Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2021. Không chỉ dành được nhiều quan tâm của người dân Việt Nam, sự kiện này còn thu hút được chú ý của giới học giả quốc tế, đặc biệt là những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia.
Phóng viên VOV thường trú tại Australia đã có cuộc phỏng vấn với giáo sư Carl Thayer về sự kiện trọng đại này.
- Cảm ơn Giáo sư Carl Thayer đã nhận lời trả lời phỏng vấn của VOV. Như ông đã biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII của Việt Nam sẽ khai mạc trong những ngày tới, vậy ông đánh giá như thế nào về đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam tới sự phát triển của Việt Nam trong 5 năm qua?
Điều đầu tiên mà tôi phải đề cập đó là Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp giữ vững sự ổn định chính cho Việt Nam. Điều này dường như có vẻ gây ngạc nhiên đối với người dân Việt Nam song nếu nhìn sang các quốc gia khác như Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines...thì sẽ thấy ngay Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp đảm bảo sự ổn định chính trị tại Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng kế hoạch chiến lược lâu dài cho hoạt động đối ngoại và phát triển kinh tế. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thường xuyên đạt 6%, là tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong nhóm các quốc gia đang phát triển. Điều quan trọng hơn và khó khăn hơn đối với Việt Nam là bảo vệ lợi ích quốc gia trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Rõ ràng là Việt Nam không thể chấm dứt những hành động của Trung Quốc nhưng Việt Nam đã không để mất lãnh thổ....Và điều cuối cùng là chính sách đối ngoại đã giúp Việt Nam giữ mối quan hệ cân bằng với các cường quốc.”
- Vậy theo ông điều gì khiến cho Đảng Cộng sản giữ vững được vai trò lãnh đạo tại Việt Nam trong nhiều năm qua?
Điều quan trọng nhất là vào năm 1986, Đại hội Đảng đã đưa ra định hướng đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Và điều gì đã xảy ra? Việt Nam phát triển nhanh chóng. Số lượng người Việt Nam rời khỏi đất nước vì lý do kinh tế ngày càng giảm. Ngày nay, họ ra nước ngoài để học tập. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam đã phát triển lành mạnh, tình trạng đói nghèo giảm mạnh.
Mặc dù còn nhiều điều cần tiếp tục nỗ lực song rõ ràng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được gia tăng mạnh mẽ. Quốc gia như Australia từng rất khó khăn để được đề cử làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ, trong khi đó Việt Nam đảm nhiệm cương vị này 2 lần vào năm 2008 và 2020. Việt Nam được các quốc gia Châu Á là thành viên của LHQ lựa chọn làm đại diện và Việt Nam đã 2 lần trúng cử cho vị trí này. Đây là kết quả mà Việt Nam đã đạt được.
Việc Hà Nội được chọn là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 cũng vậy. Cuối cùng đó là vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng COVID-19 mà không ai có thể dự đoán, không ai biết phải làm thế nào thì Việt Nam đã thành công trong việc kêu gọi mọi người đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội. Việt Nam phải đóng cửa biên giới và dịch bệnh tác động tới nền kinh tế Việt Nam nhưng rõ ràng không nghiêm trọng như các nước láng giềng. Việt Nam dường như sắp thoát khỏi dịch bệnh trong lúc thế giới hàng ngày vẫn phải vật lộn với các điểm nóng.
Rõ ràng là các nhà lãnh đạo Việt Nam tự tin khi đưa ra chương trình kiểm soát dịch bệnh, minh bạch hóa thông tin và nhận được sự ủng hộ của người dân và hiện đang tiến để giai đoạn phục hồi và phát triển trong vòng 5 năm tới.
- Thưa giáo sư Carl Thayer, theo ông, Đại hội đảng lần thứ XIII tác động như thế nào đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai?
Đại hội Đảng sẽ xem xét lại kế hoạch đã được dự thảo để tạo ra sự ổn định và thịnh vượng cho Việt Nam. Như vậy, việc thay đổi các nhà lãnh đạo, ứng phó với COVID-19, phục hồi nền kinh tế và xử lý mối quan hệ với các nước lớn không chỉ là những vấn đề lớn được thảo luận tại Đại hội Đảng mà còn là những vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam chèo lái thành công thì Việt Nam sẽ lại tiếp tục phát triển và tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam từ quốc gia có mức thu nhập thấp lên quốc gia có mức thu nhập cao hơn trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.
Trân trọng cảm ơn giáo sư!
Bình luận