Đầu tư vào đâu?
Nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và thu nhập của nhiều người. Những nhân viên công sở vốn đã quen với công việc hàng tháng, đúng ngày được nhận lương và đem một phần gửi tiết kiệm ngân hàng thì nay đã phải tìm kiếm thêm những hướng khác.
Hoàng Lan – nhân viên một doanh nghiệp tại Láng Hạ, Hà Nội chia sẻ: “Dịch bệnh xảy ra mình mới thấy rõ là không thể để tiền chôn 1 chỗ vì vừa phí hoài mà rất lâu mới sinh sôi nảy nở. Trong khi đó, thu nhập chính có thể bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào. Mình xác định không đầu cơ lướt sóng vì phải chạy theo đám đông rất rủi ro, mà sẽ đầu tư vào những tài sản sinh lời trong dài hạn”. Lan tính toán, thà 3-5 năm thu về một khoản tiền lớn, còn hơn thu lời vài triệu ngay lập tức nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo mất tiền.
Suy nghĩ của Hoàng Lan cũng trùng với ý kiến của rất nhiều người trẻ thành đạt hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi thường trực luôn là chọn kênh đầu tư nào để “tiền sinh ra tiền”.
Trước hết, với kênh đầu tư vàng. Theo các chuyên gia, sau chuỗi ngày trầm lắng, thị trường vàng vừa qua đã có thời điểm lên xuống bất thường khiến nhiều nhà đầu tư không lường trước được. Có những thời điểm giá vàng được đẩy lên trên 62 triệu đồng/lượng, nhưng chỉ sau 1 ngày, giá vàng có thể bốc hơi 7 triệu đồng/lượng. Nhiều nhà đầu tư vàng thời gian qua “ăn đậm”, nhưng cũng có không ít nhà đầu tư ngậm trái đắng khi “bay” một khoản tiền khổng lồ chỉ sau 1 đêm.
“Vàng có những lúc được nhiều, nhưng rủi ro quá nhiều. Thị trường vàng Việt Nam không theo quy luật thị trường nên dễ bị thao túng, làm giá. Người dân không nên đầu tư vào vàng. Ngoại tệ cũng thế vì tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang nhiều biến động, rủi ro nhiều”, chuyên gia Đặng Hùng Võ phân tích.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng những nhà đầu tư trường vốn nên bỏ tiền đầu tư bất động sản, bởi tài sản này sẽ không bao giờ lo mất giá và đặc biệt, nếu không bán đi thì có thể dùng vào nhiều việc khác như cho thuê hay để ở. Có thể nói, với bất động sản lúc này sẽ là “cung khan hiếm, nhưng cầu thì luôn hiện hữu”.
“Dù dịch COVID khiến nhiều hoạt động của doanh nghiệp đình trệ, tuy nhiên, giá bất động sản sẽ rất khó giảm vì 2 lý do. Thứ nhất, nguồn cung khan hiếm do 2 năm nay, thủ tục pháp lý chậm dẫn tới thị trường hầu như không có dự án mới, trong khi nhu cầu không ngừng tăng, nhất là khi các kênh tài chính vàng, gửi tiết kiệm đều bất ổn hoặc sinh lời thấp. Thứ hai, chi phí đầu vào của bất động sản tăng. Hiện giá đất được định giá theo thị trường, các chủ đầu tư đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nên không còn dư địa để giảm giá”, chuyên gia phân tích.
Một khảo sát mới đây về các kênh đầu tư do báo điện tử Vnexpress thực hiện thu hút gần 17.000 lượt bình chọn, kết quả cho thấy, bất động sản là kênh đầu tư số 1 với 30% phiếu bầu chọn, gấp đôi số phiếu bình chọn đầu tư vàng và gần gấp 3 chứng khoán. Khảo sát tương tự của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy kênh đầu tư số 1 vẫn là bất động sản với 29% số phiếu bình chọn.
Bất động sản cao cấp sinh lời tốt nhất
Nếu ai có tiền mua bất động sản cao cấp lúc này là hợp lý.
GS. Đặng Hùng Võ
Theo các chuyên gia, đối với kênh đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư nên bỏ tiền vào phân khúc bất động sản cao cấp bởi nó có khả năng sinh lời tốt nhất.
Thực tế, ngay giữa dịch, giá bất động sản phân khúc cao cấp vẫn có xu hướng tăng. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2020 - khi dịch COVID-19 bùng phát lần 1, tại TP.HCM, giá bán phân khúc căn hộ cao cấp tăng khoảng 2,75%. Sang quý II/2020, ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, giá phân khúc căn hộ cao cấp cũng tiếp tục tăng.
Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, phân khúc cao cấp tăng ngay cả khi thị trường chững lại do nó là phân khúc “hàng hiếm”.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, phân khúc này sẽ khó giảm giá vì thứ nhất, nó được phát triển bởi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt. Thứ hai, cầu trong nước của phân khúc này hiện đang tăng khi nhiều cá nhân mong muốn tìm kiếm chôn an cư cao cấp, phù hợp với chất lượng cuộc sống hiện đại, đẳng cấp. Ước tính người đủ tiền mua bất động sản cao cấp tại Việt Nam chiếm khoảng 5% dân số.
Người nước ngoài giàu có muốn có bất động sản Việt Nam cũng tăng cao trong bối cảnh pháp luật hiện nay cũng đã mở cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản đã được đưa vào nhóm được hưởng gói “giải cứu” của Chính phủ trong dịch COVID-19. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng không phải chịu áp lực phải xả hàng để thu hồi vốn.
"Nếu ai có tiền mua bất động sản cao cấp lúc này là hợp lý”, GS. Đặng Hùng Võ đưa ra lời khuyên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng phân tích, mặc dù hiện lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh, nhưng đây vẫn là phân khúc hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là sản phẩm bất động cao cấp.
Ông Đính phân tích, bất động sản cao cấp là phân khúc sẽ không bao giờ giảm giá vì đây là hàng hiếm. Sản phẩm thuộc phân khúc này đều sở hữu nhưng vị trí đất vàng, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ. Hơn nữa, phân khúc này nguồn cung vô cùng hạn chế, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM gần như không còn quỹ đất để phát triển.
Phân khúc này được làm bởi các chủ đầu tư có tiềm lực nên thị trường khó thì các chủ đầu tư này cũng sẽ đủ khả năng trụ vững.
Ngoài ra, cầu của phân khúc này trong tương lai rất lớn. Ngoài những người giàu trong nước có xu hướng nhiều lên thì nhóm nhà đầu tư nước ngoài sau dịch chắc chắn sẽ trở lại vì dòng vốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam đang tăng, nhất là dòng chảy của Trung Quốc vào Việt Nam.
“Cầu của phân khúc bất động sản cao cấp trong tương lai khá lớn, trong khi cung khan hiếm, nên nếu nhà đầu tư có nhiều tiền nhàn rỗi nên đổ tiền vào phân khúc này. Chắc chắn sẽ sinh lời trong vài năm tới”, ông Đính đánh giá.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc chia sẻ, phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang có thể chia làm 2 dạng. Nếu ở dòng sản phẩm tiêu thụ chưa tốt, chưa đạt kỳ vọng của khách hàng về giá trị sản phẩm thì chủ đầu tư có thể sẽ có chính sách kích cầu trong ngắn hạn.
Còn dạng sản phẩm thứ hai, những chủ đầu tư đã có thương hiệu trên thị trường rồi, sản phẩm của họ được khách hàng chấp nhận rồi thì việc thay đổi theo cách giảm giá lúc thị trường chậm lại là rất khó. Thực tế, theo bà Hương, trên thị trường hiện nay ở phân khúc cao cấp, hạng sang, có những sản phẩm dù đắt nhưng khách hàng vẫn chấp nhận mua.
Dưới góc độ là đơn vị phân phối sản phẩm, ông Vũ Kim Giang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hải Phát Land cho rằng, thị trường thời gian qua, những sản phẩm là nguồn cung mới thì không đơn vị nào giảm giá. Bởi lẽ, nguồn cung của phân khúc này rất hạn chế, chủ đầu tư khi làm sản phẩm này đã tốn không ít chi phí, nên họ sẽ xây dựng một mức giá khó có thể giảm.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam ngày càng tăng theo sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về chất lượng cuộc sống, về chốn an cư cũng tăng lên, vì thế nhu cầu về bất động sản cao cấp ngày càng nhiều.
“Bất động sản cao cấp có 2 đối tượng, một là đối tượng có nhu cầu về cuộc sống đẳng cấp, hai là nhà đầu tư mua để cho thuê. Dịch bệnh sẽ tác động trong ngắn hạn khiến việc cho thuê khó khăn, nhưng đầu tư kinh doanh cho thuê lâu dài rất tiềm năng. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, các chuyên gia nước ngoài sẽ tìm đến phân khúc này”, ông Giang đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư.
Bình luận