• Zalo

Giáo sư Mỹ: Cần công khai những sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông

Thế giớiThứ Ba, 12/11/2019 06:39:00 +07:00Google News

Những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây tác động xấu đến toàn khu vực và Việt Nam cần có thái độ rõ ràng trong vấn đề này.

 Đây là khuyến nghị được Giáo sư John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland, Mỹ, đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành vi làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông gây mất an toàn, an ninh trong khu vực.

john_rennie_short_vrwl

 

Nêu cao tính chính nghĩa

Theo Giáo sư Short, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy việc truyền bá quan điểm đúng đắn trong việc xử lý vấn đề Biển Đông ra khắp thế giới: “Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ và có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của nước này ra khắp khu vực và trên toàn thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực”.

Cũng theo Giáo sư Short, trong thời gian qua, các nước ASEAN đã có sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn không chỉ về chính trị mà còn cả thương mại, kinh tế, xã hội và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược nội khối, điều này có đóng góp không nhỏ của Việt Nam, nước sẽ nắm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Giáo sư Short bày tỏ tin tưởng, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thành công trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới những vấn đề “nóng” cũng như giúp ASEAN có được chính sách chung để giải quyết những vấn đề này.

Vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và tôi tin chắc rằng, Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy giải quyết những vấn đề trong khu vực có tác động tới Việt Nam và các quốc gia trong khối vì lợi ích chung. Việt Nam cần nêu bật được khả năng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Short nhấn mạnh.

Những thách thức cần vượt qua

Tuy nhiên, theo Giáo sư Short, để làm được điều này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó có việc Trung Quốc sẽ “ỷ vào sức mạnh của mình” để tiếp tục gây sức ép với Việt Nam và các nước trong khu vực trong vấn đề Biển Đông buộc các nước phải chấp thuận yêu sách của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho là “không quan tâm gì đến lý lẽ” khi đơn phương thực thi những hành vi sai trái ở Biển Đông trong suốt thời gian qua, như việc liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Điều này xuất phát từ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và nước này luôn tự tin vào sức mạnh về quân sự của mình so với các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông bởi vùng biển này không chỉ có ý nghĩa chiến lược về địa chính trị mà còn có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào phục vụ cho “cơn khát dầu” đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Một thách thức khác được Giáo sư Short chỉ ra đó là, trong nhiều năm qua, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai quốc gia này. Chỉ trong vài năm trở lại đây, thế giới mới bắt đầu quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong đó có Việt Nam, Philippines hay Indonesia.

Chính vì thế, Giáo sư Short nhắc lại quan điểm rằng, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế.

Không nhiều người Mỹ biết đến quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông so với những gì họ có thể tiếp cận được từ Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, điều này sẽ thay đổi khi mà Việt Nam đang ngày càng chủ động hơn trong việc truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới để nhận được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế”, ông Short nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Short, một khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng của mình bởi khi đó, các nước trong khu vực và trên thế giới chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt hơn khiến Trung Quốc ít nhiều phải chùn bước.

Trần Khánh-Hùng Cường/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn