• Zalo

Giáo hội sẽ có văn bản về 'dâng sao giải hạn'

Thời sựThứ Ba, 19/02/2019 21:13:00 +07:00Google News

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Hòa thượng chia sẻ: "Dâng sao giải hạn là truyền thống dân gian, ảnh hưởng của Trung Quốc, còn trong đạo Phật không có. Trong tinh thần Phật dạy thì tất cả chúng sanh phải tự thay đổi ý thức, hành vi của mình để chuyển nghiệp chứ không dâng sao giải hạn. Kể cả cầu an thì điều chính yếu vẫn là ở mình chứ không lệ thuộc vào Đức Phật".

thich-thanh-nhieu-1427

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Nếu đã nói cúng sao giải hạn không phải của Phật giáo, vậy sao nhà chùa vẫn duy trì và thực hiện hằng năm khiến sinh hoạt nơi thiền môn bị pha tạp, lẫn lộn?

Như tôi nói khi nãy, dù không phải của nhà chùa nhưng văn hóa đó ảnh hưởng sâu rộng trong người dân. Đó là nhu cầu tinh thần của nhân dân nên trong một giai đoạn lịch sử, nhà chùa đáp ứng nhu cầu này như phương tiện giúp người dân tới chùa, thực hiện việc đó xong thì hướng dẫn họ dần bỏ mê tín để có chánh tín, tự lực vượt thoát mê mờ trong mình nhờ sự tu học.

Theo tôi, đã đến lúc nhà chùa cần truyền đạt cho người dân hiểu rõ về giáo lý nhà Phật, biết cách tu tập để giúp đời, giúp người, hướng người dân làm việc thiện - dần bỏ đi các ý niệm sai lệch về cúng bái, lệ thuộc "dâng sao giải hạn" hoặc cúng lễ nhiều tiền của để giải nạn mà tập trung làm việc từ thiện (tích phước).

Khi phước tăng thì nghiệp xấu giảm, từ đó bình an. Khi mình tạo được điều tốt mới đủ điều kiện tiếp xúc với năng lượng an lành, phải nhớ như vậy!

- Phật dạy an hay không do mình, nhiều chùa lại không nói rõ như thế còn tổ chức dâng sao giải hạn, thậm chí ra giá thu tiền, hòa thượng nghĩ việc này có đúng không?

Giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Muốn chuyển nghiệp thì phải tu đúng với chính pháp, dừng nghiệp xấu ác, làm việc thiện, giúp đỡ nhiều người. Đến chùa dâng lễ có người cúng tiền, nhưng đây là tùy tâm, nhà chùa không nên bắt buộc là bao nhiêu tiền, nhà chùa cũng không nên quy định mức tiền cúng là bao nhiêu.

Việc nhà chùa thu tiền bằng định giá như vậy là không đúng, chùa phải là nơi làm việc thiện, hướng dẫn mọi người sống tốt đẹp.

708a5567-3-2102537

 Người dân tràn ra đường, ngồi vái vọng, cầu an ở bên ngoài chùa Phúc Khánh (Hà Nội).

- Với những gì báo chí phản ánh, dư luận quan tâm, những học giả chia sẻ, giáo hội sẽ xử lý hiện tượng này ra sao? Trong tương lai giáo hội sẽ làm gì để giải quyết dứt điểm vấn nạn này?

Giáo hội sẽ có những công văn gửi ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN các tỉnh, tỉnh sẽ gửi huyện và huyện sẽ gửi tới các chùa về nội dung vừa qua các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng phản ánh.

Trung ương Giáo hội đề cao tinh thần trách nhiệm của chư tôn đức tăng ni hướng dẫn đồng bào phật tử sinh hoạt đúng chính pháp. Cũng như năm trước, giáo hội đã ra công văn đề nghị bỏ tục đốt vàng mã.

- Có nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo cần chấn hưng nhiều phương diện, hòa thượng nghĩ sao về ý kiến này?

Những gì sai lệch thì cần phải chấn hưng, Phật giáo luôn phải chuyển mình cho phù hợp với xu thế. Giáo hội sẽ lắng nghe để đổi mới trong tổ chức, trong công tác đào tạo tăng ni, trong hình thức sinh hoạt tâm linh và truyền bá chính pháp nhưng vẫn phát huy được bản sắc Phật giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc...

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn