• Zalo

Giữa ‘tâm bão’ Trịnh Xuân Thanh, PVC bất ngờ báo lãi tăng 4,5 lần

Kinh tếThứ Ba, 09/08/2016 13:39:00 +07:00Google News

Khi nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Xuân Thanh trở thành “tâm bão”, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bất ngờ báo lãi tăng 4,5 lần.

Ngay sau khi nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Xuân Thanh trở thành “tâm bão”, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bất ngờ báo lãi tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãi tăng vẫn lỗ lũy kế 2.919 tỷ đồng

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của PVC đạt 21,7 tỷ đồng, tăng 17,72 tỷ đồng, tương ứng 4,5 lần so với quý 2/2015, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 32,4 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận tăng rất mạnh nhưng 21,7 tỷ đồng vẫn rất khiêm tốn so với công ty có vốn 4.000 tỷ đồng như PVC. Đó còn chưa kể tính tới cuối quý 2/2016, PVC vẫn lỗ lũy kế 2.919 tỷ đồng. Thua lỗ quá nặng, vốn chủ sở hữu của PVC không được bảo toàn ở mức 4.000 tỷ đồng vốn góp ban đầu mà giảm xuống chỉ còn 2.987 tỷ đồng.

trinh-xuan-thanh-pvc

 

Một điểm đáng lưu ý nữa chính là lợi nhuận của PVC tăng mạnh không phải hoạt động kinh doanh của PVC được cải thiện mà do... giảm lỗ từ công ty liên kết. Khoản lỗ này giảm đã bù đắp được rất nhiều cho khoản doanh thu sụt giảm của PVC.

Trong kỳ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại PVC đạt 2.622 tỷ đồng, giảm 214 tỷ đồng, tương ứng 7,5% so với quý 2/2015, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4.901 tỷ đồng. Điều đó khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 10 tỷ đồng, tương ứng 6,7% xuống 139 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 286 tỷ đồng.

Doanh thu giảm gây áp lực lên lợi nhuận nhưng PVC may mắn khi lỗ từ công ty liên doanh, liên kết giảm khá mạnh. Trong kỳ, chỉ tiêu này “chỉ” là 2,8 tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm 2015, chỉ tiêu này lên tới 24,5 tỷ đồng.

Bên cạnh khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh, PVC còn bớt bê bết khi khoản thu nhập khác có đóng góp không nhỏ cho việc cải thiện lợi nhuận. Quý 2/2016, chỉ tiêu này đạt 9,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2,6 tỷ đồng trong quý 2/2016.

Giải thích cho lợi nhuận tăng mạnh, PVC cho biết trong kỳ PVC đẩy mạnh tiến độ thi công công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, công trình khu liên hợp lọc dầu Nghi Sơn, dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, công trình viện dầu khí phía Nam và các công trình trọng điểm khác.

“Thắt lưng buộc bụng” trả lãi vay

Con số lợi nhuận tăng tới 4,5 lần không có nhiều ý nghĩa vì hiện tại, PVC vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh doanh thu giảm, PVC phải “thắt lưng buộc bụng” để trả lãi vay – kết quả của những món nợ khổng lồ.

Cụ thể, trong kỳ, chi phí quản lý của quản lý doanh nghiệp của PVC chỉ đạt 80 tỷ đồng, giảm 17 tỷ đồng, tương ứng 17,5%. Chi phí hoạt động cắt giảm để bù đắp cho hoạt động bán hàng nên chi phí bán hàng tăng 361 triệu đồng lên 801 triệu đồng.

Đây là điều được thừa nhận khi PVC khẳng định công ty “tiết giảm chi phí để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanhh”. Nhưng có thể thấy, dù đẩy mạnh hoạt động bán hàng, doanh thu của công ty vẫn không tăng.

Doanh thu của công ty không tăng vì một phần chi phí tiết giảm được đã dành để trang trải lãi vay. Trong quý 2/201, chi phí lãi vay của PVC là 26,6 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 55 tỷ đồng,  cao hơn rất nhiều so với khoản lãi 32,4 tỷ đồng.

Lãi vay tại PVC lớn khi công ty sở hữu khoản nợ khủng. Nợ ngắn hạn của PVC đạt 9.916 tỷ đồng, trong đó vay và nợ tài chính ngắn hạn là 1.093 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ dài hạn của PVC là 2.080 tỷ đồng, trong đó vay và nợ tài chính dài hạn đạt 1.482 tỷ đồng. Trong các quý tiếp theo, nợ tiếp tục là áp lực với PVC.

Điều đáng nói, dù đang chật vật với nợ khủng, PVC còn chật với với việc đòi nợ. Cuối quý 2, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty lên tới 5.026 tỷ đồng, tăng so với số 4.587 tỷ đồng hồi đầu năm. Đây là con số có được sau khi PVC “quyết liệt thu hồi công nợ”.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn