng ‘Còn sống, còn ra chiến trận thì còn làm được nhiều điều lớn lao’.

Đôi khi, liều mình, xông pha không được ngợi ca là anh hùng, mà thu mình, nín nhịn chờ thời không hẳn là kẻ ngốc. Đứng trước mỗi lựa chọn, người ta cần phải tỉnh táo. Bởi lằn ranh "đáng hay không đáng" đôi khi mỏng manh vô cùng. Bước qua cái giới hạn đó, một kẻ ngốc cũng có thể hóa anh hùng.

Còn Arsenal-Wilshere,
là anh hùng hay kẻ ngốc, hẳn họ đã có đáp án cho riêng mình.

Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn