Các doanh nghiệp này hiện rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước về vay vốn ưu đãi, miễn, giảm thuế, tăng thời gian vay vốn, gia hạn các gói vay và giảm tiền thuê mặt bằng…
Công ty TNHH Trung Kiên Hà Nam (TK-HaNam Co,.ltd) thành lập ngày 20/4/2007 và đã trở thành nhà sản xuất và phân phối chuyên nghiệp sản phẩm và giải pháp cho khách hàng trong lĩnh vực Viễn thông, Tin Học, Điện lực và Truyền hình.
Đến nay, TK- Hà Nam đã tạo ra nhiều giá trị, khẳng định uy tín và vị trí của mình qua nhiều dự án cũng như sự đánh giá cao của các đối tác, khách hàng. Năm 2008, TK- HANAM bắt đầu sản xuất nội địa hóa tủ hộp ODF quang các loại. Năm 2010, doanh nghiệp này sản xuất nội địa hóa toàn bộ dây nhảy, dây nối, đầu nối quang tại nhà máy 58S/16 Tiền Lân – Hóc Môn – Hồ Chí Minh. Năm 2011, TK- HANAM thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu TK HaNam chuyên nghiệp hơn và đăng ký Thương hiệu và nhãn hiệu thành công TK- HANAM và TKFib.
Năm 2012, TK - HANAM tham gia kinh doanh thị trường quốc tế tại các nước Asean, Châu Phi, Nam Mỹ. Năm 2014, Viettel Group tặng kỷ niệm chương – đối tác đồng hành cùng Viettel. Đến thời điểm hiện nay, TK- HANAM là đơn vị phân phối các thiết bị Viễn thông, Tin Học, Điện lực và Truyền hình cho khách hàng trên thị trường viễn thông Việt Nam như: VNPT, Viettel, FPT, SPT,... Cũng như thị trường Viễn thông quốc tế như: Cambodia, Laos, Myanmar, Đông Timor, Mozam-bique, Burundi, Cameroon, Tanzania, Peru, Haiti...
Thị trường phân phối ổn định, TK - HANAM đã tạo việc làm cho hơn 60 cán bộ, công nhân viên và người lao động với thu nhập trung bình từ 7-15 triệu đồng/người/tháng.
Đang sản xuất, phân phối ổn định, đại dịch COVID-19 xảy ra đã tác động nặng nề đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Anh Trần Trung Kiên, Giám đốc TK - HANAM cho biết, doanh nghiệp đã ký hợp đồng đơn hàng ổn định với thị trường trong nước và quốc tế. Để duy trì hoạt động trong đại dịch COVID-19 vừa qua, công ty đã phải thực hiện 3 tại chỗ để hạn chế ảnh hưởng và nhiễm bệnh. Mặc dù triển khai quyết liệt và triển khai việc tiêm phòng Vắc xin, nhưng một số nhân viên, người lao động của công ty đã mắc COVID-19.
Không chỉ mắc COVID, mà TP Hồ Chí Minh còn thực hiện giãn cách toàn xã hội, nhiều nước có đơn hàng với TK-HA NAM cũng giãn cách nên việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, mặc dù đơn vị này đã lựa chọn xuất khẩu bằng đường cảng biển hoặc cảng hàng không.
“Hoạt động sản xuất gặp khó khăn, hàng hóa chậm trễ chúng tôi phải trao đổi online với khách hàng để thương thảo thời gian giãn cách hợp đồng. Khách hàng của chúng tôi là những đơn vị hợp tác lâu năm, tin tưởng và uy tín nên rất dễ cảm thông và chia sẻ với nhau”, anh Kiên nói.
Về mặt đời sống của công nhân viên, người lao động, TK-HANAM vẫn đảm bảo duy trì mức lương, thu nhập để họ yên tâm làm việc, dù công ty gặp khó khăn.
Anh Kiên cho biết thêm, dù gặp khó khăn, nhưng đơn vị cũng nỗ lực vươn lên, từng bước khắc phục và vượt qua. Tuy nhiên, đến nay ngoài người lao động được nhận hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào của Thành Phố Hồ Chí Minh cũng như của nhà nước như về miễn, giảm thuế, chính sách vay vốn ưu đãi, thuê mặt bằng…
“Hiện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị Viễn thông, Tin Học, Điện lực và Truyền hình như chúng tôi không nhiều nên chúng tôi rất mong các chính sách hỗ trợ COVID-19 đến với chung tôi để vượt qua khó khăn”, anh Kiên nói.
Không chỉ có công ty TK-HANAM, mà các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các thiết bị Viễn thông, Tin Học, Điện lực và Truyền hình cũng mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ về thuế như miễn, giảm thuế, giảm giá thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh, triển khai các gói vay vốn ưu đãi, gia hạn các gói mà doanh nghiệp đang vay… Chỉ khi nào các chính sách được triển khai một cách nhanh, đồng bộ thì cách doanh nghiệp này mới từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội và từng bước đống góp vào ngân sách nhà nước, mang lại nhiều giá trị cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước.
Bình luận