• Zalo

Gỗ trăm tuổi bị đốn la liệt trong rừng Nam Kar, ban quản lý nói không có chuyện phá rừng

Thời sựThứ Tư, 27/11/2019 11:28:00 +07:00Google News

Dù lâm tặc ngang nhiên đưa máy kéo, máy tời, trâu… vào rừng đặc dụng Nam Kar khai thác, vận chuyển gỗ nhưng ban quản lý khẳng định không có chuyện phá rừng.

Video: Rừng bị "rỉ máu", giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar, Đắk Lắk nói gì?

Những ngày cuối tháng 11, phóng viên VTC News nhận được phản ánh của người dân về tình trạng phá rừng công khai tại khu vực do Khu bảo tồn rừng tự nhiên Nam Kar (rừng đặc dụng Nam Kar, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) quản lý. 

Ngang nhiên chặt, xẻ gỗ trong rừng đặc dụng

Cải trang thành người đi mua lan, nhóm phóng viên vượt qua con đường ngoằn ngoèo uốn lượn như con trăn của huyện Krông Ana để vào rừng đặc dụng Nam Kar. Ở khu vực gần cửa rừng, đập vào mắt chúng tôi là những phách gỗ (ước chừng trên 2m3) bị bỏ lại ở khu ruộng nước dưới chân núi. 

Lối vào cửa rừng là con đường mòn dốc thẳng đứng chỉ rộng khoảng 1,5, tre mọc dày hai bên. Đi khoảng 2km, nền đất mặt đường xuất hiện vết "cày" của những cây gỗ bị kéo qua. 

dak-lak232-0113092 11

Những phách gỗ nằm trên đường gần cửa rừng đặc dụng Nam Kar, Đắk Lắk. 

Rẽ vào một lối nhỏ bên trái, trước mắt chúng tôi là cây gỗ lớn khoảng 30 năm tuổi bị lâm tặc cưa hạ. Những phách gỗ được xẻ ra còn mới nguyên, vết mủ ở mặt cưa trên gốc cây vẫn còn khá rõ. Cách gốc vài mét là đoạn thân cây khác nằm lăn lóc.  

Sau khi ghi nhận hình ảnh, chúng tôi trở lại con đường chính để đi vào sâu hơn, và lại tiếp tục nhìn thấy những phách gỗ nằm ven đường, có cả máy móc và vật dụng phục vụ cho việc khai thác gỗ. 

go-lau5 3

Những khối gỗ nằm ven con đường vào rừng. 

Trên hành trình tiếp theo, chúng tôi đi qua nhiều điểm cây rừng bị chặt hạ, phần lớn đều là cây lớn 30-70 năm tuổi. Những phách gỗ nằm ngổn ngang, vết mùn cưa rất mới và các nhánh cây vẫn đang héo dần.

Vượt qua những bụi tre rậm rạp và nhiều con dốc cao, bỗng cả nhóm nghe tiếng nổ của động cơ. Đi theo hướng âm thanh đó, chúng tôi nhìn thấy chiếc máy kéo đang nổ máy để kéo những khối gỗ lớn có bề ngang chừng 1,5m, dài khoảng 5m, nhưng không thấy người điều khiển. Gần đó, dưới con dốc, cạnh con suối nhỏ là cả "công trường" khai thác gỗ la liệt cây bị chặt hạ. Trên đám mùn cưa, bên cạnh những phách gỗ có cả thước kẻ, vật dụng của lâm tặc bỏ lại. 

go-lau11 5

Hiện trường vụ khai thác gỗ tại rừng Nam Kar. 

Nhiều thân cây to có vẻ bị đốn từ khá lâu. Cạnh chỗ chúng tôi đứng là một nhánh cây lá héo khô, riêng tán lá của cành này đã phủ kín cả khoảng đất rộng. Dưới lòng suối cũng la liệt gỗ đã được lâm tặc xẻ thành những khối và phách lớn. Bên kia bờ suối, một thân cây cổ thụ chừng hơn 100 năm tuổi bị đốn ngã. Gần đó có chiếc máy tời dùng để vận chuyển những khối gỗ hình chữ nhật chuẩn bị đưa xuống núi.

Cũng trong khu rừng này, nhóm phóng viên phát hiện cả trâu và những vật dụng phục vụ cho việc kéo, vận chuyển gỗ.

Ban quản lý rừng nói gì?

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar, cho biết ông chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc phá rừng trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar. 

