Chỉ khoảng 2 tuần trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và chẩn đoán hơn 300 bệnh nhi bị bệnh cảm cúm khi đến bệnh viện. Một phần ba trong số đó phải nhập viện điều trị.
Những triệu chứng phổ biến của bệnh cúm là bệnh nhân sẽ sốt cao, sốt cao liên tục 39-40 độ, không tự cắt cơn sốt với thuốc hạ sốt. Ngoài ra, còn cả viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho, đau rát họng.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhi khi khám phát hiện họng viêm đỏ rất rõ, một số còn viêm phế quản.
Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thông thường bệnh cúm ở trẻ sẽ tự khỏi sau khoảng từ 3 - 5 ngày, không nhất thiết phải nhập viện điều trị.
Gia đình có thể sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà, nhưng chỉ dùng thuốc paracetamol, và chỉ dùng các loại thuốc khác khi có chỉ định của nhân viên y tế.
Trong điều trị cảm cúm cho trẻ, nhất thiết không sử dụng kháng sinh cho trẻ nếu trẻ không bị bội nhiễm vi khuẩn để tránh khả năng kháng kháng sinh có thể xảy ra, Ths. BS Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, gia đình cần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Cần vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý thường xuyên để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.
Video: Phân biệt cảm cúm khác cảm lạnh ra sao, chữa bệnh cho đúng?
Đối với thuốc Oseltamivir mà không ít gia đình thường sử dụng để điều trị cúm cho trẻ được các bác sĩ khuyến cáo không cần thiết sử dụng để điều trị trong những trường hợp cúm mùa thông thường mà chỉ dùng trong trường hợp cảm cúm nặng
Ngoài ra, nhằm hạn chế các tiếp xúc và lây truyền chéo, không cần quá nhiều người thăm nom nếu trẻ phải nằm viện. Điều này có thể mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang virus cúm ra ngoài cộng đồng.
Khi trẻ có dấu hiệu viêm phổi do cúm gây ra. hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó, cần đưa trẻ tới ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để có thể khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Bình luận