• Zalo

Giận chúa sơn lâm, đập tan miếu cổ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 24/07/2013 07:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ông cụ lớn tiếng sỉ nhục dòng giống hổ, thề rằng sẽ tự tay mổ bụng lột da phanh thây tất cả những con hổ nào vô phúc rơi vào tay mình.

(VTC News) -  Ông cụ lớn tiếng sỉ nhục dòng giống hổ, thề rằng sẽ tự tay mổ bụng lột da phanh thây tất cả những con hổ nào vô phúc rơi vào tay mình.


Kỳ 5: Giận chúa sơn lâm, ra tay đập tan hoang miếu cổ


Chúng tôi rời ngôi miếu cổ khi trời mưa tầm tã. Khi toàn thân đã ướt như chuột lột, thì kịp trú vào một căn nhà mới dựng bên đường. Ngồi nhìn ra bờ suối, nước đã chuyển màu đục ngầu, réo sôi ùng ục. Mưa sầm sập suốt gần một giờ đồng hồ.

Lúc trở về nhà Đinh Đức Đạt thì người nhà của em đã về đông đủ. Ông Đinh Văn Chinh (81 tuổi), ông nội của Đạt, cũng đã dắt bò từ thung núi về. Ông Chinh chính là thủ từ của ngôi cổ miếu mà chúng tôi cất công lặn lội đi tìm. 
thần hổ
Suối Cô Tiên trong xanh trở nên đục ngầu sau cơn mưa  
Nghe ông nói chuyện, chúng tôi mới ngỡ ngàng hiểu rằng vì sao mình hỏi mãi mà chòm xóm chẳng ai biết nhà ông, dù ông là một thầy mo danh tiếng của người Mường vùng này. Thực ra, chúng tôi sẽ dễ dàng gặp ông, nếu hỏi thăm bà con về “Cụ Ly”, vì sau khi sinh con, tên cúng cơm của ông đã dần quên lãng suốt mấy mươi năm qua.

Người già của gia tộc họ Đinh làu thông sự tích về ngôi miếu cổ: “Đó là đền Vó Ấm (dòng nước ấm), nơi thờ Đinh Côn Sơn đại vương thượng đẳng thần, là người có công tập hợp nhân dân địa phương bám giữ núi rừng chống giặc dữ. 

Đó là lũ giặc từ phương bắc tới, chỉ bắt đàn ông đi, tàn sát đàn bà. Những mũi tên tẩm thuốc độc đã giữ yên làng bản. Đinh Côn Sơn đại vương được phong thần. Người em gái của Ngài là Đinh Thị Ngọc Liễn trở thành bà chúa bảo hộ các con suối nơi đây, cụ thể là hệ thống suối Tiên chảy ra từ rừng Cúc Phương.

Bàn thờ đá đặt nơi gốc cây cổ thụ thì thờ thần hổ. Xưa kia thần hổ thường rời đại ngàn về đầu nguồn nước, ngồi dưới gốc cây này rình mồi. Đinh Côn Sơn đại vương là thần bảo hộ cho thần hổ”. 
thần hổ
Cụ Ly hồi tưởng chuyện xưa về ngôi miếu cổ 
Theo hồi ức của cụ Ly, trước đây, đền Vó Ấm được người dân dựng bằng gỗ, rất đơn giản, nhỏ nhắn nhưng linh thiêng, không ai dám mạo phạm. Nhưng đền Vó Ấm oai linh hơn, còn vì đây là chỗ thờ thần hổ.

Khu vực Thành Yên lúc ấy thưa thớt dân cư, bốn bề là rừng thẳm. Trước đây, hổ về từng đàn, tiếng gầm vang động núi rừng, làng bản. Để tránh nạn hổ, người ta bốn mùa hương khói, lễ vật cầu mong điều xấu qua đi, điều tốt mau đến. 

Không ai dám gọi thẳng tên chứ kể gì đến nói năng hỗn xược về thần hổ. Kẻ nào dám vỗ ngực báng bổ hổ một câu, y như rằng danh tiếng sẽ nổi lên như cồn trong vùng, với nỗi lo lắng ngấm ngầm rằng sớm muộn anh ta cũng bị quả báo.

Người dân không ai dám nghĩ đến chuyện vào rừng săn thú tranh ăn với hổ, chứ nói gì đến chuyện bàn mưu giết hổ. Nơi đền Vó Ấm, không ai dám qua đây một mình, vào buổi tối dù có cho cả đống vàng thì cũng lắc đầu quầy quậy. Ai có việc thì chỉ nín thinh cúi cổ cắm đầu bước thật nhanh qua chốn này.
thần hổ
Nỗi gian khó vất vả nơi miền sơn cước 
Ấy thế mà mấy chục năm trước, đền Vó Ấm bỗng bị đập phá tan hoang, chỉ còn sót bệ thờ thần hổ dưới gốc cây. Kể đến đây, cụ Ly bỗng ngập ngừng không nói nữa, chỉ gọi to sai cháu đem rượu ngon ra rót mời khách. 

Đôi vai to và dáng người vâm váp của người sơn tràng già như sụm hẳn xuống, ánh mắt buồn thẳm xa xôi. Giọng nói của ông trầm hẳn, có lúc như lạc đi. Nhưng dường như bất nhẫn trước sự kiên nhẫn chờ đợi của kẻ hậu sinh, cụ Ly thở hắt ra một bí mật động trời.

Thì ra, người phá dỡ ngôi miếu cổ chẳng ai khác chính là bố đẻ của ông, cụ Đinh Văn Riệc. Phá thẳng tay, phá với tất cả sự căm giận và uất ức. Không những thế, ông cụ còn lớn tiếng sỉ nhục dòng giống hổ, thề rằng sẽ tự tay mổ bụng lột da phanh thây tất cả những con hổ nào vô phúc rơi vào tay mình. 
thần hổ
Miếu thờ thần hổ từng bị phá tan hoang 
“Ngày ấy bố tôi khỏe mạnh lắm, tuổi ngoài ba mươi, cơ thể cường tráng, là thợ săn lão luyện trong vùng. Ông muốn bắt con thú gì trong rừng thì con thú ấy phải chịu chết, không thoát được. Người ta ai cũng sợ hổ, nhưng ông thì không.

Nhưng nguồn cơn khiến ông có mối thâm thù với loài hổ không phải vì ông cậy mình có sức khỏe, có cung cứng nỏ dài, cũng chẳng phải vì tự tin vào khẩu súng kíp nòng dài lúc nào ông cũng cắp kè kè bên mình. 

Ấy là vì ông có một cô em gái ngoan hiền mà ông rất mực yêu thương, tên là Đinh Thị Son. Càng lớn lên, cô càng xinh đẹp, nên ông vui lắm. Những lúc nhàn rỗi ngồi nhâm nhi dăm chén rượu, ông thường cao hứng tuyên bố rằng sẽ tìm cho em gái một tấm chồng thật xứng đáng.
thần hổ
Thiếu nữ Mường 
Thế nhưng một ngày nọ, bỗng thấy vắng tiếng nói cười của cô em gái ngoan, gọi tìm nhà trên nhà dưới cũng không thấy bóng. Mọi người cùng đổ đi tìm, phập phồng lo sợ, vì xưa nay cô vốn ngoan hiền, có giáo dục, chắc chẳng tự tiện bỏ đi chơi xa mà không báo với người nhà. 

Chỉ đến khi nghe tiếng đàn ông khóc rống lên bên bờ suối, mọi người mới hoảng hốt chạy cả lại. Ông Đinh Văn Riệc đang ôm xác em gái mình dưới gốc sở, than trời chỉ đất gào khóc mãi không thôi. Nhìn cơ thể không lành lặn của cô, ai cũng biết cô đã bị hổ vồ, tha xác về đây ăn thịt”.

Thế rồi, một ngày kia người ta thấy miếu thần hổ hoang tàn, đổ nát, hương án vứt chỏng chơ. Lại thấy ông Đinh Văn Riệc ngạo mạn xúc phạm oai linh thần hổ, sẵn sàng mạt sát không tiếc lời thần hổ bất cứ khi nào có cơ hội. Bản làng, người thân, ai cũng chập chờn lo sợ một điều gì đó chẳng lành, thảm khốc sẽ xảy đến trong nay mai…

Còn tiếp...

Gia Linh
Bình luận
vtcnews.vn