• Zalo

Giáo viên coi thi tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang chịu áp lực thế nào?

Giáo dụcThứ Sáu, 31/05/2019 08:03:00 +07:00Google News

Đại diện các trường đại học tham gia coi thi tại ba địa phương này cho biết đã sẵn sàng phối hợp tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Năm 2019, Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La có 33 điểm thi với tổng số 10.608 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 9.379 Thí sinh THPT; 1.229 Bổ túc THPT; 556 Thí sinh tự do gồm cả thí sinh THPT và Bổ túc THPT.

Cụm thi do Sở GD&ĐT Sơn La chủ trì, phối hợp với các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Kiểm sát Hà Nội; Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội; Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình và Cao đẳng Sư phạm Điện Biên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Chấm thi trắc nghiệm là Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Năm nay, Hà Giang có 2 trường đại học phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), Đại học Điện Lực. Chấm bài thi trắc nghiệm cho Hà Giang là Học viện Kỹ thuật quân sự.

Còn Hòa Bình có 4 trường đại học phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia là Đại học Hà Nội, Học viện Hậu Cần, Học viện Chính sách và Phát triển, Học viện Phụ nữ. chấm thi trắc nghiệm là Đại học Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Gia Thế, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết trường đã họp ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 với Sơn La 2 lần.

Số cán bộ đi làm thi tại Sơn La năm nay gồm: coi thi 130 người; Phó trưởng điểm thi 10 người; thanh tra 11 người; giám sát 20 người và ban chấm thi trắc nghiệm là 11 người.

sonla

 

Theo ông Thế, khi phối hợp tổ chức thi với Sơn La, có một số khó khăn khách quan và chủ quan. Thực tế, Sơn La thành lập Ban chỉ đạo có hơi chậm muộn so với các địa phương khác.

Khó khăn nữa theo ông Thế là do gian lận thi cử năm 2018, nên lực lượng chủ lực cho kỳ thi THPT quốc gia là thanh tra, khảo thí, lãnh đạo Sở đều là những người mới. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch huyện Yên Châu vừa nhận chức Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La trong thời gian rất ngắn.

Nhân lực phòng Khảo thí vừa được điều chuyển từ phòng thanh tra về. Như vậy, phần lớn những người nắm công việc chính tổ chức thi đều chưa kinh qua những kỳ thi lớn nên không phải là những người “thiện chiến”.

Về Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ông Thế khẳng định trường sẽ làm đúng theo quy chế.

Trong hai lần họp ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, ông Thế cho biết cảm nhận chủ quan cho thấy ban chỉ đào thành lập hơi muộn nên họ có vẻ sốt sắng.

Còn tâm lý chung của những thành viên ban chỉ đạo Sơn La đều ổn định, không có xáo trộn vì họ đã là những người kinh qua các công việc khác. Ban chỉ đạo thi của tỉnh điều hành bình thường nhưng cũng rất cầu thị khi nghe ý kiến của các trường để hoàn thành nhiệm vụ.

“Quan điểm của trường là làm ở đâu cũng thế, đảm bảo đúng quy chế, nghiêm túc. Mấy năm qua, trường làm ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc đều cố gắng không xảy ra sai sót. Năm nay làm ở Sơn La thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, không có áp lực”, ông Phùng Gia Thế nói.

Qua sự kiện về Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhà trường cũng quán triệt với những cán bộ, giảng viên đi làm thi tại đây, nhìn vào đó để nghiêm túc hơn nữa.

"Dư luận cũng đang hướng vào địa phương, nên cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, làm rốt ráo đúng quy chế. Còn áp lực về tâm lý thì không có gì căng thẳng. Do làm thi nhiều rồi, câu chuyện Sơn La lại diễn ra tương đối lâu. Hơn nữa tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ giảng viên nên không lo sợ đến mức thái quá. Tinh thần là trường sẵn sàng phối hợp tổ chức thi", ông Thế nói.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn