Liên quan đến phản ánh của giáo viên cho rằng chương trình Tiếng Việt lớp 1 quá nặng, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, một số người đang nhầm lẫn giữa “chương trình” và “sách giáo khoa”.
Mục đích chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Để học sinh biết đọc, biết viết, bất cứ chương trình nào cũng yêu cầu dạy đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình từ xưa đến nay, và tương lai cũng đều như vậy.
Điểm khác so với chương trình cũ là chương trình lớp 1 hiện nay được tăng thêm 2 tiết 1 tuần. Tăng tiết là để giảm tải, chứ không phải để tăng tải. Bởi dù ở chương trình giáo dục phổ thông mới hay cũ thì học sinh lớp 1 vẫn học đủ 29 chữ cái, 140 vần, biết đọc, biết viết, đạt yêu cầu mới được lên lớp.
Từ kinh nghiệm đi dự giờ hàng chục năm nay, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nhận thấy, không giáo viên nào có thể dạy được Tiếng Việt 1 chỉ với 10 tiết 1 tuần. Vì vậy chương trình mới tăng thêm 2 tiết để giáo viên, học sinh dạy-học thong thả hơn. “Như vậy, nói chương trình nặng là không đúng”, GS Thuyết khẳng định.
Về sách giáo khoa, hiện có 5 bộ sách giáo khoa. Mỗi bộ sách có một hướng tiếp cận khác nhau. Ông cho rằng việc nhiều người nhận xét sách giáo khoa mới nặng vì học sinh học đến chữ nào ghép vần, tập đọc với chữ, vần ấy ngay. Nhưng chỉ cần mở sách Tiếng Việt 1 cũ ra, chúng ta sẽ thấy nhận xét này không đúng. Không có sách nào không gắn việc học chữ với ghép vần, tập đọc, tập viết.
Bởi nếu chỉ dạy rời từng chữ, từng vần, buộc học sinh ghi nhớ thì học như vậy vô ích vì học sinh không thể nhớ máy móc được. Muốn học sinh nhớ chữ, nhớ vần để đọc được, viết được thì phải đặt những chữ, những vần ấy vào từ, vào câu, vào đoạn văn, dù chỉ là những đoạn văn ngắn.
“Như tôi đã nói, chương trình là khung chung, bao năm nay vẫn vậy. Quá trình dạy- học nặng hay không tuỳ thuộc việc giáo viên phân bổ chương trình”, GS Thuyết nói.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc các em học nhẹ hay nặng một phần do cách dạy của giáo viên. Ví dụ, sách giáo viên hướng dẫn thầy cô đánh số thứ tự từng câu trong bài đọc, rồi cho học sinh đọc từng câu, nhưng thầy cô lại yêu cầu học sinh trao đổi với nhau để xác định xem bài tập đọc có mấy câu. Làm sao học sinh lớp 1 có thể trả lời được câu hỏi này? Dạy như vậy vừa quá sức học sinh vừa làm mất thời gian cần cho những việc quan trọng hơn.
Hay như yêu cầu về hiểu, cho đến hết phần Học vần, học sinh lớp 1 chỉ cần làm một câu trắc nghiệm để xem có hiểu bài không thôi vì chưa biết chữ nhiều, nhưng nếu giáo viên thêm câu hỏi tự luận thì học sinh khó làm được.
Ông cho rằng, trong một lớp có em đọc trơn được, có em còn phải đánh vần, có em gặp khó khăn cả đọc lẫn viết là chuyên bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.
Theo GS Thuyết, hiện vẫn có tình trạng các nhà quản lý quá tập trung vào chuyện dạy viết, như thế là không đúng. Chương trình quy định dạy đọc khoảng 60% thời lượng, dạy viết chỉ khoảng 25%; còn 10% dành cho dạy nói, nghe và 5% cho kiểm tra, đánh giá.
Thế nhưng, hầu hết các trường lại quá đề cao việc viết, thậm chí còn đưa yêu cầu “vở sạch chữ đẹp” vào tiêu chuẩn thi đua, khiến giáo viên phải ép học sinh luyện viết quá nhiều.
Từ đó, ông đưa ra giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này giáo viên phải nắm vững mục tiêu của chương trình lớp 1, mục tiêu của từng bài. Thầy cô không nên yêu cầu cao quá đối với học sinh lớp 1.
Dạy mỗi bài, giáo viên phải xác định đích của bài ấy là sau khi học xong, học sinh nhận được mặt chữ, biết đọc và biết viết. Những bài đầu, các em có thể phải đánh vần, có em đọc được, có em không. Giờ mới học chưa đầy 1 tháng, việc đánh vần, thậm chí quên chữ là bình thường.
“Hoàn thành chương trình lớp 1, các em đọc được, viết được là tốt rồi, chưa cần đọc diễn cảm, đọc nhanh hay viết thật đẹp. Người lớn không nên quá nóng vội”, GS nhấn mạnh.
GS Thuyết lấy ví dụ các nước phương Tây, không tập trung vào dạy viết vì cho rằng sau này học sinh sẽ dùng máy vi tính, không cần rèn chữ. Nhưng quan điểm đó không phù hợp với quan niệm “nét chữ là nết người” ở Việt Nam.
Việc rèn chữ viết là cần thiết vì nó dạy tính cẩn thận, kiên nhẫn, óc quan sát, thẩm mĩ. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà thầy cô yêu cầu học sinh tập viết quá nhiều, với đòi hỏi quá cao. Việc dạy học phải kiên nhẫn, tiểu học là phải kiên nhẫn, đặc biệt là dạy lớp 1.
Bạn nghĩ gì về vấn đề trên? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ [email protected] hoặc bình luận vào box bên dưới.
Bình luận