Tại trường Tiểu học, Trung học sơ sở xã A Roàng, huyện A Lưới, những ngày này, thầy cô cùng học sinh tất bật dọn dẹp khuôn viên, sơn sửa các lớp học, phòng chức năng. Thầy Hồ Đình Tảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tất cả học sinh của trường là người dân tộc thiểu số. Một số thôn, bản giáp biên giới đặc biệt khó khăn.
Kỳ nghỉ hè, các em phải lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ. Nhiều phụ huynh, học sinh do mải làm ăn quên luôn cả ngày khai giảng năm học mới của con em mình. Ngay từ giữa hè, các thầy cô giáo phải đến từng thôn, vào từng nhà, thậm chí lên tận nương, rẫy nhắc nhở, vận động học sinh nhớ ngày trở lại trường, vào năm học mới.
“Từ đầu tháng 7 cho đến hết tháng 8, nhà trường đã phân công cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về tận các thôn để tuyên truyền vận động. Đặc biệt, lập các danh sách cụ thể, có địa chỉ, có tên phụ huynh, có tên học sinh, ban, ngành, đoàn thể của thôn cùng với nhà trường, cán bộ giáo viên để vận động các em đến học, cũng như nhập học theo đúng thời gian quy định”, thầy Tảo nói.
Không khí năm học mới đã rộn ràng trên khắp thôn bản vùng cao A Lưới. Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, cho biết, toàn huyện có 48 cơ sở giáo dục với khoảng 12.000 học sinh các cấp, trong đó, 90% học sinh là người dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều,…
Chuẩn bị năm học mới 2022-2023, huyện A Lưới đã đầu tư 20 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học. Nhiều trường đã vận động quỹ “Giúp bạn nghèo”, mua sắm áo quần mới, dụng cụ học tập hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện đến trường.
Ông Hồ Văn Khởi cho biết, nhờ làm tốt công tác vận động, những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể: “Trước hết các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác huy động trẻ, đặc biệt là nắm rất kỹ số trẻ trên địa bàn trong độ tuổi để công tác huy động. Những cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học cơ bản là đầy đủ. Đội ngũ tại các trường vùng sâu, vùng xa là cơ bản đầy đủ hơn so với các trường trung tâm.
Về sách giáo khoa, Phòng cũng đã kết nối được với các nhà xuất bản giáo dục, các nhà hảo tâm, trang bị các bộ sách cấp cho các em miễn phí các bộ sách giáo khoa để các em có thể tới trường, giảm bớt một phần khó khăn cho gia đình trong công tác chăm lo cho các em”.
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Năm học mới này, tỉnh dành 388 tỷ đồng đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nói, toàn ngành quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10.
Nhằm hạn chế học sinh bỏ học, Sở yêu cầu các trường phân công giáo viên giữ mối liên hệ thường xuyên với phụ huynh học sinh. Giáo viên tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng học sinh để có sự vận động, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho các em vững bước đến trường.
“Chúng tôi triển khai cho học sinh tập trung trước một tuần, trước ngày khai giảng để các trường làm công tác biên chế lớp học, nhất là các lớp đầu cấp, lớp 1, lớp 6 và lớp 10, để ngày khai giảng tất cả các hoạt động đều diễn ra bình thường. Cùng với đó, rà soát các điều kiện phòng chống dịch, thực hiện tiêm vắc xin cho các em học sinh, đảm bảo đủ mũi tiêm theo quy định của Bộ Y tế”, ông Nguyễn Tân cho biết.
Bình luận