Giáo dục Việt Nam vừa được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế xếp thứ 12 trên thế giới, nhưng đó cũng chỉ là hiện tượng tức thời giống như đội U19 trước đây.
Có người bạn nhắn tin vừa bày tỏ chia vui vừa hơi ngạc nhiên rằng: “Trong BXH mới nhất của OECD – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, giáo dục Việt Nam được xếp hạng thứ 12, cao hơn cả giáo dục Anh, Mỹ…”.
U19 Việt Nam cũng chỉ là một hiện tượng, chứ không phải chất lượng thực sự của bóng đá nội |
Chuyện này liệu có thật không? Xin thưa là rất… thật. Nhưng có một điểm cần phải hiểu là những số liệu để ra kết luận ấy chính là dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả các kỳ thi quốc tế. Nên nhớ là với hệ thống trường chuyên và phương pháp đào tạo “gà nòi” trong giáo dục vẫn thịnh hành ở Việt Nam thì chuyện đoạt giải quốc tế trong những lĩnh vực toán, lý, khoa học không còn là chuyện hiếm với giáo dục Việt Nam. Nếu căn cứ vào những điều này thì đúng là giáo dục Việt Nam oách thật.
Thực tế thì không phải như vậy, những học sinh “gà nòi” đoạt giải quốc tế dù đáng hoan nghênh nhưng cũng chỉ là hiện tượng chứ không thể là bản chất và phản ánh mặt bằng giáo dục. Và nó cũng đưa ra một thực tế là Việt Nam dù rất đông đảo những tiến sĩ, thạc sĩ nhưng công trình nghiên cứu thì xếp vào hạng bét.
Sự ngộ nhận này cũng xảy ra với bóng đá, nó không chỉ là hễ cứ đứng đầu BXH của FIFA ở khu vực ĐNÁ có nghĩa là Đội tuyển Việt Nam đứng trên Thái Lan, Malaysia. Thậm chí, với nhiều người thì việc xếp trên cũng chỉ là cho vui.
Nhưng ngộ nhận tai hại hơn ấy là sau khi có một đội tuyển U.19, BĐVN tưởng chừng như đã có ngay tấm HCV trong túi, thậm chí đã có vị lãnh đạo mơ có mặt ở World Cup.
Ngôi sao số 1 của đội 19 - Công Phượng chật vật tìm chỗ đứng ở đội U23 Việt Nam |
Xin thưa rằng, nó cũng giống như mấy em đi thi quốc tế, lứa cầu thủ của HA.GL được đào tạo kiểu “gà nòi” trong Học viện bóng đá, đã có lúc đưa tuyển trẻ Việt Nam dự VCK U.19 châu Á bằng cách đánh bại cả U.19 Australia nhưng về bản chất lứa cầu thủ ấy không thể nâng tầm BĐVN lên một vị thế mới.
Bởi vậy nếu nhìn một cách thực tế thì lứa U.19 gắn mác HA.GL ấy chỉ nên là một động lực cho sự phát triển và thúc đẩy chứ không thể là liều thuốc tiên cho bóng đá Việt.
Vì thế, đôi khi chúng ta phải chấp nhận một nghịch lý là dù được xếp thứ 12 về giáo dục nhưng khi được hỏi, hẳn ai cũng muốn cho con mình đi học ở… Mỹ – nơi chỉ xếp thứ 28. Còn “niềm hy vọng” HA.GL thì lẹt đẹt ở nhóm dưới V.League với ám ảnh xuống hạng còn SEA Games 28 này, thậm chí còn khó hy vọng đội U.23 có thể bay cao nhờ các cầu thủ HA.GL, khi các cầu thủ cứ rơi rớt dần và không cạnh tranh được vị trí.
Giáo dục hay bóng đá thì đầu tư vào bản chất vẫn hơn là quá chìm đắm trong những hiện tượng. Vì thế, hãy bình tĩnh và dù gì thì vẫn cần thời gian…
Nguồn: Thể thao 24h
Bình luận