Liên quan đến vụ giáo viên đánh tới tấp vào đầu học sinh ở Hải Phòng, trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tùy theo tính chất mức độ và hậu quả gây ra tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của các học sinh, cần thiết phải có biện pháp xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 hoặc tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật hình sự.
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Do đó, việc cần thiết dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt là một yêu cầu được khẳng định trong Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924, trong Tuyên bố về quyền trẻ em do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959.
Điều đó cũng đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới, trong những quy chế cũng như văn kiện có liên quan khác của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế hoạt động vì phúc lợi của trẻ em.
"Hành vi của cô giáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ về thân thể, sức khỏe của trẻ em. Cô giáo đã sử dụng vũ lực liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1m đánh nhiều học sinh. Trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau. Không dừng lại ở đó, một nữ giáo viên khác sau khi bước vào lớp cũng tát một học sinh.
Đáng lẽ ra, cô giáo như người mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ các cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục trẻ. Các cháu còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà giáo viên tự cho phép bản thân dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức nghề", luật sư Thơm nói.
Theo luật sư Thơm, hành vi trên không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác, đặc biệt trẻ em là người yếu thế trong xã hội đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của các học sinh mà cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích", được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Trường hợp, tỉ lệ tổn thương sức khỏe của cháu Đ. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác", được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015.
Cùng quan điểm trên, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) bảy tỏ, anh rất bất bình khi thấy hành vi của cô giáo trong đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội. Anh cũng cho rằng phải xử lý nghiêm cô giáo đã đánh liên tục vào đầu học sinh lớp 2.
Theo định của pháp luật, hành vi của cô giáo có thể bị xử lý theo Điều 52 Luật viên chức 2010 quy định việc xử lý kỷ luật viên chức.
Cụ thể, Viên chức vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức (đối với viên chức quản lý), buộc thôi việc. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định 138/2013/NĐ-CP Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể học sinh.
“Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy mức phạt này đối với cô giáo là quá nhẹ. Bởi nếu thông tin học sinh phải nhập viện và bị thương ở mắt là đúng thì có thể xử lý cô giáo ‘Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác’ theo Điều 134 hoặc Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017”, luật sư Bình nói.
Ngày 15/5, Facebook Nhu Anh Nguyen đăng tải nội dung cùng đoạn clip “vạch trần” những cái bạt tai khiến nhiều người bức xúc. Facebook này là của một phụ huynh một học sinh vì quá bức xúc nên đưa hình ảnh lên mạng xã hội
Đoạn clip dài hơn 11 phút ghi lại những cảnh giáo viên liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1m đánh nhiều học sinh. Trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau. Không dừng lại ở đó, một nữ giáo viên khác sau khi bước vào lớp cũng tát một học sinh.
Hình ảnh diễn ra trong buổi kiểm tra học kỳ 2, tại lớp 2A7, trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng).
Người thực hiện hành vi đánh học sinh là cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8). Hiện cô này đã bị đình chỉ công tác 6 tháng. UBND quận yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường không bố trí cho nữ giáo viên này chủ nhiệm trong một năm.
Bình luận