GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) - một trong những nhà khoa học thuộc top "ảnh hưởng nhất thế giới" xác nhận thông tin trên. Bảng xếp hạng do Tạp chí PLoS Biology của Mỹ thực hiện và công bố ngày 8/11.
GS Đức cũng là người đứng đầu bảng xếp hạng trong các nhà khoa học Việt Nam, với xếp hạng 5.798. Tiếp đó là GS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP.HCM) - xếp hạng 6.996; PGS. Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - xếp hạng 9.261 thế giới.
GS.TS Nguyễn Đình Đức (SN 1963, Hoài Đức, Hà Nội), đang là Trưởng ban đào tạo (Đại học và Sau đại học) của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông từng là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga và Viện hàn lâm Phát minh - Sáng chế quốc tế (từ năm 1999). Ông cũng là một trong những người sáng lập và giữ chức Phó chủ tịch đầu tiên của Hội trí thức Khoa học Công nghệ trẻ Việt Nam (2004-2010). Ông được phong hàm phó giáo sư vào năm 2007 và giáo sư vào năm 2013.
GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTECH, Đại học Công nghệ TP.HCM. Những nghiên cứu của ông tập trung chủ yếu vào phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, đang được ứng dụng vào lĩnh vực Cơ Kỹ thuật, Cơ Sinh học, Vật liệu.
GS.TS Hùng từng tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận bằng thạc sĩ trong lĩnh vực cơ học môi trường liên tục, và luận án tiến sĩ trong lĩnh vực cơ học tính toán tại Đại học Liège, Bỉ. Ông là nhà khoa học trong nước duy nhất được vinh danh năm nay.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn sinh năm 1984, đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm tính toán hiệu năng cao, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS Sơn có hơn 150 công trình trong đó có hơn 70 bài đăng trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI, 5 sách giáo trình và chuyên khảo các loại trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khai phá tri thức.
Hai trong số ba nhà khoa học trên được xếp hạng tầm ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời là GS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP.HCM) và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ngoài 3 nhà khoa học trên, Việt Nam còn thêm 19 nhà khoa học cũng lọt top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2020.
Tạp chí PLoS Biology công bố dựa trên nghiên cứu về công cụ đo lường từ dữ liệu 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus). Xếp hạng dựa trên 6 chỉ số về trích dẫn, gồm: Tổng số trích dẫn; chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất hoặc tác giả đầu tiên (first author) và số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất, đầu tiên hoặc cuối cùng (last author). Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).
Bình luận