• Zalo

Giang hồ sở hữu tấn vàng ở đất thép: 14 lần vượt ngục

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 18/11/2015 06:39:00 +07:00Google News

Khi ra tù cán bộ trại giam nói rằng Khoái bị 14 lần tăng án, Khoái mới biết rằng mình đã vượt ngục 14 lần.

(VTC News) - Khi ra tù cán bộ trại giam nói rằng Khoái bị 14 lần tăng án, Khoái mới biết rằng mình đã vượt ngục 14 lần.

Kỳ 2: Cao thủ vượt ngục

Mẹ Đoàn Văn Khoái nghe tin con lại vào tù liền sinh bệnh nặng. Bà bất lực trước cảnh đứa con ngày càng sa chân vào chốn giang hồ. Bà đã tốn nhiều nước mắt vì Khoái.

Nghe tin mẹ ốm, Khoái đã vượt ngục mong tìm về thăm mẹ. Khoái trốn đúng ngày trại Phú Sơn 4 chuẩn bị đón danh hiệu anh hùng. Trại huy động toàn lực lượng truy bắt Khoái, do vậy, chưa bước chân ra khỏi tỉnh Bắc Thái gã đã bị bắt lại.

Sau lần trốn trại này, cái án 3 năm ban đầu tăng lên thành 4 năm. Nhưng mức án đó càng làm cho quyết tâm trốn tù của Khoái lớn hơn. Khoái ra vào tù như đi chợ. Khi ra tù cán bộ trại giam nói rằng Khoái bị 14 lần tăng án, Khoái mới biết rằng mình đã trốn trại 14 lần.

Trong trại, mọi người tôn Khoái lên hàng bậc thầy trong nghệ thuật trốn tù. Bất cứ vật gì nằm trong tay Khoái đều trở thành công cụ hữu ích cho cuộc vượt ngục. Khoái kiên trì đến mức bọc vài hạt muối lên song sắt hàng năm trời để chờ thanh sắt hoen gỉ.

Ông Đoàn Văn Khoái
Ông Đoàn Văn Khoái 

Lần trốn lâu nhất là năm 1974, gã trốn được tròn một năm. Một năm này cũng đủ làm cho những hành khách trên chuyến tàu Hà Nội – Bắc Thái phải kinh hoàng. Gã chỉ cần đi từ toa đầu đến toa cuối đã đủ cho cả tháng ăn chơi phè phỡn.

Đã nhiều lần bị phát hiện, bị công an truy đuổi, song gã đều phi thân qua cửa sổ toa tàu trốn thoát.

Có vụ móc túi không thành, bị hai đồng chí bộ đội đuổi bắt quyết liệt. Gã vừa bám vào thanh sắt ở cửa đi xuống định nhảy khỏi tàu thì bị đám công nhân đường sắt phát hiện, thế là búa xẻng, xà beng liên tiếp phi theo gã khiến thành tàu toé lửa. Khoái phải văng mình lên nóc tàu, rồi nhảy xuống phía bên kia để thoát thân.


Có một điều đặc biệt, trước đàn bà, gã giang hồ khét tiếng này bao giờ cũng mềm lòng. Tình yêu của cô gái bán phở có vẻ đẹp thánh thiện Lê Thị Thu đã làm thay đổi cuộc đời của gã.

Khoái tìm đến một người bạn mới thụ án xong xin giấy ra tù, tẩy xóa thay tên mình rồi xin giấy giới thiệu của Bộ nội vụ để đăng ký kết hôn với Thu. Một ngôi nhà tranh được dựng lên bên sườn núi hoang vắng vùng chè Tân Cương.

Hai tháng sau ngày cưới, một đêm, khi vợ chồng gã đang say nồng bỗng có 3 người lạ ập vào còng tay Khoái đưa đi. Lúc đó Thu mới biết Khoái là kẻ tù tội đang bị truy nã. Một ngày, Thu đến thăm Khoái cùng tờ đơn xin ly hôn. Thu nói với Khoái sẽ lấy anh H., một sĩ quan quân đội. Khoái tức giận điên cuồng thề sẽ giết H. và Thu.

Ông Khoái thể hiện một thế võ
Ông Khoái thể hiện một thế võ 

Đúng như lời thề, 9 tháng sau, Khoái lại trốn trại thành công. Ra khỏi trại giam, ngay trong đêm đó, Khoái kiếm một khẩu súng ngắn. Khoái đạp cửa xông vào căn nhà, nơi vợ Khoái đang ở cùng một người đàn ông khác và một đứa con còn đỏ hỏn.

Khoái chĩa súng vào người đàn ông ngồi góc giường ôm đứa con nhỏ đang thiu thiu ngủ. Thu bế đứa con nhỏ xíu đang khóc ặt ẹo giơ trước mặt Khoái hét lên: “Con anh đấy, anh bắn đi!”.

Khoái khóc nấc lên. Lần đầu tiên trong đời gã biết khóc. Đứa bé mang tên Đoàn Duy Khánh, nó vẫn mang họ Khoái, có nghĩa nó là con của Khoái.

Thu kể mọi chuyện với Khoái, rằng không có người sĩ quan này, mẹ con cô khó lòng vượt qua những ngày gian khó, bị người đời dè bỉu. Anh H. là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam và không thể có con được.

Khoái xin anh H. tha tội và yêu cầu Thu đổi họ tên con thành Phạm Đức Thái, để nó mang họ cha nuôi, không phải mang theo cái lý lịch tù tội của người cha đẻ.

Ngay sáng hôm sau, Khoái về trại Phú Xuân 4 trình diện. Sau này, khi giàu có, Khoái xây cả nhà lầu cho vợ chồng Thu, cho tiền con ăn học và tổ chức đám tang chu đáo khi người đàn ông từng “cướp vợ” của Khoái chết vì căn bệnh ung thư.

Nhân dịp Quốc khánh 2/9/1988, Khoái được ân xá ra tù trước thời hạn gần 3 năm, gã nhẩm tính mình đã ngồi 17 năm 9 tháng 13 ngày trong nhà giam.

Những ngày trong song sắt, Khoái nghe nói nhiều đến các bãi vàng ở Bắc Thái, nơi làm thay đổi nhiều số phận như gã. Khi cánh cổng trại giam khép lại sau lưng, điểm gã nghĩ đến đầu tiên là bãi vàng Cà Ná và thung lũng Boong Xay ở xã Thần Sa (Võ Nhai).



Thung lũng Boong Xay và thung lũng Cà Ná nằm cách nhau 25 km, được bao quanh bởi đại ngàn hoang thẳm và những dãy núi đá vôi cao ngất trời. Đây cũng là nơi bắt đầu một giai thoại mới trong cuộc đời của một giang hồ nổi tiếng đất thép. Tỷ phú Khoái Đù nổi lên từ những bãi vàng này...

Lúc ra tù, chỉ có chiếc quần soóc, chiếc áo phông và đôi tông do bạn tù gom góp tặng để làm lại cuộc đời. Khi ấy, phong trào đào vàng đang sôi sục ở Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) và Na Rì (Bắc Kạn). Mặc độc bộ cánh, Khoái tìm lên thung lũng Boong Xay. Năm ấy, bãi vàng mới được phát hiện nên các băng nhóm không ngần ngại chém giết nhằm tranh giành địa phận khai thác.

Khoái lang thang vào một quán nước bên sườn núi. Một tên to lớn, ăn mặc bặm trợn đang buông lời cợt nhả, thô lỗ với cô gái bán hàng. Khoái chửi: “Đù mẹ tên chó”.


Cả bọn đàn em búa xẻng, kiếm mác định nhao vào chém Khoái, song tên đó ngăn lại. Gã bật nắp lon bia và rót ra cốc mời Khoái. Gã chạm cốc với Khoái vì lý do cảm phục kẻ dám chửi đại ca khét tiếng ở mỏ vàng này.

Chiếc cốc thủy tinh sau khi cạn bia đã bay vèo về phía mặt Khoái. Khoái xoay hai củng tay trước mặt, chiếc cốc chuyển hướng bay vèo vào cột nhà, vỡ tan. Chiếc ghế băng Khoái đang ngồi bật lên, lướt qua vai đập vỡ đầu kẻ đối diện.

Đàn em của tên cướp lao vào chém Khoái tới tấp. Chiếc nghế băng nhẹ như thanh gỗ lướt đi trong gió, chỉ vài cái chớp mắt, cả bọn đao kiếm hùng hổ nằm xõng xoài dưới bùn đất nhơ nhớp. Cả lũ thầy trò đều sợ xanh mắt, phủ phục nhận Khoái làm đàn anh. Câu chửi tiếng Huế “đù mẹ” được anh em giang hồ đặt thêm cho Khoái. Tên Khoái gắn thêm chữ “Đù” từ đó.

Còn tiếp…

Phong Nguyệt - Thụy Bình
Bình luận
vtcnews.vn