• Zalo

Giang hồ đất thép sở hữu cả tấn vàng: Những trận thư hùng nơi bãi vàng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 21/11/2015 06:26:00 +07:00Google News

Nhanh như cắt, Khoái tung mình lên không, phóng cước trúng mặt Đô Tây, văng ra mấy cái răng.

(VTC News) - Nhanh như cắt, Khoái tung mình lên không, phóng cước trúng mặt Đô Tây, văng ra mấy cái răng.

Ống Khoái thể hiện một thế võ
Ống Khoái thể hiện một thế võ 

Kỳ 3: Những trận thư hùng

Sau 14 lần vượt ngục, và án vài năm tù thành 17 năm 9 tháng 13 ngày, thì Đoàn Văn Khoái cũng được ra tù. Ngay khi ra tù, Khoái lên bãi vàng thuộc huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, là thủ phủ của vàng tặc khi đó.

Những ngày mới lên bãi vàng cực kỳ gian khổ. Bệnh tật, đói khát luôn luôn hành hạ như lúc nào cũng muốn cướp đi tính mạng bất kỳ ai. Ngày đầu lạ nước lạ cái, Khoái bị sốt rét một trận thập tử nhất sinh suốt 4 ngày 4 đêm. Anh em đào vàng mệt mỏi, chán chường bỏ về cả, vất gã Khoái Đù ốm tong teo trong lán tạm giữa rừng già.

Lúc tưởng như không gượng dậy được thì có người dân tộc ghé qua, cho nhai lắm lá. Khoái tỉnh lại, húp bát cháo thấy người khỏe ra. Khoái tập hợp đám anh em còn cắm lại thành đội quân nhằm khai thác theo quy mô. Mọi người tôn vinh Khoái thành đại ca, chủ bưởng.


Lương thực hết, đệ tử và đại ca chỉ biết ăn cháo cầm hơi. Đám đệ tử phải khâm phục sự kiên trì, lòng gan dạ của đại ca khi thấy Khoái cắt con cá mắm bằng ngón tay thành bảy khúc và chia cho bảy anh em ăn với cháo. Cứ thế, trong suốt năm trời, họ ăn cháo với cá mắm để phá núi đào hầm tìm vàng.

Đường hầm của nhóm Khoái Đù trúng rốn vàng. Nghe tin đó, các đại ca từ khắp nơi đổ về tranh cướp. Nổi lên trong đám là Tuấn Kiếm - sát thủ đất Bắc Thái với 3 chục đàn em lăm lăm kiếm mác trong tay. Khoái Đù chỉ có chục người, vũ khí là búa chim, cuốc xẻng.

Cuộc chiến khởi động bằng sự đối đầu giữa hai đại ca. Khoái Đù cao hơn mét rưỡi và Tuấn Kiếm cao mét tám lăm. Sau 5 phút tả xung hữu đột, thanh kiếm dài quá mét của đại ca đất Bắc Thái bay xuống vực trong tiếng reo hò dậy sóng của đàn em Khoái Đù.

Sau trận kịch chiến, Khoái Đù và Tuấn Kiếm cắt máu ăn thề, bái trời đất làm anh em kết nghĩa. Đêm đó, lửa cháy bùng bùng khắp thung lũng Boong Xay, rượu pha máu tươi tràn trề, tiếng reo hò dậy sóng, vang vọng khắp núi rừng Thần Sa.

Lực lượng công an làm công tác dân vận với Khoái Đù
Lực lượng công an làm công tác dân vận với Khoái Đù 

Thời gian này, Cà Ná và Boong Xay tồn tại như một “thế giới” riêng với những thứ luật rừng man rợ. Người ta còn đồn đại những chuyện kiểu như bắt người chôn sống dưới hầm; bịt mắt, bịt mồm những kẻ ăn trộm vàng của chủ bưởng rồi trói vào gốc cây trong rừng cho hùm beo ăn thịt; những ông trùm bãi vàng ép người làm phải dùng thuốc phiện, ma túy để lấy hưng phấn làm việc...

Tại bãi vàng Cà Ná, dân giang hồ tứ chiếng còn đồn đại về vụ đụng đầu giữa Khoái Đù và Đô Tây, tên cướp từng buôn bán vũ khí ở Lạng Sơn dạt về. Đô Tây có thân hình hộ pháp, được giới anh chị biết đến với quả đấm ngàn cân mà chưa đối thủ nào chịu được đến đòn thứ hai và khẩu AK cưa nòng luôn cặp kè bên mình.

Tuy là kẻ đến sau nhưng Đô Tây nhanh chóng vượt mặt các đại ca, chủ bưởng ở đây bởi độ tàn bạo và khả năng trấn cướp liều lĩnh. Kẻ nào muốn sống yên ổn trong “thế giới” Thần Sa đều phải nộp lệ phí bảo kê theo định kỳ cho gã.

Các đại ca và chủ bưởng khác thì cố nhịn cho qua, nhưng Khoái không thể chịu được bởi bản tính yêng hùng từ bé đã mọc rễ trong tâm hồn Khoái.

Một lần, Khoái Đù đang ngồi ăn tối sau một ngày làm việc mệt nhọc thì Đô Tây sang đòi nộp “thuế”. Nhìn thấy Khoái húp cháo, Đô Tây cười: “Sang làm công cho tao thì có cơm ăn đấy”.

Chưa dứt câu, bát cháo nóng trong tay Khoái bay thẳng vào mặt Đô Tây. Đồ đạc vỡ loảng xoảng, Khoái như một con sóc vờn quanh con trâu mộng. Nhanh như cắt, Khoái tung mình lên không, phóng cước trúng mặt Đô Tây, văng ra mấy cái răng. Tiếp tục là một đòn gót như trời giáng vào gáy. Đô Tây rú lên như con thú bị chọc tiết.

Khoái Đù làm công tác từ thiện rất nhiều khi còn là chủ bưởng vàng
Khoái Đù làm công tác từ thiện rất nhiều khi còn là chủ bưởng vàng 

Hai tên đàn em vác kiếm lao vào chém tới tấp, Khoái lộn người giật khẩu súng bên hông Đô Tây và lia gọn một băng ngang đầu. Hai tên ngồi thụp xuống xin tha. Viên đạn cuối cùng Khoái găm vào đùi Đô Tây cảnh cáo. Đô Tây được Khoái trực tiếp đưa đi bệnh viện chữa trị vết thương. Đô Tây chịu phục dưới chướng Khoái Đù bởi tính cách quân tử đó.

Cái đêm Khoái trở lại Boong Xay sau một tháng nằm hầm ở Cà Ná chính là đêm số phận bắt gã một lần nữa phải làm thiên chức của người đàn ông.

Trên con đường mòn đá hộc lởm chởm dẫn vào bãi vàng, gã phát hiện thấy một bóng người đi ra với bộ dạng lén lút. Khoái nghĩ chắc là một kẻ trúng mánh nên giấu chủ bưởng ôm vàng lẩn trốn.

Video bắt giang hồ cộm cán

Bóng người vừa tới gần, Khoái từ trong bụi cây lao ra quật mạnh xuống đất. Nhưng đó lại là một người đàn bà. Người đàn bà van xin gã tha chết.

Chị ta ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, nghèo quá phải lên đây làm thuê kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Chị ta đã lấy trộm được hơn cây vàng của chủ bưởng và đợi đến đêm trốn về mua thuốc thang, gạo nước cho con. Trước những người đàn bà Khoái luôn là kẻ mềm lòng và hiệp nghĩa. Khoái dúi thêm vào tay chị ta một nắm vàng cám.

Một thời gian sau, người ta thấy Khoái Đù lấy vợ, vợ gã chính là người đàn bà gã gặp trong đêm giữa rừng. Người đàn bà đó là Nguyễn Xuân T., từng có hai đời chồng nhưng vẫn một mình nuôi hai đứa con nhỏ tuổi.

Còn tiếp...


Phong Nguyệt - Thụy Bình

Bình luận
vtcnews.vn