Wei Dongyi, trợ lý giáo sư toán học ở ĐH Bắc Kinh, thu hút sự chú ý của hàng chục triệu người Trung Quốc sau khi trả lời một câu hỏi phỏng vấn.
Tính cách nhút nhát và phong thái kỳ quặc của Wei được thể hiện trong cuộc phỏng vấn khi anh được yêu cầu nói điều gì đó để cổ vũ các thí sinh sắp tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. “Hãy vui lên. Chào mừng đến với ĐH Bắc Kinh. Tôi không biết nói gì khác nữa” - thầy Wei đáp.
Sau khi clip thầy Wei trả lời phỏng vấn được lan truyền, nhiều thông tin cá nhân về giảng viên này được cộng đồng mạng “đào xới”.
Được biết, tuy có phong cách kỳ dị nhưng thầy giáo 29 tuổi là người rất giỏi chuyên môn, đến mức các bạn đồng trang lứa còn đặt biệt danh cho anh là “Thánh Wei” vì khả năng giải toán xuất sắc.
Wei từng 2 lần giành Huy chương Vàng tại Olympic Toán học quốc tế khi còn học phổ thông. Anh cũng được tuyển thẳng vào khoa Toán của ĐH Bắc Kinh – chuyên ngành hiện xếp hạng thứ 19 trong bảng xếp hạng đại học thế giới của QS.
Khi còn là sinh viên, Wei cũng giành được vô số giải thưởng cao ở các cuộc thi toán trong và ngoài nước.
Giáo viên cũ của Wei cũng chia sẻ rằng anh từng từ chối lời đề nghị mời nhập học bậc tiến sĩ của ĐH Harvard mặc dù trường này đồng ý cho anh không cần phải kiểm tra tiếng Anh đầu vào và sẽ cung cấp phiên dịch viên.
Ở ĐH Bắc Kinh, Wei nổi tiếng không chỉ vì là một "huyền thoại Toán học sống" mà còn bởi lối sống giản dị đến kỳ quặc. Thậm chí, anh còn được đặt biệt danh vui vẻ là “giảng viên xấu trai nhất trường”.
“Trong số hàng nghìn sinh viên trong trường, bạn có thể nhận ra Thánh Wei chỉ bằng một cái liếc mắt vì dù có đang là mùa nào đi chăng nữa, cậu ta cũng luôn mang theo mình một chai nước 1,5 lít và bước đi rất nhanh” - một người bạn cũ của Wei miêu tả.
“Cậu ấy đổ đầy nước vào chai. Có người hỏi tại sao lại làm vậy, cậu ấy chỉ nói là để bảo vệ môi trường” - anh bạn tên Xiao cho hay.
“Cậu ấy rất có kỷ luật. Chúng tôi thường thấy cậu ấy ăn bánh bao hấp kèm đậu phụ trong căng-tin. Cậu ấy học giỏi và nhận được học bổng hơn 100 nghìn tệ/năm, nhưng vẫn sống giản dị cả trong cách ăn và mặc”.
Xiao mô tả Wei là người dễ gần, luôn hứng thú với những câu hỏi và sự tò mò.
Là một người khác biệt, Wei cũng có những thói quen rất lập dị. “Cậu ấy thích kiểm tra đồng hồ điện, nước trong ký túc xá khi đến chơi nhà. Có lẽ việc kiểm tra đồng hồ điện nước là cách cậu ấy giao tiếp với người khác”.
Một người em họ của Wei cho biết, giảng viên Toán học này không sử dụng mạng xã hội, không thích trả lời điện thoại cũng như giao tiếp.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sơn Đông, cha anh - một giáo sư Toán học ở ĐH Kiến trúc Sơn Đông - qua đời cách đây vài năm, trong khi mẹ anh là giảng viên tiếng Anh ở ngôi trường này.
Nhà của Wei rất ít đồ đạc do lối sống tối giản và quan điểm bảo vệ môi trường mạnh mẽ của anh. Việc anh luôn mang theo nước và bánh bao là một chuyện rất "bình thường” với anh.
“Khi chúng tôi hỏi, anh ấy nói chi phí sinh hoạt của anh ở Bắc Kinh không quá 300 tệ/ tháng (hơn 1 triệu đồng). Nhưng thực ra anh ấy không thiếu tiền” - người em họ kể.
Wei thích nghe đài và thích nhất là nói chuyện về Toán học. Anh giành được vô số giải thưởng nhưng thường chỉ ném chúng vào một xó, không quan tâm.
Zhang Yonghua - giáo viên cũ của Wei ở trường trung học cho biết, một số người cho rằng Wei là “tên ngốc” vì họ không thể hiểu anh. “Nếu bạn hiểu cậu ấy, bạn sẽ nhận ra cậu ấy là một thiên tài. Nếu cậu ấy tập trung vào nghiên cứu, tôi chắc rằng 5-6 năm nữa, cậu ấy sẽ làm thế giới phải kinh ngạc. Tôi rất hiểu Wei”.
Trong khi đó, mẹ Wei (giấu tên) cho biết, về cơ bản anh là một người bình thường và có nhiều điểm yếu trong cả học tập lẫn cuộc sống. “Ví dụ như điểm tiếng Trung và tiếng Anh của thằng bé đều thấp” - bà nói.
Sau khi đoạn trả lời phỏng vấn của Wei được chia sẻ rộng khắp, cộng đồng mạng Trung Quốc tràn ngập những bình luận khen ngợi thầy giáo lập dị này. “Kiểu thiên tài trăm năm có một này đang đắm chìm trong thế giới của riêng mình. Chúng ta sẽ không bao giờ có được niềm vui của anh ấy. Anh ấy không cần quan tâm đến ý kiến của người khác và không cần cái gọi là EQ” - một người viết.
Bình luận