"Khu vực rừng Nam Kar từ đầu năm đến nay không xảy ra việc phá rừng. Chúng tôi thường xuyên yêu cầu trạm kiểm lâm trực thuộc nơi này đi kiểm tra hàng tuần và báo cáo", ông Nhật khẳng định.

dak-lak 7

Hàng loạt cây cổ thụ ở rừng bị tàn phá.  

Sau khi xem hình ảnh và các đoạn video do phóng viên ghi lại trong khu vực rừng đặc dụng mà đơn vị của ông Nhật quản lý, vị giám đốc nói: "Chúng tôi sẽ cho đơn vị kiểm lâm kiểm tra". 

Ông Nhật cho biết, tại khu vực xã Bình Hòa, huyện Krông Ana có 3 tiểu khu là 1023, 1024 và 1025, bao gồm khoảng 2.000ha rừng tự nhiên. Tại đây có nhiều cây gỗ quý tuổi đời hàng trăm năm, nhiều loài thuộc nhóm IV đến nhóm VII là như dổi, bằng lăng, chò xót, sao... Đây là khu rừng đặc dụng, được bảo vệ nghiêm ngặt. "Mỗi tháng, đơn vị đều báo cáo với các cơ quan cấp trên về tình hình rừng, trong đó việc khai thác gỗ là không hề xảy ra", ông Nhật nói.

go-lau09393 8

Ông Nguyễn Văn Nhật khẳng định không hề có việc khai thác rừng tại rừng đặc dụng Nam Kar. 

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Kim Ngân, cán bộ trực ban Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana cho biết, hơn 2.000ha rừng thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 nằm ở xã Bình Hòa được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar bảo vệ từ tháng 8/2009. 

Sáng 26/11, Hạt trưởng Võ Văn Tụ và lực lượng công an huyện Krông Ana đi cùng phóng viên đến địa điểm có cây gỗ bị chặt hạ trong rừng đặc dụng Nam Kar để kiểm tra. 

Ông Tụ cho biết, qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm định vị và xác nhận tọa độ nơi lâm tặc cưa cây, đồng thời đo đạc, kiểm đếm lượng gỗ bị đốn hạ, báo cáo vụ việc đến cơ quan chức năng liên quan. 

go-rung53 9

Lâm tặc dùng máy tời để kéo gỗ tại rừng Nam Kar. 

Về những khối gỗ nằm dưới ruộng nước ở cửa rừng, ông Tụ cho biết khu vực này thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar. Còn các điểm có cây gỗ bị triệt hạ mà phóng viên phát hiện trên đường vào đi, cần xác định tọa độ trước khi có các bước xử lý tiếp theo.

"Chúng tôi sẽ làm văn bản báo cáo tọa độ các điểm có cây gỗ bị triệt hạ. Tuy nhiên, đa số các cây gỗ bị chặt nằm trong phần rừng đặc dụng Nam Kar do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar quản lý. Sau khi nghe phản ánh, chúng tôi phối hợp để báo cáo lại cấp trên, còn trách nhiệm để xảy ra việc phá rừng thì Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar phải chịu vì trước đó, UBND tỉnh đã bàn giao quản lý", ông Tụ nói. 

kiem-lam 10

Lực lượng kiểm lâm và công an huyện Krông Ana kiểm tra hiện trường. (Ảnh: Thanh Hải)

Chứng kiến quang cảnh "đại công trường khai thác gỗ", ông Tụ khẳng định, để xảy ra việc khai thác rầm rộ và ngang nhiên như thế này là do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar buông lỏng quản lý, không giám sát chặt chẽ, dẫn đến nhiều loại cây trên 50 tuổi bị lâm tặc đốn hạ để lấy gỗ.

"Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar để tình trạng lâm tặc khai thác gỗ ngang nhiên và trong thời gian dài như thế này là rất nghiêm trọng", ông Tụ nhấn mạnh. 

Ngày 20/6/2016 tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020. 

Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đóng tất cả rừng tự nhiên, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, kiểm soát, công an, tòa án... nâng cao trách nhiệm, ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng đang xảy ra; làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sử dụng gỗ không có giấy phép hợp lệ...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc ngăn chặn các phương tiện chở gỗ lậu và nguồn gỗ rừng tuồn ra ngoài vẫn chưa được thực hiện tốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

* VTC News sẽ thông tin tiếp vụ việc.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn