• Zalo

Giảm phát thải khí mê-tan: Yếu tố quyết định để ứng phó với biến đổi khí hậu

Chuyển đổi xanhThứ Tư, 04/12/2024 14:47:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất với các quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024, ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch này không chỉ đề ra các mục tiêu cụ thể mà còn đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH đến hệ sinh thái, kinh tế và xã hội Việt Nam.

Việt Nam lên Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (cập nhật) xác định 162 nhiệm vụ ưu tiên.

Việt Nam lên Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (cập nhật) xác định 162 nhiệm vụ ưu tiên.

Kế hoạch cập nhật ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam xác định 162 nhiệm vụ ưu tiên, được chia thành ba nhóm chính, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của đất nước.

1. Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng: Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân thông qua việc cải thiện hệ thống tự nhiên và kinh tế. Nhóm nhiệm vụ này bao gồm 76 hoạt động cụ thể, tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ tài nguyên nước, và bảo tồn hệ sinh thái.

2. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Với 33 nhiệm vụ, kế hoạch này hướng đến việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng. Để đạt được điều này, cần tăng cường hệ thống dự báo thời tiết, thành lập các trung tâm ứng phó khẩn cấp và đào tạo cộng đồng về phòng chống thiên tai.

3. Hoàn thiện thể chế: Kế hoạch cũng đề ra 53 nhiệm vụ nhằm nâng cao thể chế quản lý và phát huy các nguồn lực để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép các biện pháp thích ứng vào các chiến lược phát triển của các ngành liên quan là rất quan trọng.

Theo báo cáo NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định), Việt Nam cần từ 27,5 tỷ đến 64,16 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2030, tức cần huy động khoảng 2,75 - 6,42 tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động thích ứng. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam chủ yếu huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhưng điều này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cấp bách của cộng đồng.

Do đó, việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ từ quốc tế là rất quan trọng. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, các nhiệm vụ ưu tiên trong Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 không chỉ mang tính liên ngành mà còn yêu cầu nguồn lực kỹ thuật và tài chính lớn để triển khai hiệu quả.

Việt Nam cần huy động khoảng 2,75 - 6,42 tỷ USD/năm cho các hoạt động thích ứng.

Việt Nam cần huy động khoảng 2,75 - 6,42 tỷ USD/năm cho các hoạt động thích ứng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải khí mê tan (CH₄) đã trở thành một chiến lược quan trọng.

Theo Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), khí mê tan là một trong những khí nhà kính mạnh, có tác động đáng kể đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc giảm phát thải khí mê tan góp phần quan trọng trong nỗ lực giới hạn nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C.

Để thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để giảm phát thải khí mê tan. Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (Intraco), chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam triển khai nhiều các hoạt động giảm phát thải khí mê – tan, thu hồi khí mê – tan và thương mại hóa thành tín chỉ carbon thành công.

Như mô hình chăn nuôi khép kín phân loại chất thải, xử lý chất thải. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi hệ thống năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, thay cho than đá. Các biện pháp canh tác lúa bền vững thông qua quy trình ngập – khô xen kẽ từ đề án thí điểm 1 triệu ha lúa đồng Bằng Sông Cửu Long cũng đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

Việt Nam cũng là quốc gia có các dự án phát triển sạch lớn trên thế giới. Là quốc gia ký kết hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trong chuyển giao công nghệ và phát triển chương trình đào tạo về giảm phát thải khí mê - tan”.

Đặc biệt trong bản cập nhật lần này, kế hoạch bổ sung nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể liên quan đến phát triển sinh kế bền vững, các mô hình thích ứng dựa vào tự nhiên (NbA), hệ sinh thái (EbA), và cộng đồng (CbA). Những nhiệm vụ này không chỉ giải quyết tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu mà còn thu hút sự tham gia của khối tư nhân, phát huy vai trò của thanh thiếu niên, phụ nữ, cộng đồng trong các hoạt động thích ứng.

Thu hút sự tham gia của khối tư nhân, thanh thiếu niên, phụ nữ, cộng đồng trong các hoạt động giảm phát thải khí mê - tan.

Thu hút sự tham gia của khối tư nhân, thanh thiếu niên, phụ nữ, cộng đồng trong các hoạt động giảm phát thải khí mê - tan.

Kế hoạch cập nhật ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sinh kế cho người dân, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng, qua đó hướng đến một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu này, giảm 30% lượng phát thải khí mê tan (CH₄) trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ là đóng góp quan trọng. Việc triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong kế hoạch này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu.

Để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc huy động sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội là điều hết sức cần thiết. Chính phủ cần xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch, khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào các sáng kiến giảm phát thải.

Đồng thời, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thông qua chuyển giao công nghệ và tài chính cũng rất quan trọng trong việc giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu này.

Hà An
Bình luận
vtcnews.vn