• Zalo

Gian nan chuyến đi đầy tham vọng của Trump tới Argentina

Thế giớiThứ Năm, 29/11/2018 16:25:00 +07:00Google News

Chuyến công du Argentina của Tổng thống Trump trong 2 ngày tới được dự đoán sẽ hết sức khó khăn cho nhà lãnh đạo Mỹ với những kịch bản có thể nằm ngoài dự tính của ông và giới chức Mỹ.

Vào cuối tuần này, truyền thông thế giới sẽ tập trung vào Argentina, nơi hàng loạt các cuộc gặp quan trọng đã được lên lịch. Tổng thống Trump là một trong những tâm điểm của sự kiện lần này khi có mặt trong 2 cuộc gặp quan trọng: một với người đồng cấp Nga Putin trong bối cảnh vụ đụng độ trên eo biển Kerch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung vẫn đang leo thang liên quan tới cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng nhiều tháng qua. 

Giới quan sát kỳ vọng diễn biến tại Argentina những ngày tới có thể mang lại những đột phá mới trong quan hệ của ba nước. Nhưng nếu các cuộc đàm phán không kết thúc trong êm đẹp, quan hệ Mỹ với Nga và Trung Quốc vốn đã đang trong tình trạng nguội lạnh có thể sẽ còn tiếp tục xấu đi. 

trump_getty_images_2_uojg

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty) 

Theo CNN, chuyến công du tới quốc gia Nam Mỹ lần này được đánh giá là một trong những chuyến đi khó khăn nhất với Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức.

Trong 2 ngày lưu lại Buenos Aires, ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp ít nhất 8 nhà lãnh đạo trong các sự kiện chính của G-20 cũng như các hoạt động bên lề như ăn tối hay chụp ảnh tập thể. Bên cạnh 2 cuộc gặp “đinh” với ông Putin và ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có các cuộc trao đổi với Tổng thống nước chủ nhà Argentina Mauricio Macri, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Đức Angela Merkel. 

Mặc dù Washignton thông báo sẽ không tổ chức cuộc gặp song phương với Ả-rập Xê-út, nhưng một số chuyên gia cho rằng Mỹ vẫn có thể thu xếp cuộc gặp không chính thức giữa ông Trump và Thái tử Mohammed bin Salman, người bị nghi có liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. 

Theo CNN, một trong những cuộc gặp có thể phát sinh những diễn biến khó lường là cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan, người đã thúc giục Mỹ trừng phạt Riyadh liên quan tới vụ sát hại nhà báo của Washington Post. 

Tuy nhiên, trên hết, 2 điểm “nóng” tâm điểm của G-20 lần này vẫn là cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Giới quan sát cho rằng khó có thể thể dự đoán trước bất cứ kịch bản nào nếu nhìn vào cách ông Trump từng khiến nhiều người bất ngờ khi có các động thái nhượng bộ sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 6 ở Singapore với tuyên bố ngừng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn. 

Về cuộc gặp với Chủ tịch Tập, ông Trump nói rằng có thể sẽ diễn ra theo 2 kết quả: Hoặc Mỹ sẽ tăng gấp đôi thuế với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hoặc cuộc chiến thương mại sẽ ngừng leo thang. 

“Có khả năng một thỏa thuận sẽ đạt được và ông ấy đang gợi mở cho kịch bản đó”, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, Larry Kudlow nói vài giờ sau cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Mỹ.   

Các trợ lý khác cho biết Tổng thống Trump dường như đang mong muốn đi tới một số thỏa thuận với ông Tập, kịch bản sẽ khiến thị trường toàn cầu ổn định, nhưng triển vọng cho một hiệp định thương mại toàn diện là khá mong manh. 

Về cuộc gặp với Tổng thống Putin, nhiều chuyên gia Mỹ lo ngại kịch bản ở Helsiki sẽ lặp lại ở Buenos Aires khi nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ tiếp tục chiếm thế thượng phong và ở cửa trên khi đàm phán với ông Trump. 

Tuy nhiên, hố sâu ngăn cách Nga-Mỹ đã được tạo ra ngay trước thềm G-20 với vụ đụng độ trên eo biển Kerch giữa Matxcơva và Kiev. Mặc dù vậy, theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns, tuyên bố mà Tổng thống Trump đưa ra về vụ việc rằng ông "không thích sự việc đã xảy ra" cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang có ý đổ lỗi cho cả Ukraine và Nga. 

Ông Burns vì vậy lo ngại Tổng thống Mỹ sẽ để người đồng cấp Nga thuyết phục trong 2 giờ gặp mặt và có thể sẽ không đưa ra được quyết định nào đủ gây áp lực cho ông Putin. 

1069708154-1452297

Cuộc gặp Trump-Putin sẽ là tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này. (Ảnh: AP) 

“Một lần nữa, Mỹ rơi vào cảnh yếu thế, không thể hành động mạnh mẽ chống lại những gì người Nga đang làm”, ông Burns phân tích. 

Trên thực tế, Tổng thống Trump hôm 27/11 cảnh báo có thể hủy cuộc gặp với ông Putin liên quan tới vụ đụng độ Nga-Ukraine hôm 25/11. Nhưng nếu cuộc gặp vẫn diễn ra, nhiều người Mỹ đặt nghi vấn Tổng thống của họ sẽ phản ứng như thế nào khi ông ở một mình trong cùng căn phòng với ông Putin. 

“Đây có thể là cơ hội tốt nhất với ông Putin vì Tổng thống Trump không thích đối đầu một chút nào, đặc biệt là trong trường hợp mặt đối mặt. Ngay cả khi chủ đề này không được mang ra bàn luận, đó cũng đã là một chiến thắng lớn với ông Putin”, ông Fernando Cutz, cựu cố vấn cấp cao của cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R McMaster nói.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn