Là nơi thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất song từ khi được công nhận nông thôn mới, học sinh tại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) không còn được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn hàng tháng. Lo sợ học sinh nghỉ học, các trường học tại đây đã phải kêu gọi mạnh thường quân, học sinh góp gạo, củi, thực phẩm để nấu cơm bán trú, níu chân các em bám trường, bám lớp.
Góp gạo nấu cơm cho trẻ
Lối vào điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đi qua những con đường mòn đất đỏ, dốc đứng chênh vênh. Sau cơn mưa rào bất chợt, những vạt nắng cuối tháng 5 len lỏi giữa xanh mướt triền núi, làm sáng bừng mái tôn của ngôi trường cheo leo nơi bản làng nhỏ.
Nhiều tháng nay, buổi trưa tại điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học xã Đăk Tăng bỗng nhiên náo nhiệt hẳn lên, đầy ắp tiếng nói cười. Không phải trường bán trú và không được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, song các em học sinh tại đây hiện đều đã được thầy cô tổ chức cho ăn cơm trưa và ngủ lại tại trường. Và hành trang đến trường của các em cũng không phải cặp sách, bút, vở mà là nước, rau và gạo để góp lại đưa thầy cô nấu bữa trưa chung cho cả lớp.
Ngoài giờ học, các em tranh thủ đi mót củi và phụ thầy cô nấu bữa cơm trưa ở trường.
11 giờ trưa, những tiếng ê a đọc bài được thay bằng tiếng kê bàn ghế chộn rộn, tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ. Trong khoảng sân rộng chưa đầy 30 mét vuông, gần 70 em học sinh nhanh chóng ngồi quây xung quanh các bàn ăn thành vòng tròn, trước mặt đặt ngay ngắn bát đũa. Những đôi mắt to, đen láy chốc chốc lại ngước lên nhìn các thầy, lộ rõ vẻ háo hức khi chuẩn bị được ăn trưa.
Một bữa trưa điển hình sẽ bắt đầu từ 11 giờ, diễn ra chóng vánh trong 20 phút. Khi vào bữa, lũ trẻ tuyệt nhiên không nói chuyện. Âm thanh chủ đạo lúc này là tiếng đũa, thìa quẹt vào xoong, nồi, vào cặp lồng cơm. Em nào em nấy thoăn thoắt xúc từng thìa cơm đầy, đưa lên miệng ăn ngon lành. Bữa ăn nhiều khi chỉ có trứng và cơm trắng, cùng vài bát mì tôm để làm canh, thế nhưng các em cũng ăn ngon lành từ 2-3 bát, không bao giờ bị thừa.
Nhiều hôm, thức ăn chủ đạo cho bữa cơm trưa chỉ là một thau mì tôm được pha loãng.
Cách đó vài trăm mét, tại điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Tăng, 68 em học sinh cũng được thầy cô tổ chức cho ăn trưa tại trường. Nhiều hôm, thức ăn chủ đạo cho bữa cơm trưa chỉ là một thau mì tôm được pha loãng. Ấy vậy mà, những bữa ăn đạm bạc như vậy đã giúp các em duy trì việc đến lớp hơn một năm nay.
Nuôi lớn niềm hy vọng
Đăk Tăng là xã thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất liên hồi trong hơn một năm trở lại đây. Những điểm trường đặt tại xã cũng gần như là những điểm trường xa nhất của huyện Kon Plông.
Năm 2021, xã Đăk Tăng còn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, học sinh được hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú. Theo Nghị định 116 của Chính phủ, mỗi tháng các em được nhận gần 600.000 đồng tiền ăn, 15 kg gạo. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, xã được lên nông thôn mới, các học sinh cùng giáo viên ở đây không còn được hưởng hỗ trợ.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, năm học 2021 - 2022, địa phương có hơn 1.000 học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú, lương của các giáo viên cũng bị giảm từ 1-3 triệu đồng/một tháng.
Giữ lũ trẻ đi học đều vốn đã khó thì từ khi bị cắt khoản hỗ trợ, các em bỏ dần việc tới lớp, ở nhà bế em, phụ bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ. Lo sợ con trẻ mất chữ, ngoài việc tranh thủ buổi tối hoặc cuối tuần đến từng nhà vận động, thuyết phục người dân cho con em đến trường, nhà trường đã phải kêu gọi các nhóm thiện nguyện ủng hộ để duy trì bữa cơm bán trú.
Tuần đầu tiên, trường vận động được 1,8 tạ gạo và 40 kg rau củ từ cha mẹ học sinh, cùng 17.000 đồng mỗi học sinh từ dự án "Nuôi em" của nhóm tình nguyện Niềm tin. Ngoài ra, thầy cô trong trường tăng gia sản xuất, trồng thêm rau, củ, chăn nuôi thêm lợn, vịt. Đến nay, bữa cơm bán trú đã duy trì được hơn một năm.
Ông Phan Văn Nam, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học xã Đăk Tăng, cho biết toàn trường có 117 học sinh, trong đó 115 em là người Xơ Đăng. Xã có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt nên hành trình đến lớp của nhiều học sinh khó khăn, cách trở. Vì thế, việc đóng góp của các em trên tinh thần tự nguyện. Gia đình các em có cái gì thì đóng góp cái đó.
“Muốn giữ chân các em học sinh đến trường, cần phải đi từ bữa ăn trưa. Vì chỉ có ăn tại trường, các em mới có giấc ngủ trưa trọn vẹn, không phải lặn lội về nhà rồi lại bỏ học, hay ôm bụng đói đến trường, không đảm bảo được sức khỏe để học tiếp”, ông Phan Văn Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, nhờ những bữa cơm trưa mà tỷ lệ đi học của các em học sinh trên địa bàn cũng tăng rõ rệt, góp phần không nhỏ nuôi lớn ước mơ tiếp cận con chữ của trẻ em vùng cao. Tuy nhiên, ông Nam lo tương lai bấp bênh nếu một ngày nào đó, các mạnh thường quân không hỗ trợ nữa thì bữa ăn của các em khó mà duy trì được.
"Bếp ăn trưa của nhà trường đang duy trì nhờ sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Còn thầy cô và phụ huynh thì có gì góp nấy. Tuy nhiên để duy trì bếp ăn lâu dài thì không phải dễ dàng. Nhà trường rất mong được sự chung tay hỗ trợ để các em có bữa cơm ngon dài lâu, duy trì việc tới trường, thầy cô cũng nhờ đó mà yên tâm giảng dạy, cống hiến", ông Nam nói.
Bữa cơm trưa như ngọn đèn nơi mảnh đất rẻo cao, thắp sáng hi vọng của những trẻ em đến trường, nuôi tiếp ước mơ con chữ. Thêm một bàn tay góp chung, là một đứa trẻ tiến gần hơn đến giáo dục, đến thoát nghèo.
Mọi đóng góp của quý độc giả xin gửi về:
Báo điện tử VTC News: Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.
Nội dung ủng hộ xin đề rõ: Đóng góp giúp đỡ bữa ăn trưa cho trẻ em vùng cao xã Đắk Tăng (Kon Plông, Kon Tum)
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho Nhà trường sớm nhất.
Bình luận