• Zalo

Giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Quốc hội lo 'bấm nút mà run tay'

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Bảy, 14/11/2015 10:38:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo lắng ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ gặp khó khăn khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm sâu.

(VTC News)- Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo lắng ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ gặp khó khăn khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm sâu.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ nỗi lo của một đại biểu trên một địa phương mà có ngành sản xuất ô tô gánh nặng trên 50% ngân sách của tỉnh.
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam)
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) 
“Nếu như giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt này sẽ dẫn đến một hệ lụy mà đất nước ta nói chung và Quảng Nam chúng tôi nói riêng sẽ đối diện với những thách thức mới mà chúng tôi thấy rất lo lắng”, đại biểu Lê Văn Lai lo lắng.

Đại biểu Lai cho rằng khi xe nước ngoài ào ào vào Việt Nam thì ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ bước lên một vũ đài mới, mà ở vũ đài này sự cạnh tranh không cân sức, ngành ô tô của chúng ta mới ra đời còn non trẻ, vốn liếng đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm sản xuất ôtô chưa nhiều, trong khi đó các nước trong khu vực và trên thế giới người ta có đầy đủ các điều kiện để chiến thắng ta ngay trên sân nhà, một hệ lụy tất yếu xảy ra là như vậy.

 
Tôi đề nghị Chính phủ có một báo cáo đầy đủ trên cơ sở tính toán đến các hệ lụy xảy ra để chủ động đối phó và để khi chúng tôi bấm nút mà tay không bị run
Đại biểu Lê Văn Lai
 
Chính phủ đã tính đến việc chiến lược phát triển ôtô của chúng ta thông qua đề án sản xuất ôtô trong nước có khả năng thất bại không và đã tính đến để vượt qua khó khăn này bằng các giải pháp nào chưa, chúng tôi chưa thấy.


Chúng ta không thể không tính đến việc thực hiện thắng lợi đề án về chiến lược sản xuất ôtô trong nước.

Nếu như đem so sánh dân Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung thì người cần ngành ôtô sản xuất trong nước nhiều hơn là người cần ôtô giá rẻ.

“Tôi nói một ví dụ, nếu như đến năm 2018 thuế xuất, nhập khẩu bằng 0, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm sâu thế này thì doanh nghiệp ôtô Trường Hải sẽ không tồn tại. Lúc đó sẽ có khoảng 10.000 công nhân thất nghiệp, sẽ có trên 50% ngân sách hàng năm của Quảng Nam sẽ không biết trông vào đâu và nhiều hệ lụy khác về mặt xã hội sẽ xảy ra, đây là điều chúng tôi hết sức băn khoăn”, đại biểu Lê Văn Lai phân tích.

Hiện nay tại Quảng Nam, chỉ một doanh nghiệp ôtô nhưng giải quyết một lượng lao động gần 10.000 người giải quyết ngân sách cho tỉnh trên 50-60%, đồng thời là "bà đỡ" về mặt phát triển công nghiệp, đầu tàu, chỗ dựa để khu kinh tế mở Chu Lai hình thành trong tương lai phát triển.

Khi đặt vấn đề đến việc cho nhập ồ ạt, giảm sâu về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bằng 0 của năm 2018 thì chắc chắn ngành ôtô sẽ chết và hệ lụy của xã hội xảy ra là rất lớn.

“Tôi đề nghị cần cân nhắc và có tính đến liều lượng của chính sách để không xảy ra tình trạng "cái sảy nảy cái ung" và tôi đề nghị Chính phủ có một báo cáo đầy đủ trên cơ sở tính toán đến các hệ lụy xảy ra để chủ động đối phó và để khi chúng tôi bấm nút mà tay không bị run”, đại biểu Lê Văn Lai kiến nghị.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc)
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) 

Cũng có cùng quan điểm này, Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô.

Hiện nay thị trường ôtô Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển tốt, dự kiến trong vòng 10-15 năm tới đây thị trường ôtô Việt Nam đạt ngưỡng dung lượng như thị trường Thái Lan hiện nay.

Vấn đề hiện nay là chính sách như thế nào để giúp các nhà sản xuất xe ôtô trong nước duy trì sản xuất sau thời điểm năm 2018, khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, do chênh lệch về quy mô sản xuất các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp bất lợi về chi phí sản xuất so với xe nhập khẩu.

Vì vậy, đại biểu Thủy đề nghị cần cân nhắc kỹ việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt khi luật này chưa đến thời điểm có hiệu lực thi hành, việc sửa đổi như vậy vừa thiếu tính ổn định trong chính sách về thu ngân sách, vừa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ đối với doanh nghiệp sản xuất ôtô, mà có cả doanh nghiệp phụ trợ khác.

Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô là cần thiết. Tuy nhiên, gần thời điểm giảm thuế xuất khẩu giảm thuế nhập khẩu bằng 0 từ khu vực ASEAN thì giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và nhà nước.

“Tuy nhiên, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm cùng lúc có thể gây ra một số tác động ngược do nhu cầu mua ôtô của người dân tăng đột biến, trong khi hạ tầng giao thông, ý thức tham gia giao thông chưa kịp thay đổi ngay lập tức, có thể dẫn tới hệ lụy bất lợi về giao thông và xã hội”, đại biểu Thủy nêu ý kiến.

Đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, hiện nay ngành sản xuất ô tô trong nước có chi phí sản xuất cao hơn so với xe nhập khẩu sản xuất ở các nước trong khu vực đến 20%.

“Nếu không cẩn thận thì xe nhập khẩu sẽ được hưởng lợi kép từ việc vừa được giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, vừa được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ngay lập tức ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam”, đại biểu Thủy nêu ý kiến.

Bà Thủy cho biết điều này sẽ dẫn tới các hệ lụy rất lớn không thể tính được bằng tiền, đó là lãng phí nguồn kỹ sư, công nhân lành nghề được đào tạo bài bản cho ngành công nghiệp ôtô và có nguy cơ tổn thất do chảy máu chất xám và kỹ năng sang các nước trong khu vực do thị trường lao động đã được mở cửa.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn