• Zalo

Giao lưu trực tuyến: Công nghệ thông tin ứng dụng vào lĩnh vực y tế

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 05/02/2018 14:07:00 +07:00Google News

Từ 9h sáng 6/2/2018, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến nhằm giới thiệu các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) ứng dụng trong các bệnh viện của công ty iNext Technology.

Độc giả Phan Hùng (47 tuổi – Hải Dương): Có những quỹ hay tổ chức nào hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Về câu hỏi này, tôi sẽ chia sẻ về cách thức mà các bạn làm khởi nghiệp cần thực hiện.

Nếu bạn là doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng, thì trước tiên bạn cần một người tư vấn, hướng dẫn, mà chúng tôi gọi là ‘mentor’. Mentor đó sẽ gợi ý cho bạn về các quỹ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo tôi được biết thì hiện nay, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có rất nhiều. Về đội ngũ mentor, có một tổ chức là VMI (Vietnam Mentors Initiative), quy tụ các chuyên gia tư vấn, các mentor khi được kết nối sẽ tư vấn chi tiết cụ thể cho bạn từ khâu ý tưởng, đến các bước thực hiện như thế nào.

Ngoài ra, còn có các đơn vị co-working space, vườn ươm,… chẳng hạn như BK Holdings là vườn ươm tư vấn về công nghệ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ tại Hà Nội, lĩnh vực IoT (Internet of Things – công nghệ kết nối vạn vật) thì có đơn vị IoT Galaxy, trong TP. HCM cũng có rất nhiều đơn vị…

Tuy thế, theo tôi đánh giá thì thực trạng khởi nghiệp của chúng ta hiện nay là doanh nghiệp, startup chưa tới giai đoạn tiếp cận với quỹ đầu tư lớn.

Các bạn trẻ khởi nghiệp chủ yếu ở giai đoạn pre-seeding, seeding. Họ nên tiếp cận các nhà đầu tư thiên thần, có thể từ những người cùng ngành, hoặc có tổ chức iAngel quy tụ rất nhiều nhà đầu tư thiên thần. Theo tôi, từ đây các bạn làm khởi nghiệp sẽ tìm thấy cơ hội phù hợp với mình.

Độc giả Minh Lợi (40 tuổi – Nam Định): Để công ty iNEXT phát triển rộng hơn tại Việt Nam, cụ thể là triển khai tại các bệnh viện ở Miền Bắc, giúp các bệnh nhân được tiếp cận và hưởng lợi từ công nghệ cao này, theo ông iNEXT cần thêm các yếu tố gì?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, iNEXT có thể tiếp cận giải pháp cho các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, họ cần mô hình liên kết với các đơn vị cung cấp giải pháp về HIS cho các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh.

Đi theo hướng tiếp cận về các cộng đồng, nhóm, để các đơn vị nhận thức và thấy được ích lợi của công nghệ.

Về trang tương tác trên cổng thông tin của chúng tôi thì có một số lượng lớn các bác sĩ tham gia, nếu iNEXT tham gia Ecomedic thì sẽ có sự hỗ trợ thì tương tác với những người làm việc tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, chẳng hạn như trong miền bắc. Bởi vì các đơn vị làm về y tế thì không có đủ nguồn lực để phát triển hệ thống PACS riêng, do đó, theo tôi, việc liên kết, kết nối cùng phát triển là rất cần thiết.

Độc giả Hương Anh (28 tuổi – Hải Phòng): Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Đối với việc khởi nghiệp, không nên nóng vội. Các bạn trẻ thường có rất nhiều nhiệt huyết để vượt qua khó khăn, tuy nhiên về mặt kinh nghiệm để tạo ra một sản phẩm mới mang tính đột phá thì còn thiếu và tiềm lực tài chính để duy trì một doanh nghiệp trong vòng 3 năm cũng chưa đủ.

Vì vậy, khi khởi nghiệp không nên nóng vội. Các bạn trẻ nên tích lũy kinh nghiệm, khả năng tài chính bằng việc đi làm từ ở những vị trí chuyên môn cho tới cấp quản lý, sau đó mới bắt đầu khởi nghiệp.

Độc giả Đức Dũng (36 tuổi – Nghệ An): Sắp tới ông dự kiến sản phẩm sẽ tập trung vào thị trường và đối tượng như thế nào? Kỳ vọng về sản phẩm trong thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Sắp tới, sản phẩm vẫn tập trung vào thị trường Việt Nam (trong vòng 3 năm tới), sau đó sẽ mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, thị trường nước ngoài, thị trường tập trung vào bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế tại Việt Nam.

Kỳ vọng về sản phẩm trong thời gian tới là phát triển sản phẩm theo hướng liên thông dữ liệu bệnh nhân giữa các bệnh viện nhằm góp phần tạo nên hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần giảm thiểu quá tải ngành y tế, thực hiện mục tiêu quốc gia về y tế thông minh và chính phủ thông minh.

Độc giả Tuyết Mai (50 tuổi – Hà Nội): Hiện nay, các sáng chế của người Việt phục vụ lĩnh vực Y tế có đa dạng? Cộng đồng biết đến và đón nhận nó như thế nào?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Nếu sử dụng cụm từ ‘giải pháp hữu ích’ hay ‘sáng chế’ thì tôi thấy chưa chính xác lắm. Hiện nay thì, theo tôi, các giải pháp hữu ích hay sáng chế của Việt Nam thực ra không nhiều, do có rào cản về nhiều phương diện, nhất là nó ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề sức khỏe của người dân.

Đơn cử như việc nghiên cứu và đưa ra một loại thuốc mới, việc này đòi hỏi sự kiểm nghiệm rất lâu dài và tốn kém. Do đó, các doanh nghiệp tham gia đòi hỏi phải có nguồn đầu tư rất lớn.

Thực tế hiện nay, Việt Nam áp dụng các giải pháp ở trên thế giới nhiều hơn. Những đơn vị như iNEXT khá ít ỏi, hệ sinh thái thì chưa đa dạng, vì những khó khăn tôi đã chia sẻ.

Đối với vấn đề đón nhận của cộng đồng, tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí căn bản như chất lượng, giá thành,… thì cộng đồng sẽ đón nhận thôi.

Độc giả Hòa Anh (30 tuổi – TP.HCM): Hiện nay iNEXT có được sự hợp tác đầu tư từ các cơ quan, đơn vị nào?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Hiện nay, iNext có sự đầu tư về mặt khoa học công nghệ của ĐH Bách Khoa TP.HCM, Sở KH-CN TP.HCM và Bộ Công Thương.

Độc giả Quốc Phong (41 tuổi – Long An): Liệu sản phẩm này có đáp ứng nhu cầu của đông đảo bệnh nhân trong nước? So sánh với sản phẩm nhập ngoại?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Sản phẩm này có thể đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bệnh nhân trong nước. Một trong những ưu điểm dành cho bệnh nhân đó là hệ thống này có thể số hóa dữ liệu của bệnh nhân, người bệnh không phải di chuyển đến các bệnh viện hạt nhân để thực hiện chẩn đoán như X-quang, CT, MRI mà có thể thực hiện chẩn đoán từ xa ngay tại các tuyến y tế cơ sở.

Hiện nay có những sản phẩm PACS của nước ngoài như sản phẩm của General Electrics của Mỹ, Siemens của Đức, Infinitt PACS của Hàn Quốc, Carestream PACS của Mỹ… thì sản phẩm BKPACS có chi phí bằng 1/3 so với các sản phẩm tương tự của nước ngoài. Do đội ngũ kỹ sư tạo ra BKPACS tại Việt Nam nên có thể tinh chỉnh sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu các bệnh viện trong nước.

giaoluu-7 10

 

Tuy nhiên, nước ngoài còn có những sản phẩm chuyên dụng cho chẩn đoán hình ảnh đi kèm với PACS mà Việt Nam cần phải đầu tư nghiên cứu thêm thì mới có thể tạo ra được.

Độc giả Đức Cường (39 tuổi – TP.HCM): Theo ông, những yếu tố nào quyết định sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) muốn thành công cần đến rất nhiều yếu tố cá nhân, đặc biệt, phải dựa vào kinh nghiệp của người làm khởi nghiệp. Và trong từng lĩnh vực ngành, chúng ta lại có các yếu tố khác nhau quyết định đến sự thành công này.

Trong quá trình tìm hiểu về khởi nghiệp nói chung, bản thân tôi rút ra được một số yếu tố quyết định như sau.

Thứ nhất, sản phẩm doanh nghiệp làm ra có đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hay không. Thứ hai, đội ngũ trong doanh nghiệp khởi nghiệp có ‘đúng’ người hay không. ‘Đúng’ người ở đây là gì: có một đội ngũ nhân lực tốt, có thể bổ trợ lẫn nhau, bởi nếu không có sự đồng lòng, chung sức thì rất khó làm khởi nghiệp.

Thứ ba, về vấn đề tài chính. Có những DNKN thì không có sự sống sót đủ lâu để thị trường biết đến sản phẩm thì đã dừng hoạt động do vấn đề tài chính.

Thứ tư, doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, có định hướng.

Cuối cùng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gì so với sản phẩm đang có trên thị trường, phải có yếu tố sáng tạo, yếu tố mới khi mà DN đưa sản phẩm ra tiếp cận thị trường.

Thực sự, trong lĩnh vực y tế, để làm được khởi nghiệp, tôi cho rằng mức độ hiểu về nghiệp vụ ngành cực kì quan trọng. Thị trường về y tế đến từ 2 phía: người sử dụng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Do đó, khởi nghiệp trong y tế không chỉ cần có sự hiểu biết đơn vị cung cấp dịch vụ, mà còn cần tới sự hiểu biết của người dân, đây là một điểm khó của các đơn vị làm khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế.

Độc giả Quỳnh Như (28 tuổi – Thái Nguyên): Theo ông, tiềm năng phát triển của iNEXT nói riêng và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST) trong Y tế nói chung tại thị trường Việt Nam như thế nào? Và rộng hơn là ra quốc tế ra sao? 

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Thực sự, nếu nói về các công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa được nhiều, nên đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp như iNEXT. Có lợi thế là bởi, như tôi đã chia sẻ, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này chưa nhiều, vì vậy doanh nghiệp có một khoảng ‘đất’ rộng để hoạt động.

Tuy nhiên, đó cũng là một điểm bất lợi của doanh nghiệp, khi mà chúng ta chưa có một cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế đủ lớn để tạo thành sự ảnh hưởng đến nền kinh tế.

giaoluu-6 9

"Trên bình diện quốc tế, ở Mỹ và ở Nhật, công nghệ PACS rất phát triển".

Chính tôi cũng đã có 1 thời gian làm việc trong lĩnh vực y tế, tôi cho rằng iNEXT rất có tiềm năng.

Nhưng, hệ thống PACS khá đắt đỏ, đa phần xuất phát từ nước ngoài. Với giá thành cao như vậy, các đơn vị y tế nhỏ nhưng có nhu cầu sử dụng thì họ sẽ không có đủ chi phí. Nếu iNEXT có thể cung cấp đại trà hệ thống này cho các cơ sở y tế nhỏ như vậy thì đó là ‘cánh cửa’ để đơn vị này phát triển.

Hoặc, đơn vị có thể cloud hóa hệ thống, đó cũng là một dạng tiềm năng. Như vậy, người sử dụng thay vì phải mua cả 1 hệ thống, họ chỉ cần trả tiền hàng tháng là đủ rồi.

Trên bình diện quốc tế, ở Mỹ và ở Nhật, công nghệ PACS rất phát triển. Tôi không có nhận xét gì cả. Nhưng tiềm năng ở Việt Nam thì có và thậm chí có thể mở rộng hơn nữa.

Ngoài ra, liên quan về dịch vụ Video Conference Bách Khoa của iNEXT, có tương đối nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ như thế, sẽ có sự cạnh tranh nhất định.

Mặt khác, hiện nay, một cách làm cũ là việc chụp và tráng phim thì bất tiện và đắt đỏ, nếu có thể số hóa toàn bộ dữ liệu chụp chiếu như PACS thì có thể tiết kiệm về tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong cơ sở y tế, thì đó cũng là một tiềm năng mà doanh nghiệp có thể hoạt động.

Độc giả Anh Quân (32 tuổi – Huế): Hiện nay iNEXT TECHNOLOGY đã cung cấp đến các bệnh viện nào? Phản hồi của khách hàng về sản phẩm?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Hiện nay, hệ thống iNext Technology đã cung cấp đến 14 bệnh viện toàn tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (1.600 giường), Bệnh viện Thống Nhất (1.000 giường), Bệnh viện quận Thủ Đức (Bệnh viện tiên phong ứng dụng bệnh án điện tử của Bộ Y tế), hệ thống y tế Medic Hòa Hảo (bệnh viện Medic Hòa Hảo TP.HCM, Medic Cần Thơ, Bệnh viện Bình An, Kiên Giang, Medic Cà Mau), Bệnh viện đa khoa Vinh – Nghệ An, Bệnh viện Triều An…

Sản phẩm BKPACS đã được Bộ Y tế thẩm định và công nhận đáp ứng tốt nhu cầu chuyên môn phục vụ tốt cho công tác chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.

Phản hồi của bệnh viện là ứng dụng sản phẩm BKPACS vào hoạt động giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán cho bệnh nhân và tăng cường hiệu quả công tác chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.

Độc giả Nguyễn Trâm (50 tuổi – Thái Nguyên): Thưa ông, những đối tượng khách hàng nào có thể sử dụng hệ thống này? Cơ chế hoạt động của nó ra sao?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Cơ chế hoạt động là hệ thống PACS sẽ kết nối với hệ thống quản lý của bệnh viện để lấy thông tin, dữ liệu của bệnh nhân, sau đó kết nối trực tiếp với các hệ thống hình ảnh như X-quang, CT, MRI để thu thập và lưu trữ hình ảnh.

Từ đây, hệ thống BKPACS sẽ cung cấp các hình ảnh này cho các máy tính, máy tính bảng, smartphone thông qua mạng nội bộ bệnh viện hoặc mạng internet để các bác sĩ có thể thực hiện các chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

giaoluu-5 8

Ông Nguyễn Chí Ngọc: "Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, vấn đề cốt lõi là sản phẩm". 

Độc giả Thế Hùng (37 tuổi – Lạng Sơn): Những khó khăn gì mà ông và các đồng nghiệp đã gặp phải trong quá trình khởi nghiệp ?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Công ty iNext Technology được thành lập tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, các thành viên sáng lập là giảng viên tại trường. Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, vấn đề cốt lõi là sản phẩm.

Để tạo ra một sản phẩm có khả năng bùng nổ ra thị trường thì cần phải có thời gian ươm tạo lâu. Để vượt qua những khó khăn này cần phải có định hướng về kinh tế kỹ thuật (phải nhìn thấy được nhu cầu xã hội là 7 – 8 năm sau), sự kiên trì trong nghiên cứu, chú ý tới việc xây dựng quan hệ để các cơ quan chức năng, xã hội cùng hỗ trợ trong việc tiếp nhận sản phẩm.

Độc giả Đình Tiến (42 tuổi – Bắc Ninh): Là Founder & CEO của Hệ sinh thái Y tế đầu tiên tại Việt Nam, ông có thể cho biết chức năng và lợi ích mà hệ sinh thái của ông mang đến cho cộng đồng? Và iNEXT có thể tham gia vào hệ sinh thái này như thế nào?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Trong hệ sinh thái khởi nghiệp chung, lại có nhiều hệ sinh thái đơn vị ngành nhỏ hơn như: khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, y tế, nông nghiệp,…

Về mặt lợi ích, tôi cho rằng chúng ta cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp y tế. Bởi một lẽ, hiện nay, mỗi công ty đang cung cấp một mảng dịch vụ nhất định đến ngành y tế như: có công ty chuyên cung cấp nội dung số, có công ty chuyên cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện, dược phẩm, nhà thuốc,…

giaoluu-4 7

"Nhiệm vụ quan trọng nhất của 1 hệ sinh thái y tế, là sự kết nối và tạo nền tảng để cùng nhau cung cấp dịch vụ cho khách hàng". 

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có một giải pháp tổng thể cho lĩnh vực này. Để khi các bệnh viện, cơ sở y tế tham gia vào hệ sinh thái, có nhu cầu sử dụng dịch vụ, họ có sự tham khảo, đối chiếu giữa các mô hình dịch vụ do các doanh nghiệp khác nhau cung cấp.

Theo tôi, điểm quan trọng nhất của việc làm này đó là ứng dụng được nền kinh tế chia sẻ. Các công ty trong hệ sinh thái sẽ có sự liên kết chặt chẽ, kết nối. Thông tin được lấy từ phía khách hàng đến công ty cung cấp dịch vụ.

Như vậy, các công ty có thể cùng chia sẻ lợi ích, trao đổi dữ liệu cho nhau, cùng nhau phục vụ khách hàng ở nhiều khía cạnh khác nhau. Doanh nghiệp tham gia và cả người dân đều được hưởng lợi từ mặt này.

Còn về chức năng của 1 hệ sinh thái y tế, theo tôi nhiệm vụ quan trọng nhất là sự kết nối và tạo nền tảng để cùng nhau cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái y tế còn có thể góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thay vì có bệnh mới đi khám, thì giờ đây, người dân sẽ chuyển sang phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, hơn chữa bệnh.

Độc giả Trường Giang (40 tuổi – Đà Nẵng): Thưa ông, iNEXT TECHNOLOGY đã được cộng đồng ghi nhận qua các giải thưởng gì? Và tác dụng của nó tới hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Chúng tôi đã giành được: Giải thưởng nhân tài đất Việt trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2014; Giải thưởng công nghệ thông tin và truyền thông Đông Nam Á của Bộ TT-TT 10 nước Đông Nam Á năm 2015; Giải thưởng Techmart của Bộ KH-CN năm 2015; Giải thưởng Tự hào Lao động Trí tuệ Việt Nam của Tổng Liên đoàn Lao động năm 2016-2017.

Những giải thưởng này góp phần quảng bá sản phẩm công ty đến các bệnh viện và các cơ quan chức năng, đến người dân, góp phần thay đổi tư duy của người dân về việc chẩn đoán X-quang, CT, MRI không cần dùng phim. 

Độc giả Phương Lan (42 tuổi – Phú Thọ): Những ưu điểm của Hệ Thống PACS Server này là gì? Những lợi ích mà nó mang lại cho khách hàng?

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Ưu điểm thứ nhất của sản phẩm là thời gian đáp ứng nhanh. Ưu điểm thứ 2 là khi sử dụng hình ảnh số thì hỗ trợ tốt hơn cho việc chẩn đoán và điều trị do có thể ứng dụng được các thuật xử lý số trên hình ảnh.

Ưu điểm thứ 3 là giảm chi phí khám bệnh cho bệnh nhân và tiết kiệm cho bảo hiểm do không phải in phim. Ước lượng hiện nay của BHXH Việt Nam, mỗi năm phải chi 1.000 tỷ đồng cho tiền phim. Nếu đầu tư sản phẩm này thì sẽ giảm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Ưu điểm thứ 4 là giải quyết được vấn đề môi trường do phim X-quang thải ra môi trường (bởi phim X-quang làm bằng vật liệu nilon chuyên dụng, có in tráng thủy ngân nên thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nặng vì rất lâu sau mới có thể phân hủy được).

giaoluu-3 6

Ông Nguyễn Chí Ngọc: Việc sử dụng phim X-quang truyền thống có nhiều nhược điểm.

Độc giả Nam Anh (33 tuổi – Hà Nội): Ông có thể cho biết những cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và đối với khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Theo tôi, những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay có 2 điểm chính:

Thứ nhất, đó là hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia trên mọi lĩnh vực, đó là đề án 844 của Chính phủ, mà chúng ta có thể thấy thông qua Ngày hội khởi nghiệp TECHFEST 11/2017. TECHFEST 2017 đã thành công, trở thành cầu nối kết nối doanh nghiệp đầu tư với hệ sinh thái khởi nghiệp, các startup tham gia hệ sinh thái này.

Thứ hai, đó là phía các cơ quan Nhà nước cũng đang có những thay đổi mới. Theo tôi được biết, Nhà nước dự định thành lập quỹ đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhằm giúp cho các doanh nghiệp ĐMST có sự tiếp cận về nguồn vốn, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, Bộ Y tế, Bộ KHCN,…

Tuy nhiên, đây vẫn là thông tin chưa chính thức, nhưng trong tương lai sẽ được thực hiện.

Độc giả Hiếu Hà (50 tuổi – TP.HCM): Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ này có ưu điểm, lợi thế gì so với các lĩnh vực khác hiện nay?

Ông Nguyễn Tuấn Anh (Founder & CEO Công ty Cổ phần Giải pháp y tế thông minh Ecomedic): Ưu điểm hay lợi thế thì không có, mà khó khăn hơn nhiều so với lĩnh vực khác như nông nghiệp hay công nghệ thông tin.

Vấn đề liên quan đến nghiệp vụ ngành, nó khá nhạy cảm vì vấn đề về marketing quảng cáo y tế phải rất tinh tế. Khối ngành y tế không thể quảng cáo thu hút như ngành dịch vụ, nó nhạy cảm về khía cạnh đạo đức. Ngay trong các đơn vị khởi nghiệp y tế cũng khó khăn về marketing.

giaoluu-2 5

 Ông Nguyễn Tuấn Anh trả lời phỏng vấn độc giả VTC News.

Khó khăn cả về nhận thức, tiếp cận, xu hướng chăm sóc y tế mới. Sự dịch chuyển của thị trường chậm hơn so với ngành và lĩnh vực khác.

Việc thay đổi nhận thức còn cần phải đến từ khối bác sĩ, dược sĩ, do đó, khó khăn hơn.

Ưu điểm duy nhất, theo tôi, thị trường này vẫn chưa mạnh, còn tương đối mở. Thị trường vẫn chưa có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, nên vẫn còn ‘đất’ cho các doanh nghiệp phát triển.

Năm nay 2018 sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp do có những cú hích từ đề án 844 đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, do đó các y bác sĩ sẽ quan tâm nhiều hơn.

Vừa qua tôi có tham dự 1 CLB khởi nghiệp trong ngành y tế ở TPHCM, nhận thấy nhận thức của mọi người đã thay đổi hơn so với trước đây.

Độc giả Quỳnh Hoa (35 tuổi –Quảng Ninh): Thưa ông, lý do gì khiến ông quyết định nghiên cứu và cho ra đời Hệ Thống PACS Server cho Y tế ứng dụng trong chẩn đoán hình ảnh?

Ông Nguyễn Chí Ngọc (Founder & CEO iNextTechnology): Việc nghiên cứu đã được tiến hành tại trường ĐH Bách khoa TP.HCM từ năm 2008, xuất phát từ hiện trạng quá tải y tế, do mất cân bằng về nhân lực chất lượng cao trong y tế giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh. Vì vậy, cần phải thiết lập một cầu công nghệ thông tin để kết nối giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh.

Khó khăn khi thiết lập cầu công nghệ thông tin này là phải số hóa các dữ liệu hình ảnh X–quang, CT, MRI… vì các bệnh viện tại Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng phim X-quang truyền thống trong chẩn đoán và điều trị.

Việc sử dụng phim X-quang truyền thống có những nhược điểm như tốn thời gian chờ cho việc in phim, chẩn đoán, không thể thực hiện được các thao tác xử lý số trên hình ảnh, tốn kém chi phí, vật tư in phim và khấu hao máy in, ô nhiễm môi trường.

9h

Buổi giao lưu bắt đầu.

giaoluu-01 4

 Ông Nguyễn Chí Ngọc – Founder & CEO iNextTechnology và ông Nguyễn Tuấn Anh - Founder & CEO Công ty Cổ phần Giải pháp y tế thông minh Ecomedic, tham gia giao lưu trực tuyến.

Qua buổi giao lưu trực tuyến, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng với công ty iNext Technology để xây dựng, phát triển, nhân rộng các giải pháp, dự án CNTT phục vụ trong ngành y tế.

Tham dự giao lưu trực tuyến có ông Nguyễn Chí Ngọc – Founder & CEO iNextTechnology, ông Nguyễn Tuấn Anh - Founder & CEO Công ty Cổ phần Giải pháp y tế thông minh Ecomedic - Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong Y tế.

anh3

Ông Nguyễn Chí Ngọc – Founder & CEO iNext Technology tham dự hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt nam, chủ đề: “Kỷ nguyên số trong chăm sóc sức khoẻ”

Công nghệ thông tin (CNTT) đang dần phủ sóng tầm ảnh hưởng của mình đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành y tế.

CNTT không chỉ giúp đỡ quá trình cải cách hành chính, công tác quản lý, điều hành của cơ quan chuyên trách mà còn “đỡ đầu” cho việc triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong y tế như chụp cắt lớp, mổ nội soi, … trong công tác giảng dạy, đào tạo, giám sát dịch bệnh, nghiên cứu phát triển thuốc…

Công ty iNext Technology (còn có tên khác là Công ty cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt), được thành lập và ươm tạo tại Vườn ươm Doanh Nghiệp của trường Đại học Bách Khoa và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM từ năm 2009.

Theo đó, iNext Technology là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT, có nhiệm vụ chính là xây dựng, cung cấp giải pháp CNTT về ngành y tế, với các sản phẩm chủ lực như: hệ thống Video Conference Bách Khoa, hệ thống thu thập và lưu trữ hình ảnh DICOM Bach Khoa PACS (BKPACS), hệ thống Hội chẩn Y tế trực tuyến.

Ngoài ra, công ty còn có nhiều công trình nghiên cứu phối hợp với trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và đã được phê duyệt, đánh giá bởi Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và chương trình Công nghệ cao quốc gia như:

Dự án cấp nhà nước “Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM, hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chẩn đoán bệnh”;

Đề tài “Ứng dụng thiết bị tổng đài ip và Video Conference Bách Khoa phục vụ hội chẩn y tế tại bệnh viện”;

Đề tài “Hoàn thiện công nghệ bảo mật hệ thống PACS (Picture Archiving and Communication System) ứng dụng chẩn đoán hình ảnh số tại bệnh viện”,…

Đặc biệt, sản phẩm BKPACS và Hội chẩn y tế trực tuyến Video của iNext đã được trao giải thưởng Nhân Tài Đất Việt trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin năm 2014, giải thưởng Công nghệ Thông tin Đông Nam Á năm 2015, giải thưởng Tự hào Trí tuệ Lao động Việt Nam năm 2016 và 2017.

anh4

Ông Nguyễn Chí Ngọc giới thiệu về sản phẩm của iNext Technology tại Bệnh viện Thủ Đức TP.HCM

Cùng hoạt động trong lĩnh vực y tế, Công ty TNHH Giải pháp y tế thông minh Ecomedic - Hệ sinh thái Y tế đầu tiên ở Việt Nam - là công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế như: tìm kiếm, sáng tạo, nghiên cứu các ứng dụng, công nghệ (đặc biệt là công nghệ IoT, AI) tiên tiến nhất.

Các sản phẩm đã được Ecomedic đưa vào thực tiễn bao gồm trang web hỏi đáp về sức khoẻ cộng đồng Ecomedic.vn, hệ thống quản lý phòng khám bệnh viện Ezclinic, hệ thống quản lý nhà thuốc Ezpharma, hệ thống đặt lịch hẹn khám Eztime, hệ thống hỏi tiền sử bệnh Ezsurvey và ứng dụng di động quản lý sức khoẻ cá nhân Ezcare.

Đến nay, tuy Ecomedic mới chỉ hoạt động chính thức được một thời gian ngắn nhưng đã đạt được những thành quả đáng kể: có hơn 30 bác sĩ tham gia, hơn 100 phòng khám, 450 nhà thuốc sử dụng phần mềm và số lượng thành viên đăng kí trực tuyến lên đến hơn 9000 người.

Tại buổi giao lưu, nhiều vấn đề khác đang được dư luận quan tâm cũng sẽ được trao đổi như: cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và đối với khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế;

Tiềm năng phát triển của iNEXT cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế Ecomedic tại thị trường VN và rộng hơn là ra quốc tế; khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ này có ưu điểm, lợi thế hơn so với các lĩnh vực khác hiện nay…

Video: Thiết bị tự động cấp phụ gia hạt có định lượng cho trạm trộn bê tông nhựa nóng

Trước những vấn đề nêu trên, vào 9h ngày 9/1/2018, các khách mời của chương trình giao lưu trực tuyến sẽ trực tiếp trao đổi và giải đáp thắc mắc của các độc giả quan tâm.

Kính mời độc giả đặt câu hỏi cho buổi giao lưu trực tuyến tại email: [email protected]

Để biết thêm thông tin chi tiết, độc giả truy cập website http://www.inext.vn/https://ecomedic.vn/

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn