Cùng đi còn có Phó chủ tịch xã và Bí thư đoàn xã Kỳ Sơn. 4 chiếc xe máy xuất phát từ trung tâm xã, vượt qua nhiều đoạn đường đất gập ghềnh, tới nhà em Nguyễn Thị Linh Nhi (lớp 8, trú thôn Mỹ Lợi).
Đang cùng anh trai và em gái ôn bài, nghe tiếng thầy cô trò chuyện với bố mẹ ở ngoài sân, Linh Nhi tỏ vẻ bối rối. "Em đang ôn lại bài Hoàng Lê nhất thống chí", nữ sinh trả lời cô giáo dạy Ngữ văn. "Em đọc kỹ, chi tiết nào chưa hiểu, mai lên lớp cô sẽ giảng lại nhé", cô giáo nói.
10 phút sau, nhóm giáo viên và cán bộ xã Kỳ Sơn tới nhà em Hoàng Thị Kim Chi (lớp 9, trú thôn Mỹ Lạc). Nghe tiếng xe máy dừng ngoài cổng, mẹ Chi ra cửa đón khách. Sau khoảng 10 giây đặt vấn đề, thầy Đặng Minh cùng cô giáo bước vào, nữ sinh khoanh tay chào rồi tiếp tục làm bài tập môn Sinh học.
Kim Chi trình bày ngày mai có bài kiểm tra môn Sinh nên phải tranh thủ ôn bài cũ để đạt kết quả tốt. Cô giáo Đậu Thị Hạnh đánh giá các bài tập nữ sinh làm đạt yêu cầu, lấy sổ và bút ra ghi Kim Chi là một trong những học sinh có ý thức tự giác, đầu tuần mới báo cáo cô giáo chủ nhiệm biểu dương.
Ban đầu, khi thầy cô tới kiểm tra, em có chút áp lực, lâu dần thành quen, muốn được đốc thúc thường xuyên. Bạn bè trường khác thường ghen tỵ, nói xã Kỳ Sơn có tiếng trống học đêm, được nhà trường quan tâm tận tình, trong khi trường các bạn chưa thực hiện", Kim Chi nói.
Hơn 10h, nhà em Nguyễn Thị Quỳnh Dương (lớp 9A, thôn Mỹ Lợi) là điểm kiểm tra cuối. Gia đình đã tắt điện đi ngủ, chỉ còn phòng học của nữ sinh đỏ đèn. Nghe tiếng chó sủa, bố Dương dậy bật điện ở sân, ra đón thầy cô vào.
Thầy Minh nói bố mẹ Dương thông cảm, vì việc kiểm tra này là định kỳ, được phổ biến từ trước. Bố nữ sinh xua tay, nói: "Không sao, dù có kiểm tra lúc 0h đêm tôi vẫn luôn niềm nở".
Cô Đậu Thị Hạnh (dạy môn Sinh học) cho biết, nhờ có sự phối hợp nhiệt tình giữa phụ huynh, cán bộ xã, quá trình đi kiểm tra học sinh ôn bài vào buổi tối được thực hiện tốt. Ban đầu hơi bỡ ngỡ, song qua hơn 10 năm thực hiện, các em đã xây dựng được thói quen tự giác học bài cũ, sáng hôm sau khi tới lớp thầy cô rất dễ truyền đạt vì đa số đều nắm vững kiến thức.
Thầy Vũ Anh Sang, Hiệu trưởng THCS Kỳ Sơn, nói việc kiểm tra học sinh ôn bài diễn ra bất kỳ vào buổi tối của một ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần. Trường có 31 cán bộ, giáo viên, chia ra 3 người một nhóm, phối hợp với cán bộ địa phương, đại diện hội phụ huynh đi làm nhiệm vụ. Mỗi đêm, một nhóm kiểm tra được khoảng 15-20 học sinh đang học THCS trong xã.
Theo thầy Sang, Kỳ Sơn thuộc vùng núi, nhiều học sinh nhà cách trung tâm xã 5km, đường dốc, xuống cấp, đi lại rất khó khăn, song thầy cô vẫn không nề hà, trời mưa rét vẫn thực hiện nhiệm vụ. Nhiều bữa, các giáo viên cũng gặp tình huống dở khóc dở cười. Khi đến nhà, bố mẹ học sinh đang nằm ngủ thấy người ngoài vào vội bật dậy. Vài phút đầu, ai cũng đỏ mặt, trò chuyện có chút ngượng.
"Buổi tối, việc đi lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, song nhờ được sự phối hợp của chính quyền địa phương nên các thầy cô yên tâm hơn. Mỗi tổ kiểm tra luôn có sự theo sát của cán bộ đoàn, hoặc công an xã, thôn trưởng... nên chưa xảy ra sự cố gì", thầy Sang nói.
Ông Đinh Sỹ Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Anh cho hay, nhờ tạo được nề nếp cho học sinh thông qua việc đôn đốc, kiểm tra vào buổi tối, chất lượng học tập của học sinh xã Kỳ Sơn phát triển theo từng năm. "Tỷ lệ học sinh giỏi của xã luôn nằm trong tốp đầu của huyện", ông Quân cho hay.
Bình luận