2020- năm đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của giáo dục phổ thông khi trình độ học sinh tiểu học được đánh giá đứng đầu khu vực Đông Nam Á, giáo dục đại học liên tiếp lọt vào top 1.000 trường tốt nhất thế giới.
Giáo dục tiểu học đứng đầu Đông Nam Á
Trong số 6 nước tham gia chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu khu vực ở cả 3 năng lực được khảo sát: Đọc hiểu, Viết, Toán học.
Ở lĩnh vực Đọc hiểu, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 6 mức độ, thì học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình cao nhất là 6/6. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt được mức năng lực thứ 6 là 82%. Malaysia đứng thứ hai với 58% học sinh đạt được mức năng lực thứ 6. Các nước còn lại tỷ lệ đều dưới 10%.
Ở lĩnh vực Viết, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 8 mức độ. Học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8. Tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Tỷ lệ này ở các nước còn lại là 2-4%.
Ở lĩnh vực Toán học, SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 9 mức độ. Học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9. Tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất (mức 9) là 42%. Các nước còn lại, tỷ lệ này đều dưới 10%.
Đại học thăng hạng, lọt top thế giới
Năm 2020, giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục duy trì số lượng và thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới như Quacquarelli Symonds World University Rankings (QS, Vương quốc Anh), World University Rankings của tạp chí Times Higher Education (THE).
Đặc biệt, Việt Nam lần đầu tiên có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, theo xếp hạng 2021 Best Global Universities Rankings của tạp chí US New & Word Report (Mỹ). Các trường này là Đại học Tôn Đức Thắng, xếp thứ 623; Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp thứ 949; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, xếp thứ 1.271; Đại học Bách khoa Hà Nội, xếp thứ 1.356.
Đại học Tôn Đức Thắng là trường duy nhất của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020 do Hệ thống xếp hạng đại học thế giới ARWU công bố.
Hai đại học quốc gia của Việt Nam cũng được vào top 101-150 trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS.
Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong top 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong "độ tuổi vàng" (THE Best 'Golden Age' universities). Trường cũng lọt vào Bảng xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu - THE Impact Rankings, năm 2020.
Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo của Việt Nam được đứng trong top 500 thế giới. Số lượng báo cáo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín tăng đáng kể với 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới.
Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên tạp chí Vật liệu và linh kiện tiên tiến (JSAMD) của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất (nhóm Q1) về lĩnh vực vật liệu composite và vật liệu từ, điện tử, quang.
9 huy chương Vàng Olympic quốc tế
Năm 2020, dịch COVID-19 khiến hầu hết các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Điều này dẫn đến một số điều chỉnh trong cách thi, bài thi. Tuy nhiên công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ; đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc, khách quan, chính xác về kết quả.
Tiếp nối những kết quả đạt được trong các năm trước, năm 2020 học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích đáng nể trên đấu trường trí tuệ thi Olympic khu vực và quốc tế. 30/30 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.
Tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, Việt Nam có 4/4 thí sinh tham dự đều đạt huy chương Vàng. Kết quả xếp hạng toàn đoàn tại kỳ Olympic Hóa học quốc tế 2020 này, Việt Nam đứng thứ 2 sau Mỹ. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam tham dự từ trước đến nay.
Thành tích của các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế và khu vực năm 2020:
PISA đánh giá cao, giáo viên lọt top 10 toàn cầu
Đầu tháng 2/2020, Thủ tướng công bố dịch COVID-19 ở Việt Nam. 63 tỉnh/thành phố ngay sau đó ra thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Gần 24 triệu học sinh, sinh viên của khoảng hơn 53.000 trường đại học, cao đẳng cả nước theo đó không thể đến trường.
Xác định chủ trương "tạm dừng đến trường, không ngừng việc học", Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9 cho thấy, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).
Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Đặc biệt trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam có cô Hà Ánh Phương (trường THPT Hương Cần- Phú Thọ) lọt top 10 giáo viên toàn cầu, nhờ ứng dụng hiệu quả các công nghệ thông tin số vào việc dạy học tiếng Anh trực tuyến xuyên quốc gia.
Bình luận