• Zalo

Gói 350.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp nuôi kỳ vọng hồi phục giữa 'bão' COVID-19

Đầu TưThứ Năm, 20/01/2022 15:30:02 +07:00Google News
(VTC News) -

Doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào chương trình phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022 - 2023 mà Chính phủ trình, được Quốc hội thông qua.

Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội lớn nhất từ trước tới nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỉ đồng. Giới chuyên gia cho rằng đây là “liều thuốc” hữu ích, là đòn đẩy phục hồi kinh tế giữa đại dịch. Trong khi đó, với doanh nghiệp, đây là tín hiệu vui giúp họ có cơ hội hồi sinh, sau hai năm vật lộn với đại dịch.

Chia sẻ với VTC News, ông Trần Ðức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, khó khăn thường trực của doanh nghiệp logistics trong hai năm qua là dòng tiền, vì chi phí đầu vào tăng cao nhưng doanh thu liên tục suy giảm. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lãi suất chưa đủ mạnh để "thấm" đến các doanh nghiệp.

Gói 350.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp nuôi kỳ vọng hồi phục giữa 'bão' COVID-19 - 1

Các doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ của Chính phủ được triển khai sớm để khôi phục sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Do vậy, nếu được triển khai, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng sẽ thực sự là liều thuốc hữu ích để các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

“Chúng tôi mong chính sách hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, công khai, minh bạch và giám sát thực hiện tốt để nguồn lực đến đúng địa chỉ, không gây rủi ro lớn cho mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Nghĩa nói.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch là hàng không và du lịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ cũng đặc biệt quan tâm đến hiệu quả thực thi của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo ông Kỳ, sau khủng hoảng, tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, lịch sử hình thành, đều phải xếp hàng trên một vạch xuất phát, doanh nghiệp nào bật lên nhanh thì lấy lại được thị trường. Muốn xuất phát nhanh, phải chuẩn bị từ sớm, từ xa và cần có sức bật mạnh từ các gói hỗ trợ của Chính phủ.

"Thời điểm này, cứu doanh nghiệp cũng như cứu người bệnh. Nếu hiệu quả công tác phòng, chống dịch phụ thuộc vào mức độ bao phủ vaccine và năng lực chữa bệnh của hệ thống y tế thì hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế phụ thuộc vào quy mô gói hỗ trợ và tốc độ triển khai để kịp cứu doanh nghiệp trước khi phá sản. Doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ cũng phải nhanh và hiệu quả như chiến lược ngoại giao vaccine. Bên cạnh đó, mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, nhất quán là chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Kỳ chia sẻ.

Còn đối với ông Hoàng Văn Oanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Thành (Tuyên Quang), chuyên về hoạt động dịch vụ, tiêu thụ nông sản, gia súc, trâu bò cho biết, trong 3 năm từ 2017 đến 2019, mỗi năm doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ, xuất khẩu gần 100.000 con trâu, bò.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty Tiến Thành rơi vào khó khăn, điêu đứng bởi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Dịch bệnh xảy ra, việc giao thương buôn bán, nhập trâu, bò về nuôi không thể triển khai. Bên cạnh đó, các sản phẩm trâu, bò đã nhập về cũng không thể chế biến để xuất khẩu đã buộc các hộ, HTX liên kết với công ty phải kéo dài thời gian chăn nuôi.

Trong khi đó, sản phẩm được công ty chế biến là sản phẩm trâu khô cũng tiêu thụ chậm. Cùng với đó, quá trình liên kết của doanh nghiệp với các HTX và tổ hợp tác, hộ liên kết gặp khó khăn về nguồn vốn. Do vậy, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội lần này doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm được tiếp cận nhằm vượt qua khó khăn.

“Chúng tôi cũng mong hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tín dụng sẽ đem lại luồng gió mới và tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thêm năng lượng để phục hồi sản xuất. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng kịp thời đưa gói hỗ trợ này vào quý 1, 2 trong năm 2022 thì các doanh nghiệp, các HTX sẽ tháo gỡ được những khó khăn, nút thắt để tiếp tục đầu tư xây dựng kho bãi, vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất, phân bón, vật tư. Và như vậy, mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là đạt tăng trưởng GDP 6 - 6,5% sẽ rất khả quan”, ông Oanh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, gói phục hồi kinh tế là chương trình có ý nghĩa to lớn đối với các doanh nghiệp, HTX, nhất là doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản xuất khẩu như đơn vị của ông.

Tuy nhiên, theo ông An, để doanh nghiệp tận dụng gói hỗ trợ đúng mục đích và hiệu quả, các cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh mẽ, khác biệt, quyết liệt hướng đến hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Cùng với đó, Chính phủ cần có thông điệp rõ ràng về mở cửa dứt khoát nền kinh tế một cách linh hoạt để tạo niềm tin cho toàn xã hội. Có như vậy mới tạo ra động năng tăng trưởng để vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

“Gói hỗ trợ lần này có quyết định giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2022 cho hầu hết hàng hóa, dịch vụ. Đây là sự lựa chọn đúng của Quốc hội, Chính phủ vì sẽ gián tiếp góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong nước qua đó kích thích sản xuất”, ông An nhận xét. 

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp