• Zalo

Những điều chưa kể về Giáo sư Nguyễn Tài Thu

Sức khỏeThứ Hai, 16/10/2017 11:58:00 +07:00Google News

Cả đời gắn bó với cây kim, cứu chữa cho bệnh nhân bằng tấm lòng nhân ái, dành một tình thương yêu đặc biệt cho trẻ con, chưa một lần GS Nguyễn Tài Thu lấy phí của ai.

GS Nguyễn Tài Thu cởi mở, chia sẻ thoải mái trong căn phòng nhỏ dành riêng để tiếp khách giữa các buồng chữa trị cho người bệnh.

Xen giữa khoảng lặng của những câu chuyện buồn là ánh mắt hấp háy niềm vui ông bền bỉ góp nhặt mỗi ngày.

Bao nhiêu năm, nơi làm việc của ông vẫn nằm khiêm nhường tại khu nhà cũ của Bệnh viện Châm cứu Trung Ương.

Xuyên suốt cuộc trò chuyện, ông nhắc về trẻ con với tình yêu thương bao la, về đứa con trai duy nhất ‘thương lắm, yêu lắm’ ra đi mãi khi nhiều ước vọng còn dang dở và về người vợ ‘đến bây giờ vẫn chiều nhau’ của mình.

DSC_0231

 

 - Ở tuổi 86, cuộc sống hiện tại của Giáo sư như thế nào? Thời gian biểu của ông đã thay đổi ra sao kể từ sau khi nghỉ hưu?

Cuộc sống của tôi hiện tại đơn giản lắm. Trong tuần, sáng nào cũng đúng 7 giờ 30 phút có người tới đón, đến viện khoảng 8h, tôi mặc cái áo rồi đi châm cho bọn trẻ con trước, đến khoảng 10 giờ thì lên tầng hai châm cho các cụ.

Khoảng 11 giờ 30 phút, tôi nghỉ ngơi rồi chiều ngồi đọc hay viết. Đến khoảng 17 giờ tôi về nhà, tắm rửa rồi ăn tối với vợ.

Cuộc sống của bao nhiêu năm vẫn thế. Vài ngày tới, tôi có chuyến công tác xa nhà mấy ngày. Tôi đang chuẩn bị tài liệu và viết văn bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung.

1

 

- Có phải ông đến Bệnh viện mỗi ngày vì luôn tìm thấy niềm vui ở đó?

Người ta cứ bảo già thì không làm chứ tôi thấy già mà càng không làm việc thì lại càng dễ sinh ra cáu gắt. Công việc mang lại cho tôi nhiều niềm vui lắm. Khổ nhất là những người không được làm việc.

Ai thì cũng chết thôi nhưng tôi bảo mấy người làm cùng tôi, các cậu đừng tính tôi 86, 87 tuổi, tôi chỉ có 85 tuổi thôi. Các cậu cũng đừng có bảo tôi sắp chết, tôi buồn. Khi nào chết thì tôi khắc hết thôi.

- Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày, Giáo sư vẫn đều đặn tới viện chữa trị cho người bệnh dù khá vất vả. Đây có phải là lựa chọn của ông không?

Đáng nhẽ tôi như người ta thì 60 tuổi là nghỉ hưu rồi. Nhưng tôi bảo thôi cứ để tôi làm, tôi làm đến chết mới thôi. Tôi chết cùng với con.

Tôi vui vì được làm đúng cái mình thích. Tôi có tình thương với bệnh nhân lớn lắm, từ già đến trẻ. Tôi thích chơi với trẻ con. Trẻ con đến với tôi đông lắm, đứa 1-2 tháng cũng có rồi cả những đứa 3-5 tuổi, đều con nhà nghèo.

Hầu như bà đưa đi, bố mẹ chúng nó còn phải đi làm. Tôi để chỗ châm cho trẻ con ở tầng dưới vì trẻ con leo lên leo xuống khó, nhỡ đi lại ngã. Dưới đấy có 9 cái giường, cứ 2 đứa 1 giường.

DSC_0118

GS Nguyễn Tài Thu bên cạnh bức tượng chân dung của mình.

GS Nguyễn Tài Thu sinh ngày 17/9/1930 ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), Hà Nội.

Hiện nay ông đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, viện trưởng Viện Châm cứu Việt Nam, chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (1994-2012).

Năm 1995, GS nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, năm 1999 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Năm 2000 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2005 được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tháng 10/2012, ông được vinh danh là công dân tiêu biểu của Thủ đô.

Sáng nào cũng thế, bọn trẻ đứa nào cũng được phát bánh với sữa. Có đứa ăn luôn, có đứa cầm để dành khi châm xong mới ăn. Tôi bảo các cháu, không được vứt đi đâu nhớ, vứt đi phải tội đấy.

Người lớn thì tôi thương kiểu khác. Vì đã yêu thương mọi người, châm nhẹ nhàng thì làm cho ai cũng nhẹ nhàng cả.

Các cụ tới châm đều trạc tuổi tôi, là bạn đấy thế mà họ lụ khụ đi không được, con cháu phải dìu tới để tôi châm cho. Chúng tôi quý nhau lắm.

Video: Châm cứu tại cơ sở khám chữa bệnh chui, một người chết

Tôi thương yêu trẻ con và người già. Tôi nghĩ mình không xấu được với ai cả.

- Đã bao giờ Giáo sư từ chối làm một điều gì đó khi họ nhờ giúp đỡ chưa?

Cũng có đấy. Nhiều người nhờ lúc đó tôi đang bận làm gì đó, tôi chối rồi lúc sau nghĩ lại, tôi lại giúp họ.

Trái tim và lý trí của tôi rộng rãi lắm, không thù hằn ai bao giờ cả.

- Có khi nào Giáo sư gặp trường hợp bệnh nhi khóc không đồng ý cho ông châm cứu chưa? Khi đó ông đã xử lý như thế nào?

Có những cháu đến khóc nhưng chỉ ê a vài câu rồi nín. Tôi dỗ ‘Này nhanh nhanh chứ không ông lên chữa cho các cụ bây giờ, để người khác châm đấy’, ‘Sao con lại khóc, ông châm cho con nhanh khỏi bệnh mà’, ‘Không được khóc, ông cho ăn bánh, ông cho uống sữa này làm sao mà khóc.

Đau thì khóc cũng được nhưng khóc 1 tý thôi nhớ’… Đấy, tôi cứ dỗ dành bọn trẻ con như vậy.

Nếu đứa nào khóc nhiều quá, ảnh hưởng đến những đứa khác thì cho vào phòng khác, chỉ độ 5-6 đứa. Cách ly thì nó cũng ngoan. Đứa nào tôi cũng quý tôi cũng thương. Cả viện này người ta biết, không ai thương trẻ con bằng Tài Thu.

- Vậy ông có bài học gì cho bố mẹ của trẻ con sau những lần điều trị cho bệnh nhi ở Bệnh viện?

Tôi hay phàn nàn về bố mẹ chúng. Có nhiều bố mẹ thấy con khóc cứ hay quát tháo nó. Tôi bảo ‘Nếu cháu thấy không dỗ được con thì để hàng xóm giữ hộ, cháu đi về đi. Trẻ con nó biết gì mà lại quát nó như thế?’

Các ông bố thì không những quát mà còn đánh con nữa. Tôi bảo ‘Cậu là bố thì được chứ là thầy thuốc thì tôi đuổi. Cậu không được đánh con mà phải nhẹ nhàng với con’.

Nhiều người bảo đến chỗ giáo sư Thu để rèn sự kiên nhẫn của bố mẹ.

- Với các bệnh nhi, kỷ niệm vui- buồn nhất mà ông lưu giữ lại là gì? 

Tôi không thể kể hết kỷ niệm vui buồn được. Vui thì cũng rất vui mà buồn cũng rất buồn. Tôi là người đa sầu đa cảm. Ai xấu với tôi là tôi buồn lắm. Người mẹ nào tới mà quát con là tôi cũng buồn cả ngày. Tôi khác lắm.

DSC_0234

 

- Rất nhiều bệnh nhân bất ngờ khi được Giáo sư chữa bệnh miễn phí. Xuất phát từ đâu mà ông làm như vậy?

Tôi thì tôi nghèo, cũng không có tiền nhưng tôi cũng không lấy tiền của ai bao giờ cả. Tôi lấy tiền của họ để làm gì. Không ai cho tiền tôi được đâu.

Ai mà cho tôi tiền tôi hỏi cho tôi để làm gì? Họ bảo để bác ăn sáng nhưng tôi nhất quyết không nhận. Tôi bảo các ông, các bà có tiền độ một chục, hai chục thì ông bà mua bánh cho các cháu.

Còn không, cứ đến đây với tôi, tôi phát cho mỗi đứa cái bánh hộp sữa, ăn bữa sáng, tôi chữa cho rồi về. 

Tôi là con người không bao giờ tiền nong gì cả, chả bao giờ có tiền mà cũng chả lấy tiền của các cụ. Bao nhiêu năm trời, đến bây giờ tôi vẫn thế. Đây này, bao nhiêu thùng bánh thùng sữa ở kia kìa, để dành cho bọn trẻ con hết.

Ngày xưa còn trẻ, con bé nhà tôi cũng vất vả. Tôi đi chữa bệnh cho người ta, tôi không lấy tiền thì họ lại gửi bánh kẹo cho con mình. Có cái gì ngon họ cũng để dành cho tôi.

IMG (6)

 

- Ông đã truyền lửa nghề cho thế hệ kế tiếp như thế nào?

Tôi dặn những người đi theo học nghề tôi, không được lấy tiền của bệnh nhân.

Nếu lấy tiền, chữa khỏi bệnh được cho người ta thì không sao nhưng chẳng may bệnh người ta không khỏi thì sao? Nhiều đứa đến đây với tôi cũng không có lương đâu.

Nhân vô thập toàn, mỗi đứa có một hoàn cảnh. Tôi chỉ nhẹ nhàng gọi chúng nó đến nói, tôi không cấm bọn chúng chữa bệnh cho người ta, làm ngoài giờ cũng được, lấy một chút người ta bồi dưỡng một tý cũng không sao nhưng không được bóc lột họ.

Họ khổ vì bệnh họ mới tìm tới mình. Muốn làm gì cũng phải có tình có nghĩa.

Đi theo tôi học nghề thì tôi hướng dẫn châm cho bọn trẻ con trước, vì bọn nó hay khóc, giãy giụa, khó làm. Khi châm được thành thạo cho bọn trẻ thì tôi mới hướng dẫn làm cho người lớn.

- Trong cuộc đời cứu người, đã bao giờ ông có cảm giác bất lực vì không cứu được ai đó chưa? Khi đó, cảm giác của ông như thế nào?

Tôi chữa nhiều lắm. Bất lực thì không nhưng khó khăn lắm. Không phải ai châm cũng khỏi được ngay. Có những người ròng rã theo tôi 2 năm mới khỏi.

Nhiều trẻ bị liệt cả 2 chân, có đứa câm, có đứa chậm nói… mấy năm trời vẫn theo tôi đến lúc khỏi thì thôi.

DSC_0211

 

- Công việc bận rộn, đảm đương nhiều chức vụ, làm thế nào để ông cân bằng được mọi thứ trong cuộc sống?

Cũng có những lúc tôi mệt, cũng cáu chứ. Chúng nó cứ bảo bác Thu giỏi nhịn, không nhịn thì cãi nhau với các cậu à?

Cũng có khi 2 cậu không hợp ý nhau, cãi nhau, tôi biết, tôi nghe chuyện từ 2 phía rồi gặp riêng góp ý chứ không nói lúc đó. Sống với tôi mà cứ cãi nhau thì tôi không chịu nổi.

Nếu hễ thấy chuyện gì căng thẳng thì tôi gạt đi, lảng sang chuyện khác luôn. Chứ cứ bắt người ta làm theo thì đời nào người ta chịu. Người ta chẳng làm theo đâu. Nhiều người cứ bảo anh Thu hiền. Tôi bảo ‘Anh không hiền đâu nhưng anh biết điều’.

Cũng có người hỏi sao gặp Tài Thu lúc nào cũng thấy nhẹ nhàng, hỏi tôi bí quyết là gì. Tôi bảo trước khi gặp ai tôi đều tự lấy lại cân bằng rồi mới đi gặp họ.

- Vậy còn việc ăn uống, rèn luyện sức khoẻ cho bản thân, giáo sư làm thế nào?

Tôi ăn uống đơn giản lắm. Tôi không uống rượu, không uống bia, không hút thuốc. Tôi rất thích uống cà phê sữa.

Hầu như ngày nào tôi cũng uống, nếu có thời gian thì uống không có thì thôi. Các em ở đây hỏi tôi muốn ăn uống gì thì tôi không hay ăn đâu, bảo tôi uống thì tôi hay uống cà phê sữa.

Cũng có hôm tôi mệt. Như hôm trước tự nhiên tôi thấy choáng, tôi nhờ mấy đứa ở đây thuỷ châm cho, rồi cũng có hôm đau lưng tôi cũng nhờ bọn nó làm. Trước khi trẻ tôi tự châm cho mình nhưng bây giờ có tuổi rồi tôi không liều. 

Dù vậy, tôi chẳng từ chối cuộc gặp gỡ nào với bạn bè thân thiết. Khác là, chúng tôi thường đi nghe ca nhạc.

DSC_0152

 

- Nhắc đến Giáo sư Nguyễn Tài Thu, người ta thường gọi ông là ‘cây kim vàng’ của ngành châm cứu thế giới hay là ‘thần kim’, ông có thấy vui không?

Tôi vui với chính nghề của tôi. Tôi chọn những cây kim để gắn bó với mình. Những cái kim này giúp bệnh nhân đỡ khổ, rất nhiều người ốm đau lắm mà người ta không khỏi thì gặp tôi, tôi chữa cho lại khoẻ mạnh.  

3

 

- Thế còn với vai trò người cha thì thế nào ạ?

Tôi có 3 đứa con. Thu Hương, Minh Quân và Thu Mai. Cả mấy đứa con đẻ, con rể cũng toàn làm y cả. Chúng nó đều tự theo nghề chứ tôi không bắt ép gì.

Đến ngày 27/2 hàng năm, nhà rộn ràng tiếng cười, vui lắm. Vui thế nhưng tôi vẫn đau đáu buồn khi nghĩ về Minh Quân.

Minh Quân mất từ năm 1990, nếu còn thì cũng đã ngót 50 tuổi rồi. Năm đó, Minh Quân từ Nga về thăm nhà.

Minh Quân xin tôi bố cho con ở đây, con làm với bố, đi theo bố học việc trong thời gian về Việt Nam rồi con lại sang kia học tiếp. Có biết đâu đấy là lần cuối cùng bố con gặp nhau.

Minh Quân đi rồi. Đáng nhẽ tôi đã hạnh phúc biết bao nhiêu.

IMG (5)

 

- Chắc hẳn giữa ông và con trai có rất nhiều kỷ niệm?

Quân là bản nhạc, Minh Quân là bản nhạc hay. Tôi yêu Minh Quân lắm.

Từ bé tới lớn, lúc nào hai bố con cũng đi với nhau. Minh Quân ngoan ngoãn, thông minh, đỗ thủ khoa rồi sang Liên Xô nghiên cứu tiến sỹ.

Khi Minh Quân đi học, tôi nhớ lắm, thỉnh thoảng tôi được sang đó công tác, hai bố con gặp nhau, trò chuyện rất vui vẻ, có chuyện gì Minh Quân cũng nói với tôi.

Bao nhiêu năm Minh Quân nằm xuống, nỗi đau vẫn chưa bao giờ nguôi trong tôi. Lúc nào cũng nghĩ tiếc thương con. 

- Ông còn hai người con gái, ông dồn tình thương yêu cho họ ra sao?

Mỗi đứa con tôi lại yêu theo những cách khác nhau. Thiếu đứa nào là thấy trống vắng, không đứa nào thay thế cho đứa nào được.

Trông tôi thế này mà tôi khổ cả đời, giờ vẫn khổ. Bây giờ nhà cũng chỉ có hai vợ chồng thôi, hai đứa con gái đi lấy chồng cũng không ở cùng.

2

 

- Cuộc sống của ông với vợ hiện tại như thế nào?

Nhà tôi năm nay cũng đã 82 tuổi rồi. Bà trước đẹp lắm, thông minh lắm, nữ sinh Hà Nội mà. Hồi đó, tôi đến nhà anh bạn gần nhà chơi rồi gặp bà ý, ấn tượng thế rồi yêu nhau.

Tôi sợ nhất người phụ nữ lắm điều. Bà nhà tôi không thế đâu. Tôi với bà yêu nhau, chiều nhau. Đến bây giờ vẫn chiều nhau lắm.

Vợ chồng chung sống với nhau bao nhiêu năm, nhiều khi cũng giận hờn chứ. Mình phải biết điều hoà, người nào cũng cá nhân thì không được đâu.

Khi tôi không bằng lòng bà cái gì, tôi cũng không nói. Nói ra thì bà cũng không vui mà cũng chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Tôi cứ nín lặng làm thôi chứ không nói năng gì.

- Giáo sư 'nổi tiếng' là người chiều vợ. Tự bản thân mình, ông thấy nó được thể hiện như thế nào?

Ở với nhau bao nhiêu năm trời hiểu hết về nhau, biết được những sở thích nhỏ nhất của người ta. Những cái bà ấy thích mà tôi không thích thì tôi vẫn làm để bà ấy vui.

Ví dụ, bà không thích nhà quê đâu. Hôm nào về quê, tôi bảo thôi bà cứ ở nhà đi, nếu không muốn đi thì thôi, chứ về quê lại không vui.

Hoặc nhiều khi tôi đưa bạn về, nhờ và làm cho tôi bữa cơm đãi bạn, bà cũng vui vẻ thôi. Nhưng nếu lúc nào bà không thích thì tôi không đưa bạn về nhà nữa.

DSC_0213

 

Bà đi dậy, tôi thì đi làm thầy thuốc. Cuộc sống khi đó bận rộn nhưng tôi cũng hay đưa bà đi xem ca nhạc lắm. Con gái Hà Nội lấy ông nhà quê thì mình cũng phải để bà được thưởng thức những cái như thế chứ.

Bao nhiêu năm đi làm, có bao nhiêu tiền lương tôi để bà ý giữ hết. Lương hưu bây giờ cũng gửi con gái Thu Hương đưa cho mẹ. Tôi chưa bao giờ ngửa tay xin tiền vợ.

- Nghỉ hưu rồi vẫn đi làm, Giáo sư có sợ làm vợ buồn không?

Bà nhiều bạn lắm nên chẳng buồn đâu, toàn bạn nửa thế kỷ rồi. Có những hôm hội bạn bà đi chơi, bà rủ tôi đi cùng mà tôi từ chối ‘Bà đi với các chị cho vui chứ có thêm tôi lại không tiện’.

Trước chưa về hưu ngày ăn với nhau được bữa cơm tối. Bây giờ về hưu cũng vẫn thế.

Hằng ngày, tôi đi làm, bà đi chơi với hội bạn, có người dẫn đi. Không có bạn thì chết, tôi cũng thế nên tôi để bà thoải mái lắm.

- Ông mong muốn gì trong cuộc sống của hai vợ chồng?

Tôi muốn cuộc đời phía trước yên ổn, vợ chồng già rồi thì ốm đau ít thôi, ốm nhẹ. Giàu thì mình chẳng có tiền bao giờ mà giàu, cuộc sống đều đều là được rồi.

DSC_0192

 

- Cái tên Tài Thu đã gắn bó với sự nghiệp của ông như thế nào?

Tôi cảm thấy vinh dự được bố đặt cho cái tên ‘Thu’. Ngày xưa mọi người cứ hay nói ‘Thu’ là mùa thu rồi sau này người ta bảo ‘Thu’ là thu được tài. ‘Tài Thu’ là thu tài về mình.

- Ông nghĩ mình làm tốt nhất và tìm thấy nhiều niềm vui nhất với vai trò gì? Người chồng, người cha, người thầy thuốc hay là nhà quản lý?

Thầy thuốc, điều tôi quý nhất. Vì cái đó mình làm được cho người ta đỡ khổ. 

- Hơn 60 năm làm việc tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, ông thấy mình được gì nhất và nuối tiếc nhất điều gì?

Tri thức là thứ tôi có được nhiều nhất. Bây giờ tôi ngồi làm được như thế này là do tri thức mang lại. Có phải tự nhiên mà mình có được đâu.

Lúc đi bộ đội chỉ đi học bác sĩ thôi. Rồi dần dần tôi tự mày mò, học hỏi trau dồi. Vừa công tác tôi vừa truyền lại tri thức của mình cho thế hệ trẻ.

Ngoài ra, điều tôi nhận được còn là tình thương. Tôi luôn nghĩ mình cho đi tình yêu thương thì cũng sẽ nhận lại được tình yêu thương. 

Còn tôi chẳng có điều gì nuối tiếc cả.

Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

(Nguồn: giadinhmoi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn